Nhức mắt những nhà hàng "độc, lạ"

05/06/2022 13:37

Trang trí, xây dựng không gian đặc trưng trong cơ sở kinh doanh sẽ tạo ấn tượng, thu hút khách hàng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa những yếu tố "độc, lạ" trở thành "độc hại".


Quán ăn uống được trang trí không gian đậm nét nước ngoài như thế này là điểm đến thường xuyên của nhiều bạn trẻ

Không hiểu ý nghĩa của trang trí

Chúng tôi tới quán Hẻm phố trên đường Bà Triệu, phường Sao Đỏ (Chí Linh). Vừa bước chân vào quán, hình ảnh đầu tiên “đập” thẳng vào mắt là rất nhiều biển hiệu được treo cao trên trần dọc chiều dài căn nhà. Hai bên tường cũng treo nhiều biển quảng cáo và hình ảnh mang đậm chất Hồng Kông (Trung Quốc) thập niên 70 thế kỷ trước. Phong cách trang trí này tạo cho khách hàng cảm giác như bước vào một con ngõ nhỏ buôn bán sầm uất của người Hồng Kông. Mục đích chính của quán cà phê này nhằm tạo một không gian để vừa thưởng thức đồ uống, vừa chụp hình theo phong cách riêng. 

Tuy nhiên, hầu hết các biển hiệu được treo trong nhà đều là chữ Trung Quốc. Dù các biển hiệu to hay nhỏ đều chỉ mang tính trang trí nhưng không hề có lời giải thích bằng tiếng Việt. Bản thân chủ quán cà phê này cũng thừa nhận họ không biết những chữ viết trên các biển trang trí này có ý nghĩa gì. Vì là đơn vị được nhượng quyền thương mại nên mọi khâu trang trí, đồ uống… chủ cửa hàng phải tuân thủ theo đúng khuôn mẫu. Được biết sau khi ký hợp đồng, bên nhượng quyền sẽ có trách nhiệm về toàn bộ nội dung trang trí, bảo đảm theo đúng nguyên mẫu. Bên được nhượng quyền không được phép thay đổi… 

Thương hiệu cà phê Hẻm phố này còn một địa điểm khác trên phố Tuệ Tĩnh, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) với lối trang trí giống hệt. Thời gian qua, đây là địa điểm check-in được nhiều bạn trẻ yêu thích. Chị Nguyễn Thị Ng. ở TP Hải Dương thường cùng bạn bè đến quán Hẻm phố mỗi dịp cuối tuần. "Tôi và bạn tôi đều không biết những dòng chữ ghi trên những tấm biển, bảng có ý nghĩa gì. Quán này có không gian độc đáo, lạ mắt nên chúng tôi đến chủ yếu để chụp ảnh cùng nhau", chị Ng. nói.

Ngoài hình thức nhượng quyền thương mại, kinh doanh đồ ăn, đồ uống nước ngoài cũng là sự lựa chọn của nhiều người dân. Để tạo cảm xúc cho khách hàng, cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống của quốc gia nào sẽ quan tâm đến việc bày trí, sắp xếp không gian quán mang màu sắc của quốc gia ấy. 

Quán ẩm thực Tân Trúc trên phố Trương Mỹ, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) bán bánh Takoyaki của Nhật Bản. Đây là loại bánh khá phổ biến được nhiều người Việt Nam yêu thích, nhất là giới trẻ. Để tạo cho khách hàng cảm giác hòa mình vào không gian văn hóa của đất nước "mặt trời mọc", chủ cơ sở kinh doanh này đã bày biện, trang trí theo đúng phong cách Nhật Bản. Những chiếc đèn lồng treo trên trần nhà, pa nô hình ảnh, chữ Nhật Bản được treo khắp nơi. Tuy nhiên, cả quán ẩm thực này, ngoài biển hiệu phía ngoài có chữ Việt Nam thì toàn bộ phần chữ trên các biển, bảng trong quán đều viết bằng tiếng Nhật Bản. 


Cần tăng cường quản lý nội dung tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở kinh doanh

Lổ hổng pháp lý

Hẻm phố hay Tân Trúc đều là những địa điểm thu hút một lượng khá lớn khách hàng, chủ yếu là giới trẻ. Khách hàng tới quán không chỉ thưởng thức đồ ăn thức uống, tận hưởng cảm giác mới lạ của nước ngoài mà còn để chụp ảnh. Những hình ảnh đó sẽ được chia sẻ trên một số trang mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Zalo… hay lưu giữ làm kỷ niệm.

Những biển, bảng trang trí này nếu chỉ mang ý nghĩa tuyên truyền về văn hóa nước ngoài một cách vô hại thì không đáng nói. Tuy nhiên, nếu chỉ một câu từ nào đó trái với thuần phong mỹ tục hoặc gây hiểu lầm, thậm chí có nội dung liên quan đến chủ quyền biên giới, hải đảo thì sẽ gây hậu quả khôn lường.

Để tìm hiểu ý nghĩa những chữ ghi trên những biển, bảng của quán Hẻm phố, chúng tôi đã liên hệ với một số người thạo tiếng Trung Quốc. Được biết, một số dòng chữ mang ý nghĩa "Thiên đường tình yêu", "Tiệm đồ ăn"... thậm chí có dòng nghĩa là "Cửa hàng hải sản tươi sống", không liên quan gì đến loại đồ uống mà quán phục vụ.

Theo luật sư Dương Đức Trọng, Trưởng Văn phòng Luật sư TH Bảo Tín (TP Hải Dương), biển, bảng… quảng cáo phải tuân thủ quy định của Luật Quảng cáo 2012. Quản lý biển quảng cáo ngoài trời đã được quy định rõ ràng, kể cả việc quy định về sử dụng tiếng Việt và tiếng nước ngoài trên biển quảng cáo. Tuy nhiên, những biển hiệu treo phía trong các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê lại chưa có quy định rõ ràng. “Biển, bảng… treo bên trong nhà hàng, quán ăn uống nếu có nội dung quảng cáo mặc dù có phục vụ mục đích sinh lợi hay không sinh lợi cho chủ cơ sở kinh doanh thì nội dung trên bảng, biển... đó vẫn cần tuân theo quy định pháp luật về quảng cáo”, luật sư Trọng nêu quan điểm.

Sự việc nhiều người dân ở một số địa phương đã vô tình mua và treo đèn lồng Trung Quốc có chữ “Tam Sa”, “Nam Sa” trong dịp Tết vẫn là bài học không thể quên. Cũng chỉ vì chủ quan, lại không hiểu ý nghĩa chữ nước ngoài, không kèm giải thích bằng tiếng Việt nên những nội dung độc hại, phi pháp ấy đã len lỏi vào cộng đồng, khiến dư luận xã hội bức xúc.

HOA KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhức mắt những nhà hàng "độc, lạ"