Kinh nghiệm mở cửa trường học của các nước trong đại dịch Covid-19

14/12/2021 20:16

Nhiều quốc gia đã cho học sinh trở lại trường, thử nghiệm các mô hình giáo dục mới và áp dụng một loạt quy định để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lĩnh vực giáo dục mà không một quốc gia nào có sự chuẩn bị trước để đối phó. Sau một thời gian dài đóng cửa các trường học, áp dụng hình thức học và dạy trực tuyến, nhiều quốc gia đã bắt đầu cho học sinh trở lại trường, thử nghiệm các mô hình giáo dục mới và áp dụng những quy định giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Học sinh trở lại lớp học tại vùng đô thị Manila, Philippines ngày 6/12. Ảnh: Reuters

Học sinh trở lại lớp học tại vùng đô thị Manila, Philippines ngày 6.12

Anh 

Mặc dù các nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng, trẻ em ít có nguy cơ bị mắc Covid-19 hơn so với người lớn, nhưng vẫn có nhiều lo ngại rằng trường học sẽ trở thành nguồn lây nhiễm lớn.

Tại Anh, hiệu trưởng các trường học và nhiều liên đoàn kêu gọi chính phủ ban hành thêm nhiều biện pháp đảm bảo an toàn hơn, trong đó có việc đeo khẩu trang trong lớp, nâng cấp hệ thống thông gió và đưa ra các quy định các ly nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Một số người đã cảnh báo về tình trạng “hỗn loạn” tại các trường học khi biến thể Omicron hoành hành tại quốc gia này, khiến nhiều nhân viên, giáo viên và học sinh phải vắng mặt. Ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, một số nhóm học sinh đã được cho phép học trực tuyến ở nhà vì không đủ giáo viên. Hiệp hội Nhà giáo Anh quốc (NASUWT) cho biết, tại một số trường, có tới một nửa đội ngũ giảng dạy không thể làm việc do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tổ chức này đang kêu gọi thành lập thêm nhiều cơ sở xét nghiệm tại chỗ ở các trường học vào tháng 1.2022. Tiến sĩ Patrick Roach, Tổng thư ký NASUWT đã viết thư cho Bộ trưởng Giáo dục Anh Nadhim Zahawi, hối thúc chính phủ hành động ngay lập tức: “Chúng tôi mong muốn tình trạng bối rối và hỗn loạn như thời điểm năm 2020 sẽ không lặp lại bởi điều đó sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin của công chúng và các bậc phụ huynh, đồng thời ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên và người đứng đầu các trường học”.

Học sinh ngồi giãn cách trong một lớp học tại Anh. Ảnh: BBC.

Học sinh ngồi giãn cách trong một lớp học tại Anh

Philippines

Một số trẻ em tại thủ đô Manila của Philippines đã trở lại trường học vào đầu tháng 12, sau khi quốc gia này áp dụng một loạt biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, trong một nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những trẻ này phải đeo khẩu trang và ngồi tại các bàn có gắn tấm chắn. Để tránh sự mất tập trung và lộn xộn, trẻ em được yêu cầu ăn trưa tại bàn và chỉ được phép rời lớp học để đi vệ sinh. Trẻ em sẽ được phân theo từng nhóm không quá 15 em và dành từ 3 đến 5 tiếng học tại trường.

Đây là một phần của cuộc thử nghiệm mở cửa tại 28 trường học ở thủ đô. Chính phủ Philippines hiện đang đặt mục tiêu mở cửa lại tất cả các trường học ở quốc gia này vào tháng 1.2022. Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ngày càng gia tăng và số ca mắc Covid-19 giảm dần, nhiều phụ huynh tại Philippines đã thận trọng hoan nghênh động thái này.

“Tôi cảm thấy sợ hãi vì dịch Covid-19 vẫn còn lây lan, nhưng chúng ta cần phải can đảm để cho con em đi học. Tôi không có nhiều thời gian giúp con gái mình học tập vì tôi còn có những công việc khác”, chị Lara Vedasto chia sẻ.

