Già cậy ai?

26/12/2021 11:13

Nửa đêm, bà Nguyệt tỉnh giấc vì ông Từ, chồng bà cứ trở mình liên tục. Bà sờ trán ông thấy lạnh toát nên giật mình, bật dậy, lần sờ công tắc điện.



Bà hốt hoảng hỏi ông làm sao mà cứ trằn trọc không ngủ. Ông ôm bụng bảo đau ở chỗ này, chỗ này, lúc đầu nó đau âm ỉ, càng ngày càng dữ dội hơn nhưng ông sợ ảnh hưởng giấc ngủ của bà nên không dám đánh thức vợ. Nghe ông nói thế, bà cuống cuồng gọi điện cho con trai trên thành phố, về ngay đưa bố đi viện. Nhưng anh con trai ở Hà Nội giọng ngái ngủ, bảo bố mẹ yên tâm, anh sẽ thuê xe taxi chở ông bà sang viện, chứ đêm hôm khuya khoắt, đường sá xa xôi, dịch bệnh Covid-19 lại đang diễn biến phức tạp, anh không thể về quê ngay được.

Bà Nguyệt động viên ông Từ cố gắng chịu đựng một chút. Bà tự trấn an mình, bình tĩnh chuẩn bị mấy bộ quần áo, đồ dùng cá nhân rồi tất tả sang hàng xóm gọi cửa, nhờ hàng xóm gọi hộ chiếc taxi. Cuộc sống của vợ chồng bà hàng chục năm nay chỉ có hai người, các con công tác, sinh sống ở xa. Cô con gái lớn thì lấy chồng và làm việc ở tận miền Nam, vài năm mới về nhà một lần. Anh con trai thứ hai thì lấy vợ, sinh sống ở Hà Nội, thành ra ông bà tự chăm nom lẫn nhau. Lúc khỏe mạnh, bình thường thì không sao nhưng khi ốm, khi đau, bà Nguyệt cũng có lúc chạnh lòng, tủi thân. Bà sống tốt với hàng xóm nên thi thoảng trái gió trở trời vẫn cậy nhờ xung quanh.

Đưa ông Từ vào viện ngay trong đêm, bác sĩ kết luận ông Từ bị đau ruột thừa nên phải mổ sớm. Không đợi con trai từ Hà Nội về, bà ký giấy để chồng được mổ. Ngồi ở hành lang bệnh viện, bà Nguyệt cứ bồn chồn không yên. Bà ao ước giá những lúc như thế này có các con ở bên động viên thì bà sẽ an tâm phần nào. Khi ông Từ được đưa về phòng hậu phẫu, bà mới thở phào nhẹ nhõm.

Để phòng dịch  Covid-19 nên mỗi bệnh nhân chỉ có một người nhà chăm sóc, vì vậy khi vào viện, bà Nguyệt đã được xét nghiệm. Khi anh con trai về đến cổng bệnh viện, muốn vào thay mẹ chăm sóc bố nhưng bà Nguyệt lại lo ảnh hưởng công việc của con, vì đã vào là phải ở ít nhất một tuần trong viện, thay ca cũng không phải dễ dàng trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay. Bà nghĩ mình vẫn còn đủ sức chăm sóc chồng nên giục con trở lại Hà Nội. Anh chần chừ, lưỡng lự rồi quyết định trở lại cơ quan, thu xếp công việc, làm đơn xin nghỉ phép để có thể về chăm sóc bố. Không ngờ, anh chưa kịp về quê thay ca cho mẹ nghỉ ngơi ít ngày thì khu nhà anh ở có người bị nhiễm Covid-19 nên bị phong tỏa. Bà Nguyệt nghe tin, chỉ biết động viên con phải cẩn thận, giữ gìn sức khỏe. 

Cô con gái ở miền Nam thì ngày nào cũng gọi video vài lần cho bà Nguyệt xem tình hình của bố có tiến triển tốt không. Nhiều lúc bà thương con lấy chồng xa, hiếm khi được gần gũi bố mẹ chứ chẳng bao giờ trách cứ con không về chăm sóc bố mẹ những khi ốm đau như thế này. Nhà neo người, kể cũng bí bách nhưng bà biết không ít gia đình đông con cũng trong tình trạng như gia đình bà. Các con trưởng thành, mỗi đứa lập nghiệp một nơi, có phải tí tí là chạy về với bố mẹ ngay được đâu.

Hằng ngày bà Nguyệt dìu ông Từ tập đi trong khuôn viên bệnh viện. Bà cũng biết sử dụng điện thoại thông minh để đọc báo cho ông nghe, bật ca nhạc cho ông giải trí. Việc chăm sóc bữa ăn giấc ngủ, vệ sinh cá nhân cho ông... một tay bà lo hết. Những khi ông ngủ ban ngày, bà tranh thủ tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Mấy người nhà bệnh nhân cùng phòng cứ tấm tắc khen bà có sức dẻo dai bởi chăm người ốm vài hôm là bơ phờ, mệt mỏi. Bà chỉ cười đáp: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông, thôi thì mình còn lo được, vợ chồng già tự chăm nhau, khỏi phiền hà đến con cháu”. Một bệnh nhân cùng phòng với ông Từ nghe bà Nguyệt nói thì lên tiếng góp chuyện: “Đến lúc già yếu không biết sẽ cậy nhờ ai?”. Bà Nguyệt vui vẻ: “Đến lúc ấy tính sau bác ạ!”. 

TRẦN THỊ LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Già cậy ai?