Cảm nhận đất Phú

01/05/2020 19:32

Có vẻ như Tuy Hòa, thủ phủ của tỉnh Phú Yên là viên ngọc còn đang đợi bàn tay tài hoa của người thợ chế tác để tỏa sáng.

Trên núi Nhạn có ngôi tháp Chăm cổ kính-một điểm du lịch hấp dẫn ở Tuy Hòa

Nếu không có dịch Covid-19, chắc những ngày này cả một rẻo miền Trung từ Nam Hải Vân đến Bắc Đèo Cả đều đang vào mùa hút khách du lịch. Ít năm lại đây, vùng đất đầy nắng gió tưởng như đến khắc nghiệt này đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách.

Viên ngọc miền Trung

Sức hấp dẫn của dải đất Trung Trung Bộ này tạo nên bởi chuỗi đô thị du lịch Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang... Nếu ví những đô thị mặt hướng Biển Đông, lưng tựa Trường Sơn ấy như một chuỗi ngọc, thì có vẻ như Tuy Hòa, thủ phủ của tỉnh Phú Yên là viên ngọc còn đang đợi bàn tay tài hoa của người thợ chế tác để tỏa sáng. 

Lần đầu tôi đến đất Tuy Hòa như một cái duyên tình cờ. Đó là thời kỳ tầu khách Thống Nhất từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh phải đi mất ít nhất 3 ngày 3 đêm, thậm chí còn hơn nữa. Những người vui tính lúc ấy lấy câu ca “tầu Việt Nam ôm chặt đất anh hùng” trong một ca khúc của Phan Lạc Hoa để diễn tả tình trạng đáng buồn này. Trong một chuyến đi như thế, đến ga Tuy Hòa, nhà tầu thông báo ít nhất 8 tiếng đồng hồ sau mới có thể tiếp tục hành trình mà chẳng buồn nêu lý do. Từ cửa sổ toa tầu nhìn ra tôi thấy một tháp chuông nhà thờ có kiến trúc thanh mảnh, khác hẳn  tháp chuông các nhà thờ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Và một ý muốn không cưỡng nổi đã khiến tôi rời đoàn tàu, vào thị xã nhỏ xinh thăm nhà thờ đó. Sau mới biết đó là nhà thờ giáo xứ Tuy Hòa. Khi ấy, Tuy Hòa còn là một thị xã có vẻ như bị lãng quên của tỉnh Phú Khánh.

Sau này, tôi còn nhiều lần trở lại với núi Nhạn, sông Đà, nhất là khi Tuy Hòa trở về vị thế là thủ phủ của tỉnh Phú Yên. Mỗi lần trở lại, đều thấy có những thứ để thêm yêu vùng đất đầy nắng gió này. Một trong những điều tạo nên sự hấp dẫn của vùng đất này với tôi, và chắc cũng với không ít người khác là chất nguyên sơ của cảnh vật, con người và văn hóa nơi đây. Đó cũng là nét đẹp của một vùng đất mà ở đó, du lịch đang còn rất nhiều dư địa để khai thác, trở thành mũi nhọn kinh tế của Phú Yên.

Những tiềm năng du lịch

Phú Yên được thiên nhiên ban tặng cho một hệ thống cảnh quan khá đa dạng, với đồi núi cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo... Những năm gần đây, ngoài các tuyến du lịch qua những địa danh quen thuộc như gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, núi Đá Bia, Mũi Điện, Vũng Rô, núi Nhạn- sông Đà... Phú Yên còn có những điểm du lịch mới đầy hấp dẫn, được nhắc tới nhiều là cao nguyên Vân Hòa với danh xưng Đà Lạt thứ hai, nơi có khí hậu mát mẻ và những cảnh quan hấp dẫn như nhà thờ Trà Kê, đập thủy điện sông Ba Hạ, vườn cây đỏ… cùng nét đặc sắc của văn hóa người Ê Đê bản địa. 

Ngoài cao nguyên Vân Hòa, còn có thể kể đến nhiều điểm du lịch đầy hấp dẫn khác đang chờ du khách khám phá, trải nghiệm. Đó là  các hòn đảo chưa nhiều người biết tới như Hòn Chùa, Điệp Sơn, cù lao Mái Nhà… hay những bãi biển mang vẻ đẹp hoang sơ, mơ mộng như Bãi Xép, Long Thuỷ … 

Không chỉ có thế mạnh về thiên nhiên, Phú Yên còn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa. Có một địa chỉ mà du khách không nên bỏ qua, đó là không gian Quảng Đức Xưa, ngay lối rẽ vào gành Đá Đĩa trên quốc lộ1. Trong không gian xanh mát dưới vòm cây ăn trái của Quảng Đức Xưa, du khách có thể chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm độc đáo mà gia tộc họ Phạm đã sưu tập một cách kỳ công với cả niềm đam mê cùng sự trân trọng vốn cổ quê hương, dân tộc. Nói kỳ công là bởi gốm Quảng Đức có nguồn gốc từ làng quê cùng tên ở  huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII.  Bên cạnh đồ gia dụng, dòng gốm này còn có những sản phẩm được coi là độc nhất vô nhị, được tạo ra bởi sự khéo léo cùng phương cách chế tác đặc biệt mà nay đã thất truyền. Theo nhà báo Phạm Lê Quốc Cường, một trong những chủ nhân của Quảng Đức Xưa, các nghệ nhân làng gốm đã dùng vỏ sò đầm Ô Loan để tạo nên hoa văn tự nhiên trong lúc nung sản phẩm. Nguyên liệu làm gốm Quảng Đức là đất sét được lấy quanh vùng. Gốm thô mới nặn xong được người thợ đưa vào lò nung, chèn xung quanh bằng sò huyết đầm Ô Loan, dùng củi Mằng Lăng nung suốt 3 ngày 3 đêm. Quá trình này đã làm sò huyết nóng chảy bám vào bề mặt sản phẩm gốm, tạo thành một lớp men và hoa văn độc đáo, tạo tính độc bản cho mỗi sản phẩm nhờ sự kết phối ngẫu nhiên giữa lớp vỏ sò và mặt ngoài của gốm. 