Hiện số ca mắc mới Covid-19 theo ngày tại Philippines đã giảm mạnh xuống dưới 1.000 ca kể từ ngày 24.11 sau khi lên đến mức đỉnh điểm trên 20.000 ca vào tháng 9, mở đường cho quốc gia này chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Một số người ủng hộ việc mở cửa trở lại cho rằng, việc đóng cửa trường học lâu dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em. Shiena Base - một chuyên gia bảo vệ trẻ em tại tổ chức giáo dục NGO Educo cho biết: “Đối với những trẻ em ở các cộng đồng nghèo và khó khăn, trường học có thể là nơi duy nhất giúp chúng có cơ hội học tập, đặc biệt khi cha mẹ không có trình độ học vấn hoặc phải kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chúng tôi cũng lo sợ rằng nếu việc đóng cửa tiếp diễn, nhiều trẻ em sẽ không có hứng thú đến trường, hoặc buộc phải bỏ học”.

Ấn Độ

Bất chấp ảnh hưởng của các làn sóng dịch bệnh trước và những báo cáo về sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể Omicron rải rác tại nhiều bang trên toàn quốc, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi và chính quyền các bang đã quyết tâm mở cửa trở lại các trường học, coi đây là một yếu tố quan trọng để đưa đất nước “học cách sống chung với dịch bệnh”.

Ấn Độ đã cho phép mở cửa lại các trường học trên toàn quốc từ mùa Thu năm nay. Chính quyền bang Kerala đã mở lại các cơ sở giáo dục bậc cao từ ngày 4.10 và các trường học từ ngày 1/11. Bang Tamil Nadu đã cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 trở lại trường từ ngày 1.11. Còn bang Madhya Pradesh đã nối lại các lớp học thể chất cho học sinh các lớp tiểu học và trung học từ ngày 21.9. Tại New Dehli, người phát ngôn của chính quyền bang cho biết, quyết định mở cửa trở lại trường học được đưa ra sau khi số ca mắc Covid-19 giảm đáng kể. “Chính quyền luôn đề cao cảnh giác. Tất cả mọi người từ giáo viên đến nhân viên đều được tiêm chủng. Bất cứ trường học nào bị phát hiện vi phạm quy định phòng chống dịch sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, trong đó có việc “đóng cửa ngay lập tức” nếu phát hiện có bất cứ trường hợp mắc Covid-19 nào”.

Quyết định mở cửa trở lại trường học của chính phủ Ấn Độ được đánh giá là bước đi hợp lý và nhu cầu cấp thiết. Theo một số nhà phân tích, việc đóng cửa các trường học do dịch bệnh Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn kéo dài và tồi tệ nhất trong lĩnh vực giáo dục ở quốc gia này. Hơn 2/3 số hộ gia đình tại Ấn Độ không có điện thoại thông minh, máy tính hoặc internet. Vì thế với nhiều người, tham gia các lớp học trực tuyến là một giấc mơ xa vời. Một cuộc khảo sát tại các thành phố của Ấn Độ cũng cho thấy, có khoảng 50 đến 8% các phụ huynh sẵn sàng cho con em đi học trở lại.

Một lớp học trực tiếp tại Ấn Độ. Ảnh: Times of India

Một lớp học trực tiếp tại Ấn Độ

Italy

Từ ngày 8.11, tất cả các trường học trên khắp Italy hoạt động theo một loạt hướng dẫn mới, liên quan đến yêu cầu tự cách ly trong trường hợp có học sinh hoặc giáo viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo thông cáo của Bộ giáo dục Italy, yêu cầu cách ly với tất cả giáo viên hoặc học sinh trong một lớp học chỉ được thực hiện khi có 3 người trong lớp mắc Covid-19, hãng thông tấn Ansa của Italy cho biết. Trong trường hợp chỉ có 1 người có kết quả dương tính các học sinh khác vẫn có thể tiếp tục đến trường, nhưng sẽ phải làm xét nghiệm ngay sau khi phát hiện ca mắc đầu tiên.

Nếu 2 học sinh có kết quả dương tính, các bạn cùng lớp đã được tiêm chủng hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng sẽ tiếp tục được đến trường và phải thực hiện xét nghiệm 5 ngày một lần. Còn những học sinh khác sẽ được yêu cầu tự cách ly. Biện pháp mới này sẽ giúp cho các trường học trên toàn quốc tiếp tục mở cửa dù tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng tại Italy.

Hồi tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng giáo dục Italy Patrizio Bianchicho biết, chính phủ sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo các trường học mở cửa nhiều nhất có thể. Thay đổi lớn nhất trong năm này là yêu cầu nhân viên trong trường học, nhân viên bên ngoài và các phụ huynh phải xuất trình thẻ xanh khi ra vào trường.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm mở cửa trường học của các nước trong đại dịch Covid-19