Sống thử - Cũng lắm đắng cay?

20/05/2022 15:22

Nhiều phụ nữ sau quá trình là vợ chồng hờ chung đã ngao ngán, thất vọng: “Biết vậy thì đã không xáp vô làm gì".

Sống thử - hà cớ chi chịu hết đắng cay? - Ảnh 2.

Xã hội hiện tại đã có cái nhìn thoáng hơn về việc "góp gạo thổi cơm chung" của những người đứt gánh giữa đường hay còn độc thân. Khi nào cảm thấy thật sự yêu thương, thật sự cần có nhau trong đời, họ sẽ kết hôn. Còn không thì chia tay, không vướng bận các thủ tục pháp lý rắc rối.

Với những người có vị trí xã hội và tài sản, mọi việc có vẻ dễ dàng hơn. Quá trình sống chung không vướng mắc về tiền bạc nếu đôi bên độc lập tài chính.

Khi chia tay, đa số họ cũng tìm cách giải quyết êm đẹp để bảo toàn danh dự cho đôi bên. Thời gian đồng hành với nhau dù dài hay ngắn thì cũng đã có chung những tháng ngày hạnh phúc. Thế nhưng, với những người tài chính khó khăn, thì hình như... hạnh phúc cũng khó khăn hơn trong và sau quá trình sống thử.

Quan sát ở khu nhà trọ của con gái tôi suốt mấy năm qua, tôi phát hiện những đôi góp gạo thổi cơm chung phải chật vật mưu sinh. Khi đến với nhau họ không còn son rỗi, nên việc chia năm xẻ bảy khoản thu nhập vốn ít ỏi để nuôi con với người cũ, phụ giúp gia đình... đã chiếm đi một phần lớn. Vì thế, đời sống chung thường nảy sinh bất hòa, cãi vã.

Nhiều phụ nữ sau quá trình là vợ chồng hờ chung đã ngao ngán, thất vọng: "Biết vậy thì đã không xáp vô làm gì. Bởi khi quen, các anh luôn tỏ ra hào phóng, dẫn đi ăn, mua quà tặng... Cho đến khi về chung nhà thì người phụ nữ lớp phải lo tiền chợ, lớp phải đóng tiền nhà, bởi anh ta lúc nào cũng "chưa lãnh lương" hoặc "hết tiền rồi".

Những cặp đôi thường chọn giải pháp thuê nhà trọ để sống cùng nhau, con thì gửi cho mẹ hoặc chồng hay vợ cũ nuôi. Sau giờ làm việc và buôn bán, họ tương đối rảnh rỗi, nhưng đó là cánh đàn ông, còn phụ nữ thì lúc nào cũng tất bật như con rối. Về tới phòng trọ là các chị lo cơm nước, trong khi anh chồng hờ ngồi chơi game trên điện thoại. Ăn xong chị vợ lại lui cui dọn dẹp.

Sáng trước khi đi làm, người vợ phải giặt một thau quần áo và phơi, khi "đấng ông chồng" ngồi nhâm nhi ly cà phê và tô mì do bạn đời nấu. Chưa hết, cuối tuần nào cao hứng, anh "chồng hờ" còn kéo cả nhóm bạn về tụ tập nhậu nhẹt, hát karaoke tới nửa khuya.

Sáng thứ Hai, dù "vợ hờ" mệt mỏi bơ phờ vẫn phải dậy sớm giặt đồ và dọn rửa đống chén bát nồi niêu của buổi tiệc đêm qua. Đó là trường hợp tôi chứng kiến thường xuyên ở khu trọ công nhân. Hễ "vợ hờ" ý kiến thì "chồng hờ" dọa bỏ đi. Vậy là cuộc tình lại tiếp nối trong sự nhẫn nhục, chịu đựng vô điều kiện của người phụ nữ.

Tuần vừa rồi, Bích nhờ tôi mua dùm viên thuốc uống phá thai. Cầm thuốc, Bích băn khoăn hỏi tôi: "Uống hoài vầy có sao không cô?".

Tôi lắc đầu: "Cô không biết, nhưng thuốc thì không phải là kẹo. Sao con không ngừa trước cho an toàn?". Bích cười như mếu: "Con đặt vòng không hợp.

Uống thuốc theo vỉ thì bị nám hết da mặt. Còn ảnh không chịu xài bao cao su".

Không lẽ người ta đang sống chung, tôi lại lên tiếng xui họ bỏ nhau? Nhưng tôi không hiểu sao người đàn bà xinh đẹp như vậy lại chấp nhận người đàn ông không hề biết nghĩ cho mình một chút?

Tôi chỉ muốn nói thật nhiều với các cô gái, nếu chọn sống chung với ai đó để chia ngọt sẻ bùi, thì cũng nhớ tỉnh táo. Người ta thương quý mình thì mình quý thương lại để đáp trả thịnh tình. Chứ hà cớ gì lại nhận hết đắng cay về một phía?

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống thử - Cũng lắm đắng cay?