Vì sao điểm môn lịch sử vẫn "đội sổ"?

05/08/2021 14:00

Điểm thi môn lịch sử của cả nước nói chung, ở Hải Dương nói riêng tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tiếp tục “đội sổ”. Đây là thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay.


Thí sinh Hải Dương làm bài thi tổ hợp khoa học xã hội tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (ảnh minh họa)

49% số bài thi dưới 5 điểm

Điểm bình quân môn lịch sử mà thí sinh Hải Dương đạt được tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là 5,03, cao hơn 0,06 điểm so với điểm bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, nếu so với các môn thi còn lại tại kỳ thi này thì điểm bình quân môn lịch sử thấp nhất.

Toàn tỉnh có 15.537 thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp xã hội (gồm các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Kết quả, có 7.620 bài thi dưới 5 điểm, chiếm 49%. Mặc dù không thí sinh nào bị điểm liệt nhưng có 167 thí sinh chỉ đạt từ 0,75-1,75 điểm, 1.874 thí sinh đạt 2-3 điểm.

Điểm bình quân môn lịch sử của thí sinh dự thi tại điểm Trường THPT Thanh Bình (Thanh Hà) chỉ đạt 4,43, thấp nhất tỉnh. Tiếp đến là hai trường THPT Hà Đông (Thanh Hà), Cầu Xe (Tứ Kỳ) cùng đạt 4,92 điểm.

Điểm lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây luôn trong tình trạng “đội sổ”. Theo cô Đặng Thu Hà, giáo viên môn lịch sử Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi thì kiến thức trong chương trình sách giáo khoa môn lịch sử hiện còn quá nặng so với số tiết thực tế học sinh được học (1,5 tiết/tuần). So với các môn xã hội khác, lịch sử có quá nhiều sự kiện, nhiều vấn đề có liên quan đến nhau khiến học sinh cảm thấy khó học. Thực trạng dạy và học lịch sử trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập, khó khăn. Việc tìm giải pháp vừa dạy lịch sử hay, ôn tập tốt để học sinh có được điểm thi cao là áp lực rất lớn với giáo viên. Học sinh hiện lười học lịch sử, nhất là những em chỉ chọn môn này là một môn trong tổ hợp thi tốt nghiệp. “Chỉ cần môn này không bị điểm liệt là các em được công nhận đỗ tốt nghiệp. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến các em lười học và dù thầy cô cố gắng thế nào thì cũng khó có hiệu quả”, cô Hà phân tích.

Lối tư duy môn chính, môn phụ đã ăn sâu vào nhận thức về giáo dục của học sinh, phụ huynh, thậm chí là cả giáo viên từ nhiều năm nay. Lịch sử chỉ là môn phụ, môn điều kiện để tốt nghiệp nên học sinh học đối phó, hời hợt, nhiều giáo viên cũng chỉ dạy hết giờ cho xong. Còn phụ huynh thì hướng con em mình theo đuổi những môn được coi là quan trọng, là môn chính nên vô tình áp đặt. Ngành giáo dục và đào tạo cũng coi đây là môn không bắt buộc nên ít có sự đầu tư, quan tâm để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì thế mà môn sử bị bỏ rơi, xem nhẹ.

Khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng học sinh theo các khối ngành đào tạo về lịch sử giảm mạnh do những người theo chuyên ngành lịch sử khó tìm việc làm. Những năm gần đây, chất lượng đầu vào ngành sư phạm, trong đó có khoa lịch sử tại nhiều trường đại học giảm. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy lịch sử trong các trường phổ thông.

Đưa lịch sử vào thi tuyển công chức

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Câu nói đó của Người cho thấy việc dạy và học lịch sử không chỉ để cho mỗi người dân Việt Nam nhận biết rõ cội nguồn của mình mà còn nhằm bồi đắp, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn, tự hào dân tộc. 

Tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho rằng cần loại bỏ tư tưởng lịch sử chỉ là “môn phụ” trong các trường phổ thông. Cần coi đây là môn học chính, bắt buộc đối với mỗi công dân Việt Nam. Những cường quốc như nước Mỹ, nước Nhật còn coi lịch sử là môn học có vị trí hàng đầu trong giáo dục nhân cách, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức cộng đồng. “Nhà nước nên xem xét đưa môn lịch sử vào vòng thi kiến thức, năng lực chung tại các kỳ thi tuyển công chức”, Tiến sĩ Lê Duy Mạnh nêu quan điểm.

Ở góc độ chuyên môn, một số giáo viên dạy giỏi cho rằng để trò yêu môn lịch sử đòi hỏi người thầy phải thực sự tâm huyết, có kiến thức môn học vững chắc và đặc biệt phải có phương pháp giảng dạy sinh động, thuyết phục, mở khóa truyền tải những kiến thức lịch sử khô khan đi vào tâm trí cho các em. Thay vì cố nhồi nhét thì giáo viên cần là người truyền cảm hứng để học sinh tiếp thu kiến thức lịch sử một cách sáng tạo, khoa học. 

Tuy nhiên để đạt được kết quả cao trong học và thi môn lịch sử lại phụ thuộc rất lớn vào chính học sinh. Trên cơ sở những buổi học với thầy cô ở trên lớp, các em phải tích cực chủ động học, nắm chắc nội dung, sưu tầm, mở rộng kiến thức từ những kênh thông tin khác, tạo tâm lý tự tin, thoải mái trong học và thi.

MẠNH MƠ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao điểm môn lịch sử vẫn "đội sổ"?