Không chỉ có gốm, trong không gian rộng 2.000 m2, những chủ nhân của Quảng Đức Xưa còn sưu tập, trưng bày căn nhà gỗ cổ 3 gian cùng nhiều vật dụng sinh hoạt của người xưa như khung dệt lụa của làng lụa Ngân Sơn, ngư cụ đánh bắt cá, đồ trang sức, khuôn bánh, cối xay bột… Tất cả tạo nên một không gian kiến trúc làng nghề đậm chất thôn quê, tạo cho nơi đây một giá trị văn hóa đặc biệt mang bản sắc miền Trung Trung Bộ. Và cũng cần nói thêm rằng, Quảng Đức Xưa chỉ là một trong khá nhiều điểm lưu giữ những nét đẹp văn hóa của vùng đất này.

Khẳng định một hướng đi

Dù là người ngoại đạo, tôi vẫn có thể thấy du lịch hoàn toàn có thể trở thành một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Phú Yên. Cảnh vật, văn hóa, con người vùng đất nơi đây đang chờ đón sự khám phá trải nghiệm của du khách. Nghĩ vậy và mỗi lần trở lại Tuy Hòa, Phú Yên trong tôi lại cứ vân vi một câu hỏi. Vì sao, với cảnh ấy, người ấy, ẩm thực và văn vật ấy, Tuy Hòa, Phú Yên vẫn cứ chưa thực sự hấp dẫn du khách xứng với tiềm năng, kể cả  so với hai thành phố du lịch mà nó nằm chính giữa là Nha Trang và Quy Nhơn?

Có nhiều cách lý giải. Mai Tấn Hiến, một chàng hướng dẫn viên du lịch trẻ, rất trẻ bảo tôi: Vì là giao thông chú ạ. Đường bay đến đây rất ít. Tìm hiểu thì được biết trước khi có dịch Covid-19, các hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air khai thác chặng bay từ TP Hồ Chí Minh đến Tuy Hòa và ngược lại từ 2-3 chuyến/ngày; chặng bay từ Hà Nội đến Tuy Hòa và ngược lại từ 1-2 chuyến/ngày, mà không phải ngày nào cũng có. Đó có lẽ cũng là lý do khách đến Tuy Hòa thường đi trong ngày từ Quy Nhơn hay Nha Trang mà ít khi ở lại. Hiến cho biết thêm, chỉ riêng tháng 6.2019, tháng cao đểm của mùa du lịch, cậu đã dẫn 22 tour đưa đón khách ở Quy Nhơn, mặc dù là nhân viên của một công ty du lịch lữ hành có trụ sở ở Tuy Hòa. 

Nhân câu chuyện với Hiến, tôi lại nảy ra những so sánh có phần “thiên vị” giữa Tuy Hòa và hai thành phố du lịch liền kề. Ngoài những tiềm năng về du lịch mỗi nơi mỗi vẻ, hấp dẫn chẳng kém gì nhau xem ra Tuy Hòa vẫn có những lợi thế nhất định. Nếu như Nha Trang, Quy Nhơn đang gặp phải vấn đề các khách sạn, resort lấn chiếm bãi biển thì Tuy Hòa có một bãi biển “sạch” không hề bị vướng tầm mắt chạy hàng chục cây số ven biển. Một thế mạnh khác là sân bay. Nếu các sân bay cùng khu vực như Phù Cát và Cam Ranh đều cách Quy Nhơn và Nha Trang 35 km, thì sân bay Tuy Hòa chỉ cách trung tâm thành phố gần chục km, tiện lợi cho du khách. Liệu có đến lúc nào đó, du khách bay đến Tuy Hòa rồi đi thăm Nha Trang hay Quy Nhơn và về lại Tuy Hòa trong ngày thay vì ngược lại như hiện nay?

Lần trở lại mới đây, chứng kiến những đổi thay ở thành phố này, biết được quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền Phú Yên đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, câu hỏi ấy như đã có hướng trả lời. Tuy Hòa đã có thêm nhiều  khách sạn, resort hiện đại, đẹp đẽ. Đường Độc Lập, con đường chạy dài ven biển với điểm nhấn là Quảng trường 1-4 khang trang cùng những bãi biển đẹp đã thu hút sự chú ý của khách du lịch. Những năm lại đây, lượng khách đến Tuy Hòa và Phú Yên lưu trú ngày càng tăng. Du lịch Phú Yên đang dần vươn lên trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Và điều quan trọng là Phú Yên nhận thức rõ thế mạnh của mình từ những cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết và có ý thức gìn giữ, bảo tồn nó trong khi đẩy mạnh phát triển du lịch. 

Với thương hiệu "Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh", với tiềm năng về cảnh vật, con người và văn hóa ẩm thực, tin rằng vùng đất ào ạt gió và chan hòa nắng này sẽ trở thành một trung tâm du lịch đầy hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Đó là một hướng đi đã được khẳng định.      

TẠ VIỆT ANH​

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: “Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Phát triển đồng thời du lịch biển đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Phấn đấu trong 5 năm, thu hút hơn 7 triệu lượt khách đến Phú Yên, trong đó khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảm nhận đất Phú