Mái ấm của những người già cô đơn

04/12/2017 09:48

Cuộc sống của những cụ già khuyết tật, cơ nhỡ, cô đơn không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu cả hơi ấm tình thân.


Ở trung tâm các cụ được chăm sóc chu đáo từ vật chất đến tinh thần

Bằng tình cảm chân thành, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Hải Dương (thị trấn Sao Đỏ, Chí Linh) đã biến nơi đây thành ngôi nhà thứ 2 của họ.

Như chăm sóc người thân

Đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Hải Dương, đi giữa vườn vải râm mát, hít sâu bầu không khí trong lành vào lồng ngực, chúng tôi thầm nghĩ không gian này quả là rất tốt cho người già. Dù chúng tôi đến đúng giờ hẹn nhưng ông Bùi Trọng Hải, Giám đốc trung tâm vẫn vắng mặt. Rót nước mời khách, cô nhân viên trẻ cho biết giám đốc ngày nào cũng đi kiểm tra khắp trung tâm. Chắc chúng tôi sẽ phải đợi lâu vì trung tâm rộng mà giám đốc thì lại rất kỹ tính. Tìm hiểu chúng tôi mới biết không chỉ giám đốc mà tất cả cán bộ, nhân viên của trung tâm đều kỹ càng trong việc chăm sóc các cụ. Ai cũng làm việc không chỉ bằng trách nhiệm, mà bằng cả tấm lòng như đối với người thân trong gia đình.

Biết mục đích của chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của người già trong trung tâm, ông Hải đưa chúng tôi đến thăm khu phòng nuôi dưỡng người già. Nơi đây hiện chăm sóc 51 người già, trong đó có 26 cụ cô đơn, không nơi nương tựa; số còn lại là người già khuyết tật nặng, tâm thần, thuộc diện khó khăn không người chăm sóc. Ở đây các cụ được chăm sóc toàn diện từ đời sống vật chất đến tinh thần. Các bữa ăn luôn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên thay đổi khẩu phần theo ngày. Chỉ vào những vạt rau xanh dọc đường đi, giám đốc tự hào khoe đấy là rau do cán bộ, nhân viên trung tâm và cả những người già trồng bằng phương pháp lao động trị liệu. Việc này vừa giúp nâng cao sức khỏe cho họ, lại vừa có nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn cho bữa ăn hằng ngày.

Chúng tôi đến trung tâm vào giữa buổi chiều nên chỉ có những cụ sức khỏe quá yếu, khiếm thị, khuyết tật nặng ở trong phòng, còn lại đều tập trung ở phòng phục hồi chức năng. Trong một căn phòng nhỏ thoáng mát, 3 cụ già đang ngồi nói chuyện. Nghe tiếng bước chân và tiếng giám đốc đi trước cất lời hỏi, một cụ già nhỏ nhắn, nước da trắng hồng bắt lời:

- Chú Hải đến phải không? Hôm nay có cà phê cho già không đấy?

 Khi biết cụ bị khiếm thị, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn về sự quen thuộc giữa 2 người. Rồi đến các cụ khác, ai cũng thân thuộc với vị Giám đốc trung tâm như những người thân trong gia đình. Gặp cụ nào ông Hải cũng mau mắn bắt tay, hỏi thăm tình hình sức khỏe. Ông chia sẻ:

- Ngày nào tôi cũng đến để kiểm tra tình hình sức khỏe của các cụ. Nắm rõ các cụ như thế nào thì mới chỉ đạo để các nhân viên y tế chăm sóc tốt nhất được. Cụ già vừa gặp rất thích uống cà phê nên thỉnh thoảng tôi lại biếu cụ vài gói.

Dù là nơi nuôi dưỡng người già, trong đó có nhiều người bệnh nặng nhưng phòng nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Thái độ chăm sóc của các cán bộ, nhân viên nơi đây rất nhẹ nhàng, chu đáo. Chị Trần Thị Thu Thủy, nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho các cụ kể cách đây rất lâu có một cụ già lang thang ở TP Hải Dương được đưa vào trung tâm với tình trạng sức khỏe yếu và mắc rất nhiều bệnh. Cụ hiền lắm, đau mấy cũng chẳng kêu than. Thương cụ, chị ngày đêm ở bên cạnh chăm sóc. Suốt gần 1 tháng trời cụ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị cũng theo lên. Khi cụ mất, cảm giác giống như chị mất đi người thân vậy. Còn có một số cụ bị bệnh tâm thần, lúc nhân viên y tế đến chăm sóc, các cụ la mắng, ném đồ đạc vào người. Lâu dần thành quen, những lúc như thế nhân viên y tế ở trung tâm lại nén nước mắt thương cảm vào lòng, bình tĩnh chăm sóc các cụ. Bởi ai cũng biết ngoài họ ra, các cụ không còn chỗ dựa nào khác.

