Học để biết nơi mình sống

08/12/2022 11:27

Giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương đã áp dụng phương pháp truyền đạt linh hoạt, tạo điều kiện để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức, từ đó giúp học sinh hiểu về văn hóa, lịch sử, con người nơi mình sinh sống.


Học sinh lớp 7 Trường THCS Duy Tân (Kinh Môn) rất hào hứng với tiết học giáo dục địa phương

Giáo dục địa phương là môn học giúp bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức giữ gìn và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống cho học sinh.

Phát huy phẩm chất, năng lực học sinh

“Này bà con ơi!…Ta vui liên hoan ta hát với muôn lời ca. A ới a, ới a ta cùng vui”. Sau đoạn hát của em Lê Quỳnh Anh, lớp 7A, Trường THCS Duy Tân (Kinh Môn) trong tiết học giáo dục địa phương lớp 7, cả lớp cùng vỗ tay tán thưởng.

Với mô hình thủy đình, sân khấu múa rối nước, con rối được kỳ công chuẩn bị, Quỳnh Anh đóng vai nghệ nhân vừa hát vừa điều khiển con rối. Các bạn khác cùng vỗ tay theo nhịp, hát đối khiến không khí lớp học sôi động như một buổi biểu diễn múa rối nước thật sự. Quỳnh Anh cho biết nhóm đã mất hơn 1 ngày để chuẩn bị mô hình và nội dung thuyết trình. Khi làm mô hình, các em đã nắm được nhiều thông tin về nghệ thuật múa rối nước của Hải Dương. “Em thấy môn học rất hữu ích, giúp chúng em bớt căng thẳng, hiểu về văn hóa, lịch sử, con người nơi mình sinh sống”, Quỳnh Anh nói.

Tiết học về múa rối nước nằm trong chủ đề 3 “Nghệ thuật truyền thống của Hải Dương” của tài liệu giáo dục địa phương lớp 7. Để hấp dẫn học sinh, giáo viên bắt đầu tiết học bằng một trò chơi khởi động, ôn lại kiến thức cũ và dẫn dắt vào bài mới. Thông qua tranh vẽ, sơ đồ tư duy, mô hình múa rối nước, video, đại diện 3 nhóm trong lớp lần lượt trình bày về 3 phường múa rối nước ở Hải Dương. Để ghi nhớ kiến thức hơn, học sinh đóng vai khán giả, nghệ nhân để hỏi và trả lời. Giáo viên nhận xét, chốt lại kiến thức, đồng thời yêu cầu rút ra bài học và mong muốn của học sinh.

Cô Lê Thị Hồng Nhung, giáo viên ngữ văn Trường THCS Duy Tân cho biết tiết học đã không còn truyền thụ một chiều mà chuyển sang dạy cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất học sinh. “Giáo viên có thể linh hoạt phương pháp giảng dạy nhưng phải bảo đảm được nguyên tắc học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức, tự chiếm lĩnh kiến thức”, cô Nhung nói.

Bồi đắp tình yêu quê hương

Tiết học giáo dục địa phương tại Trường THPT Thanh Miện II cũng rất sôi động. Để kiểm tra kiến thức cũ và dẫn dắt vào bài học mới, giáo viên cho học sinh khởi động với những câu hỏi và trả lời về một số di tích nổi tiếng trong tỉnh như Côn Sơn, Kiếp Bạc.


Tiết học giáo dục địa phương tại Trường THPT Thanh Miện II

Vào bài mới, học sinh được xem video giới thiệu về Văn miếu Mao Điền, truyền thống khoa bảng của xứ Đông và thảo luận xoay quanh chủ đề này. Sau đó, học sinh được tìm hiểu về những bảo vật quốc gia tiêu biểu của Hải Dương. Từ thông tin đã tự tìm hiểu trước, học sinh thuyết trình về những bảo vật quốc gia của tỉnh. Giáo viên liên tục đặt câu hỏi hoặc gợi mở để học sinh trả lời những thông tin về văn hóa, lịch sử có liên quan đến bài học.

Em Đặng Đức Hiếu, học sinh lớp 10D, Trường THPT Thanh Miện II cho biết môn học giúp học sinh hiểu thêm về văn hoá, lịch sử, truyền thống, đời sống tinh thần của người dân tại địa phương mình. “Môn học bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, tự hào truyền thống hiếu học của xứ Đông, đồng thời thôi thúc chúng em càng cố gắng học tập để phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương”, Hiếu nói.

Thầy Vũ Trọng Tùng, giáo viên địa lý Trường THPT Thanh Miện II cho biết môn học gắn liền với lịch sử, văn hoá, con người Hải Dương. “Để giảng dạy môn học hiệu quả, tôi đưa tài liệu, giao bài tập, nhiệm vụ nhóm cho các em tìm hiểu trước. Sau đó thông qua các mô hình, bức vẽ, sơ đồ tư duy… học sinh phải trình bày, báo cáo trước lớp để nhớ kiến thức lâu hơn cũng như phát huy được năng lực của học sinh”, thầy Tùng chia sẻ.

Giáo dục địa phương là môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn học này đã thực hiện đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Năm học 2022-2023, tiếp tục áp dụng đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Ngay sau khi có bản phôi điện tử tài liệu giáo dục địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện đã chủ động gửi tài liệu tới các trường chuyển cho giáo viên nghiên cứu xây dựng kế hoạch giảng dạy. Theo ông Trịnh Xuân Dương, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Chí Linh, do nhận tài liệu muộn nên các trường đang linh hoạt tăng tiết dạy. Theo quy định, mỗi tuần dạy 1 tiết nhưng nay có trường dạy 3 tiết để đến cuối học kỳ I có thể lấp đầy chương trình. Nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy cũng cho biết hiện chưa có sách bản giấy, sách điện tử khi trình chiếu chữ bị mờ. Chưa có sách hướng dẫn giáo viên, nguồn học liệu hạn hẹp nên thầy cô vất vả và khó khăn khi soạn giáo án. Họ phải mất nhiều thời gian sưu tầm thêm tài liệu, hình ảnh, video và soạn giáo án điện tử, in tài liệu cho học sinh. Tuy nhiên, các thầy cô và học sinh vẫn đang cố gắng khắc phục.

Tài liệu giáo dục địa phương lớp 7 và lớp 10 đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo đưa vào giảng dạy tại các trường từ ngày 15.11.2022. Tổng thời lượng chương trình 35 tiết. Đối với lớp 7, giáo viên ngữ văn, địa lý và lịch sử giảng dạy; giáo viên lịch sử, địa lý và giáo dục hướng nghiệp dạy các chủ đề của lớp 10.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học để biết nơi mình sống