Chiến thuật làm bài thi tốt nghiệp môn hóa đạt điểm cao

04/07/2022 07:40

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cô Khiếu Thị Hương Chi, giáo viên hóa học của Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) chia sẻ một vài lưu ý giúp các thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất.

Theo cô Chi, tuần học cuối cùng, các thí sinh nên lập thời gian biểu tổng ôn 1 lượt 40 câu, xác định các vấn đề trọng tâm nội dung đề thi tốt nghiệp THPT.

“Cũng cần xem lại đề tham khảo của Bộ GDĐT để định hình lại cấu trúc, hình thức đề. Việc định hình được cấu trúc đề thi cũng giúp thí sinh chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi nắm được đề sẽ ra những dạng câu hỏi nào”.

Cô Chi khuyên, học sinh có thể tự chọn ra 10 đề thầy cô đã cho làm, hoặc các đề thi thử trong thời gian ôn tập hoặc các đề thi mà các em thấy tâm huyết, rồi áp dụng cho chia nhóm câu để xác định nhóm câu, nhóm kiến thức mình còn chưa giải tốt. Sau đó, ghi lại những vấn đề bản thân còn bị hiểu sai và sửa lại, điều này giúp các em chủ động hơn trong quá trình làm bài.

“Các em cũng nên ghi ra 3 nội dung khó, để có thể không bị rối, có thể phân loại, nhận diện được nó khi đọc đề, không bị áp lực. Và với những học sinh không có ý định xét tuyển bằng điểm thi môn hoá thì có thể ghi ra 10 nội dung khó, khi vào làm bài thi chính thức thì có thể chủ động phân loại các câu khó để làm sau”, cô Chi chia sẻ.

Theo cô Chi, những lỗi sai thường mắc phải với bài thi hóa học như quá vội làm và hay sai câu dễ vì đọc lướt và chủ quan không kiểm tra lại. Hay lỗi gặp đáp án nhiễu, nhầm lời dẫn là câu phủ định hay khẳng định. Đa phần do lỗi chủ quan không đọc đủ 4 đáp án. Do đó lời khuyên là vẫn nên đọc đủ cả 4 đáp án rồi hãy chọn, nó có thể không mất quá nhiều thời gian nhưng là 1 cách chốt đáp án đúng khá hiệu quả.

Lỗi cũng thường gặp là phân tích quá trình hoá học thiếu hoặc sai dẫn đến không có đáp án để chọn sẽ ảnh hưởng tâm lý cho các câu kế tiếp. Hay tô không cẩn thận đáp án trên giấy trắc nghiệm khiến câu trả lời dù đúng nhưng không được máy chấm công nhận.

Cô Chi cho hay, trong quá trình làm bài thi, cần có chiến lược, phân bố thời gian cho 40 câu hỏi (4 nhóm: 15 câu dễ - 10 câu cơ bản-10 câu trung bình khá-5 câu khó)” 

Với các thí sinh đặt mục tiêu điểm số  7,5 (30 câu) với 4 nhóm câu “15 - 10 - 10 - 5” , chia thời gian dành cho tương ứng: 15’ – 15’ – 10’ – 5’.

Với các thí sinh đặt mục tiêu điểm số từ 8-10 điểm (40 câu) với 4 nhóm câu “15 – 10 – 10 – 5”, chia thời gian dành cho tương ứng: 10’ – 10’ – 15’ – 15’. 

Với từng nhóm câu hỏi cần lưu ý như sau:

Nhóm 1 (15 câu dễ): Đọc chậm (bởi đọc 1 lượt cẩn thận còn hơn đọc ẩu lại phải đọc lại sẽ tốn thời gian và ảnh hưởng tâm lý), đọc chắc từng câu hỏi và chọn đáp án đúng, sau chọn được đáp án thì ghép ngược lại đáp án với câu dẫn (nhìn lại lên câu dẫn 1 lần nữa, để chắc chắn không bỏ qua từ khi đọc lần 1). “Cố gắng cẩn thận, chắc chắn làm đúng 15 câu dễ này, không để lãng phí điểm số”, cô Chi nói.

Nhóm 2 (10 câu cơ bản): Nhìn cả 4 đáp án, có thể loại trừ dễ dàng dựa vào dữ kiện đề bài, kiểm tra lại đáp án đúng với các điều kiện câu hỏi đưa ra. Chú ý các từ “chìa khoá” quyết định của câu dẫn. Nên gạch chân khi đọc qua vì có thể cần lướt lại câu dẫn lần thứ 2.

Nhóm 3 (10 câu trung bình khá): tính toán mức độ đơn giản nên cần tính chuẩn 1 lần, ghi sơ đồ bài toán (nếu cần thiết để tránh nhầm, thiếu quá trình phản ứng, thiếu chất, cần ghi ra nháp). Vẫn cần chú ý tới 4 đáp án đưa ra, đề phòng, cẩn trọng các đáp án gây nhiễu, có thể nhanh vội dẫn đến chọn sai.

Nhóm 4 (5 câu khó): cần lựa chọn thứ tự câu để làm vì thời gian. Làm câu nào chắc câu đó, không tham phân tích đề tất cả các câu cuối rồi để đó. Chú ý các dấu hiệu “đặc biệt” có thể gợi ý cho lời giải nhanh, ngắn gọn.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiến thuật làm bài thi tốt nghiệp môn hóa đạt điểm cao