Gia Lộc giữ gìn văn nghệ truyền thống

01/10/2022 16:10

Thời gian qua, không chỉ người dân chủ động giữ gìn mà các cấp, các ngành ở huyện Gia Lộc cũng quan tâm phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật truyền thống.


Câu lạc bộ Hát chèo thôn Phương Bằng (xã Hồng Hưng) luyện tập

Với mong muốn giữ gìn các loại hình văn nghệ truyền thống như hát chèo, dân ca, ca trù... để không bị "lép vế" trước các loại hình giải trí hiện đại, các cấp chính quyền, người dân huyện Gia Lộc đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. 

Người dân chủ động

Để chuẩn bị kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi 1.10 sắp tới và Đại hội Chi hội Nông dân thôn Phương Bằng (xã Hồng Hưng), Câu lạc bộ (CLB) Hát chèo thôn Phương Bằng đang say sưa luyện tập bài múa "Quê hương ơn Bác" và một số tiết mục văn nghệ khác. CLB này có 20 người, người trẻ nhất khoảng 40 tuổi, lớn nhất ngoài 70 tuổi. Để duy trì nếp sinh hoạt, CLB cũng đặt ra quy chế hoạt động, ấn định sinh hoạt vào ngày 25 hằng tháng. Khi có hội nghị, sự kiện hoặc hội đình, hội chùa thì CLB luyện tập dài hơn để mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc. Hội viên đóng góp hội phí hằng tháng và khi luyện tập sẽ đóng thêm kinh phí để mua nước uống. “Tôi thấy nhiều người, nhất là giới trẻ không còn mặn mà với văn nghệ truyền thống nên chúng tôi luôn nỗ lực duy trì hoạt động của CLB cũng như tìm kiếm, kết nạp thêm thành viên, nhất là người trẻ. Chúng tôi sẽ rèn luyện họ thành thế hệ kế cận tiếp theo để các loại hình nghệ thuật này không bị mất đi", ông Phạm Duy Ước, Chủ nhiệm CLB cho biết. 

Là một trong những người viết nhiều kịch bản được các địa phương sử dụng để biểu diễn trong các hội diễn, lễ hội, ông Nguyễn Duy Xuyền ở thôn Vĩnh Duệ (xã Đồng Quang), hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Sáng tác kịch bản và đạo diễn sân khấu (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh) cho rằng, để duy trì các loại hình văn nghệ truyền thống trước hết cần có tình yêu, lòng say mê, nhiệt huyết với các loại hình này. Ông Xuyền chia sẻ: “Tôi tập trung viết kịch bản về các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, các nhân vật lịch sử, những người thành đạt trong học tập... Qua xem các vở kịch, mỗi người sẽ rút ra được những bài học trong cuộc sống, từ đó sẽ thấy được giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống và gắn bó với loại hình này". 

Quan tâm, khuyến khích

Không chỉ người dân chủ động giữ gìn mà các cấp, các ngành ở huyện Gia Lộc cũng quan tâm phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Theo ông Tăng Bá Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lộc, hằng năm huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức 2 lớp về văn hóa truyền thống như hát chèo, múa, dân ca… cho từ 50-60 người/lớp. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các thôn, khu dân cư thành lập các CLB về văn hóa, văn nghệ. Đến nay, huyện có 3 CLB hát chèo ở các thôn Phương Bằng (xã Hồng Hưng), Hoàng Kim (xã Yết Kiêu), Vĩnh Duệ (xã Đồng Quang). Hằng năm, Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện còn hỗ trợ các dụng cụ chơi nhạc cho một số CLB, đội văn nghệ; phối hợp với các xã, thị trấn tìm kiếm tài năng, bồi dưỡng cho thiếu niên, nhi đồng có khả năng ca hát.

Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện đang bồi dưỡng em Gia Hân (8 tuổi) ở xã Toàn Thắng hát thành thạo các làn điệu ca trù bởi em rất có năng khiếu. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như Hội thi Nhà nông đua tài, Liên hoan hát ru, dân ca, Liên hoan ca múa nhạc không chuyên... để cổ vũ, khích lệ phong trào. 

Mỗi xã, thị trấn của huyện Gia Lộc lại có những cách làm khác nhau để giữ gìn loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống. Theo chị Phạm Thị Hoài, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thống Kênh, hằng năm xã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vào các ngày lễ, Tết... và tuyên truyền đến các thôn để đội văn nghệ chủ động luyện tập. Xã cũng lựa chọn những người có năng khiếu, yêu văn nghệ để xây dựng thành đội văn nghệ cốt lõi, chuyên tham gia các hội thi, hội diễn của huyện, của tỉnh. Hằng năm, xã đều hỗ trợ kinh phí luyện tập, thuê, mua quần áo... cho các đội văn nghệ.

Với nhiều giải pháp như vậy, tin chắc huyện Gia Lộc sẽ lưu giữ và lan tỏa được các làn điệu dân ca, tích tuồng, chèo... đến thế hệ trẻ, để họ nối tiếp gìn giữ vốn quý của dân tộc. 

THANH HÀ

(0) Bình luận
Gia Lộc giữ gìn văn nghệ truyền thống