Trăn trở nghề chạm khắc đá Dương Nham

31/03/2019 08:39

So với những nghề khác, chạm khắc đá ở thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.

Làm việc trong môi trường ồn ào, bụi bặm nhưng người làm nghề chỉ được trang bị bảo hộ sơ sài 

Nhưng do thường xuyên làm việc trong môi trường ồn ào, bụi bặm nên người làm nghề dễ mắc nhiều loại bệnh.

​Ít người theo nghề

Chạm khắc đá vốn là nghề truyền thống của người dân thôn Dương Nham. Với bàn tay tài hoa và lòng yêu nghề, người Dương Nham đã tạo nên những công trình bằng đá tinh xảo, sắc nét nổi tiếng. Trải qua bao thăng trầm, người dân nơi đây vẫn giữ được nghề nhưng ngày càng ít người làm. Đến nay, trong xã chỉ còn 2 cơ sở làm nghề với khoảng 25 lao động.

Trăn trở giữ nghề truyền thống của ông cha, những năm qua bà Nguyễn Thị Lý (Công ty TNHH một thành viên Hữu Nghĩa) không khỏi buồn rầu khi nghề ngày càng bị thu hẹp lại. Bởi ngày nay có nhiều nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm nên người dân ít dùng đồ bằng đá. "Có lẽ do người tiêu dùng chưa cảm nhận được vẻ đẹp của những sản phẩm làm bằng đá so với làm bằng những chất liệu khác nên sức tiêu thụ các sản phẩm gần đây giảm đáng kể", bà Lý chia sẻ.

Mặc dù nghề chạm khắc đá ở Dương Nham ngày càng thu hẹp nhưng tín hiệu vui là có nhiều người trẻ tìm đến với nghề. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nhạc họa ở Hà Nội, anh Vũ Văn Hậu (con trai bà Lý) quyết định trở về làm việc tại công ty của gia đình. Mang kiến thức được học vận dụng vào thực tế, anh Hậu đã sáng tạo thêm nhiều hình vẽ, họa tiết mới, làm phong phú những mẫu mã của làng nghề. Hiện nay, ngoài chế tác văn hoa cho các công trình văn hóa, đình chùa, lăng mộ, người làng nghề Dương Nham còn chạm khắc tạo ra các con giống, tượng đá và các loại sản phẩm khác.

Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp

Cùng với sự biến đổi của thời gian, nghề chạm khắc đá cũng có nhiều thay đổi. Vài ba năm trở lại đây, thay vì phải lên núi để lựa chọn đá, người làng nghề Dương Nham đã tìm được những đối tác cung cấp nguyên liệu ổn định từ Thanh Hóa. Các phiến đá đã được đối tác sơ chế nhẵn nhụi nên người làm nghề cũng bớt vất vả. Người chạm khắc cũng đã đưa nhiều máy móc vào thay thế cho sức người. Mặc dù hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chế tác truyền thống nhưng đổi lại người làm nghề phải làm việc trong môi trường bụi bặm, ồn ào, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao hơn trước đây.

Theo quan sát của chúng tôi, tại các cơ sở chế tác đá, âm thanh từ khoan, cắt đá phát ra rất lớn, không gian luôn bao phủ bởi một lớp bụi mỏng. Dù vậy, người làm nghề chỉ đeo những chiếc khẩu trang bình thường để ngăn bụi. Khi được hỏi, hầu hết những người làm nghề chưa nhận thức được tác hại và hậu quả do nghề gây ra. 

Đến nay, chưa có một cuộc khảo sát đánh giá tác động nào về bụi và tiếng ồn đến sức khỏe của người làm nghề chế tác đá tại thôn Dương Nham. Theo bác sĩ Bùi Quang Đợi, Trưởng Khoa Nội II (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), làm việc trong môi trường bụi, nhất là bụi đá rất nguy hiểm bởi loại bụi này mịn, có thể hít sâu vào trong phổi và nằm yên trong đó mà không lấy ra được. Các biểu hiện về bệnh phổi do hít phải bụi mịn ban đầu chỉ là ho, đau ngực, khó thở... nên dễ bị nhầm với những bệnh khác. Khi chụp X-quang sẽ thấy các nốt chấm vôi hóa ở 2 phổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các bệnh giãn phế quản, xơ hóa phổi, tâm phế mạn, cuối cùng là suy hô hấp mạn tính. Đây không phải là bệnh ác tính nhưng cũng rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người. "Trên thực tế đã có nhiều công nhân nhà máy xi măng, khai thác than, đá... vào viện kiểm tra sức khỏe. Với những trường hợp làm việc lâu năm, phổi đã bị xơ hóa thì không còn giải pháp chữa trị", bác sĩ Đợi nói.

Làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn thường xuyên cũng sẽ tác động xấu đến thính lực của người làm nghề. Người lao động phải tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn và đặc biệt tiếng ồn có cường độ cao, tai sẽ nghe khó và dần dần dẫn đến điếc vĩnh viễn.

Để người làm nghề chế tác, chạm khắc đá Dương Nham có thể phòng ngừa các bệnh do tiếng ồn và bụi gây ra, các cơ quan chuyên môn cần tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người thợ. Người lao động nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn, đeo nút tai khi làm việc. Không làm việc liên tục trong môi trường ồn ào, bụi bặm. Đồng thời cần kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện các biểu hiện của bệnh để được điều trị kịp thời.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trăn trở nghề chạm khắc đá Dương Nham