Lời trách mắng của mẹ đẻ khiến nàng dâu hối hận

06/07/2022 08:50

Những câu chuyện về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vô hình chung luôn đẩy phe "gây chuyện" lên đầu mẹ chồng nhưng đôi khi sự thật lại khác.

1. Liên cưới Hùng sau 4 năm yêu đương. Bản thân Liên và Hùng đều là những người giỏi giang, tự tin trong cuộc sống. Họ cũng kiếm được không ít tiền nên cuộc sống hôn nhân hoàn toàn dễ chịu.

Phải nói rằng mối quan hệ này rất nhiều người ngưỡng mộ. Họ vừa đẹp về ngoại hình, tài năng cũng có đủ nên là mẫu hình cho một cặp đôi kiểu mẫu trong đám bạn bè.

Liên rất cá tính. Cô đã quyết cái gì thì lúc nào cũng làm bằng được. Không chỉ thế, với hôn nhân, đa phần cũng là do Liên quyết. Hùng dễ tính, hiền lành nên lúc nào cũng nhường nhịn vợ.

Cưới được 1 năm thì Liên có bầu. Trước khi cô sinh khoảng 1 tháng, mẹ Hùng đã lặn lội từ quê lên sống chung vì muốn tìm hiểu môi trường sống, sau này chăm dâu chăm cháu chu đáo hơn.

Vì non kinh nghiệm, Liên cũng đi xin bạn bè hoặc đồng nghiệp tư vấn chuyện sống chung với mẹ chồng. Chẳng hiểu suy nghĩ ra sao, Liên lại đồng ý với quan điểm nếu không làm cho mẹ chồng quý thì phải khiến bà sợ mình. Vừa vặn, cô chọn vế sau và cho rằng nếu như mình luôn "cứng" thì mẹ chồng sẽ ít can thiệp vào cuộc sống của cả hai.

Có thể nói rằng, ngay từ đầu, Liên đã có một sự lựa chọn gây nên không ít lời tranh cãi.

2. Mẹ chồng Liên cũng giống con trai mình, đều là người hiền lành. Ngay từ ngày đầu mẹ lên, Liên đã nói thẳng với bà chuyện không vào phòng riêng của hai vợ chồng. Nếu như người bình thường, khéo léo uyển chuyển thì cách nói cũng khác. Liên thẳng thừng bảo: "Con không thích ai đụng vào đồ của con nên mẹ đừng vào phòng riêng nhé. Nhà 100m2 mẹ chừa cho con 15m2 đó thôi là được".

Mẹ chồng sững người nghe Liên nói nhưng bà cũng gật đầu đồng ý.

Mẹ chồng ở quê lên, có nhiều điều bà chưa thể nào quen được. Từ đồ dùng điện cho đến nếp sống hay đơn giản như chuyện bảo quản đồ trong tủ lạnh. Bất cứ bà làm cái gì, Liên cũng không ưng ý.

Cô than vãn với Hùng, anh bảo mẹ chưa quen, một thời gian nữa sẽ ổn thôi. Nếu như có gì không vừa ý Liên cứ nhẹ nhàng bảo với mẹ. Từ đó, Liên thấy Hùng đi làm về sớm, chỉ dạy mẹ mình cách nấu cơm bằng nồi cao tần, cách dùng loại hộp trữ đông cất thịt cá hay vận hành máy rửa bát. Thấy vậy cô cũng xuôi xuôi.

Thế nhưng bước ngoặt đến sau khi Liên sinh em bé. Cô gạt bỏ toàn bộ những gì mẹ chồng cho là tốt với sản phụ. Theo Liên, thời đại giờ nuôi con hiện đại nên tỏ ra gắt gỏng nhiều với mẹ chồng.

Cho đến khi nghe mẹ chồng gọi cho bố chồng, khoe rằng cháu kháu khỉnh lắm rồi phân vân mấy cái tên để gọi cháu, Liên tỏ ra tức giận tột độ.

Cô nặng nề nói rằng con mình sinh ra, tên sẽ do mình đặt. Bố mẹ chồng không cần can thiệp vào chuyện này.

"Con nghĩ ai sinh thì người đó đặt tên. Bố mẹ không phải nhọc lòng nghĩ tên cho cháu đâu, con chẳng dùng đâu mà. Với cả con đặt tên sẽ không có kiêng kỵ húy gì đâu. Tên con của con thì vợ chồng con thích là được", Liên thẳng thắn.

Mẹ chồng sững người trước những lời của con dâu. Bà nhẹ nhàng bảo rằng mình chỉ vui quá, nói với bố chồng chứ hoàn toàn chẳng có ý tranh giành gì chuyện đặt tên. Ngay chiều hôm đó, đợi Hùng đi làm về, bà bảo ở quê có việc phải về gấp.

Nhìn mẹ chồng như vậy Liên biết mình đã ứng xử sai và ăn nói không chấp nhận được nên mẹ chồng mới mượn cớ để về quê. Mang chuyện kể với mẹ đẻ, Liên nhận về cả một trận mắng. Câu nói mẹ đẻ nói khiến Liên nhớ nhất: "Đôi khi, khơi mào cho vấn đề mẹ chồng nàng dâu căng thẳng không phải đến từ mẹ chồng".

3. Bình thường, người ta hay đọc về những câu chuyện các nàng dâu khi lấy chồng sợ mẹ chồng khó khăn, gây khó dễ. Họ xin lời khuyên làm sao để sống chung với mẹ chồng rồi tưởng tượng ra hàng loạt viễn cảnh tiêu cực khi về chung sống với một gia đình khác.

Tuy nhiên, có bao giờ các nàng dâu suy nghĩ kỹ càng hơn rằng mẹ chồng cũng sẽ có những phút giây lo lắng như thế. Họ không biết con dâu mới thế nào, nên chăm sóc, chung sống chung ra sao để cả hai bên cùng thoải mái, gia đình êm ấm nhất.

Những câu chuyện về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu vô hình chung luôn đẩy phe "gây chuyện" lên đầu mẹ chồng. Họ quên đi rằng cũng có những cô con dâu không tâm lý trong cách sống, cách xử sự để dẫn đến gia đình xích mích.

Bởi vậy, với mẹ chồng hay nàng dâu, cả hai cũng nên đặt mình vào vị trí của đối phương để suy nghĩ. Có những vấn đề nhỏ nhưng cư xử không khéo sẽ sinh ra cả một hậu quả to lớn ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

Ngay từ đầu, nhiều cô con dâu đã có những suy tính sai lầm khi sống chung với mẹ chồng. Thay vì nhẹ nhàng, thoải mái tiếp nhận nhau. Họ lại đưa ra các phương án và cách cư xử kém khéo léo. Đến cuối cùng, họ tự biến mình thành kẻ gây chuyện, khiến cho mối quan hệ với mẹ chồng căng thẳng.

Trong câu chuyện trên, Liên đã ứng xử rất sai với mẹ chồng. Tất cả bắt nguồn từ lí thuyết "khiến cho mẹ chồng sợ" mà cô cho là đúng nhất. Đến cuối cùng, người ta chỉ thấy một nàng dâu gắt gỏng, kém khéo léo, gây mất lòng.

Đây là một bài học lớn cho các nàng dâu. Chẳng nên tiếc những lời nói, hành động hay tâm ý khéo léo dành cho mẹ chồng. Hãy sống thật tâm và chân thành, đó mới là "suy tính" tốt nhất khi bước vào hôn nhân.

Theo Gia đình

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời trách mắng của mẹ đẻ khiến nàng dâu hối hận