Chị Thủy cho biết: "Phần lớn các cụ tại trung tâm đều cao tuổi và mắc nhiều chứng bệnh khác nhau nên việc chăm sóc vất vả hơn rất nhiều. Nhiều cụ do bệnh nặng, vết thương lở loét, da bị hoại tử nhìn rất đáng sợ. Ngoài chăm sóc bệnh tình, chúng tôi còn giúp các cụ vệ sinh cá nhân, chăm lo ăn uống hằng ngày. Hầu như lúc nào chúng tôi cũng ở bên cạnh các cụ để kịp thời hỗ trợ". Quan sát công việc của ông Hải, chị Thủy, tôi thầm hiểu nếu không bằng tình cảm thực sự thì rất khó có thể gắn bó lâu dài với công việc này.

Ở đây vui lắm

Ngoài tình yêu thương, chăm sóc của các cán bộ, nhân viên, các cụ còn thường xuyên đón nhận sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân từ thiện. Trong đó có nhiều nhóm thiện nguyện đến chăm sóc, tặng quà và nói chuyện chia sẻ cùng các cụ. Họ có thể là các bạn trẻ đến từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thị xã Chí Linh; những cán bộ, công chức, công nhân lao động trong và ngoài tỉnh có tấm lòng rộng mở kêu gọi sự chung tay ủng hộ của xã hội. Đi đến khu nhà ăn, ông Hải chỉ cho chúng tôi xem tấm phông với dòng chữ "vui Tết Trung thu" khá bắt mắt vẫn căng trên tường. Đây là một trong những hoạt động của một nhóm thiện nguyện. Nhóm đã tổ chức một đêm Trung thu đầy ý nghĩa cho mọi người tại trung tâm.

Được sống giữa thiên nhiên trong lành, được chăm sóc từ miếng ăn giấc ngủ, nhiều cụ đã thực sự coi trung tâm là nhà. Cụ Vũ Thị Tiếp (86 tuổi), quê ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà) đã sống ở trung tâm suốt 15 năm qua. Cụ Tiếp vào đây cùng với chồng nhưng 8 năm trước cụ ông đã qua đời. Khi chúng tôi hỏi chuyện, trong ánh mắt cụ lấp lánh niềm vui chứ không phải nỗi buồn của một người già cô đơn xa quê. Cụ bảo ở đây vui lắm, hằng ngày được mọi người rất quý, chăm lo chu đáo. Đặc biệt niềm đam mê lẩy Kiều của cụ có người cùng nghe. Dù chỉ gặp trong đôi phút ngắn ngủi, chúng tôi vẫn được thưởng thức giọng ngâm trong trẻo, chất chứa tình cảm của cụ văng vẳng trong những câu Kiều: "Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...".

Ông Tiêu Công Vượng năm nay gần 70 tuổi quê ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) cũng sống ở đây đã nhiều năm. Ngày nhỏ, sau một cơn bạo bệnh, ông bị teo hết khớp chân, tay, đi lại khó khăn. Ở trung tâm, ông Vượng đã tìm được niềm vui sống sau những tháng ngày buồn bã ở quê nhà khi vợ mất, con cũng bệnh tật như bố. Hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn, không còn người thân chăm sóc nên cả 2 bố con ông phải vào trung tâm. Những tưởng xa quê hương cuộc sống sẽ rất buồn, ấy vậy nhưng chính ở đây, 2 bố con ông đã tìm lại được niềm vui sống. Con trai ông giờ đã lớn, được trung tâm tạo điều kiện cho đi học nghề. Anh đã xin việc làm ổn định ở một khu công nghiệp. Ngày nghỉ cuối tuần, anh vẫn về thăm bố, thăm các cán bộ, nhân viên trung tâm. Ông Vượng vui vẻ bảo: "Với tôi và cả con trai nữa, nơi đây đã thực sự là nhà. Từ ngày vào đây, sức khỏe của tôi được chăm sóc kịp thời nên ổn định và tốt hơn rất nhiều. Đời sống vật chất không phải lo lắng. Đời sống tinh thần vui vẻ, hằng ngày được giao lưu, gặp gỡ mọi người".
Dù nhiều cụ sức khỏe yếu nhưng trung tâm cũng đã thành lập được Chi hội Người cao tuổi. Những cụ khỏe mạnh, có năng khiếu văn nghệ cùng nhau luyện tập để tham gia giao lưu với Chi hội Người cao tuổi ở địa phương hoặc biểu diễn tại trung tâm vào những dịp lễ, Tết...

Ở trung tâm, có nhiều cụ khi mất không còn người nhà đón về. Trung tâm đứng lên tổ chức đám tang với đầy đủ nghi lễ. Giám đốc trung tâm cũng khá băn khoăn về những trường hợp không còn thân nhân đón về. Bởi hiện nay mức tiền mai táng phí do Nhà nước hỗ trợ vẫn còn hạn chế, khi trung tâm làm đầy đủ các thủ tục thường sẽ bị thiếu hụt kinh phí. Những lúc như vậy, các cán bộ, nhân viên trung tâm lại tự nguyện đóng góp, mỗi người một ít giúp các cụ an nghỉ nơi suối vàng.

Người xưa hay ví von “một già một trẻ bằng nhau”. Nghĩa là khi có tuổi, tâm lý các cụ lại trở về đỏng đảnh như con trẻ, muốn được chiều chuộng, quan tâm. Các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Hải Dương đã chăm lo cho các cụ như những người thân thiết, ruột thịt, biến nơi đây thành mái ấm, an ủi các cụ lúc cuối đời.


THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mái ấm của những người già cô đơn