Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15: Vinh danh đạo diễn của Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế

06/10/2022 17:19

Đạo diễn Trần Văn Thủy đã được Ban tổ chức Giải thưởng "Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội" lần thứ 15-2022 vinh danh ở hạng mục cao quý nhất: "Giải thưởng Lớn- Vì tình yêu Hà Nội".

Chiều 6.10.2022, tại Hà Nội, Ban tổ chức Giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội" của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã chính thức công bố kết quả giải thưởng lần thứ 15 - năm 2022; đồng thời tổ chức Triển lãm và lễ trao giải cuộc thi ảnh, video clip “Hà Nội mát xanh”.

Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội.

Hội đồng giám khảo do nhà thơ Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Chủ tịch, cùng các thành viên: Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, nhà báo Ngô Hà Thái - nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN, nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.

Từ 41 hồ sơ đề cử ban đầu, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng giám khảo đã thông qua Danh sách đề cử chính thức của Giải thưởng năm nay vào ngày 21.9.2022, gồm 10 đề cử, trên 3 hạng mục. Riêng đề cử Giải thưởng Lớn thì giữ bí mật đến phút chót.

"Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội": Tình yêu vững vàng theo tháng năm

Theo truyền thống của giải thưởng "Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội", mỗi năm, mặc dù xét trên một danh sách gồm nhiều ứng viên ở hạng mục quan trọng nhất này, nhưng HĐGK chỉ công bố duy nhất 1 đề cử "Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội" và trao giải cho đề cử đó.

Đây cũng là hạng mục quan trọng nhất của Giải, được trao hằng năm cho người “có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình” – như Quy chế của giải đã nêu.

Trải qua 14 mùa giải, những tên tuổi được nhận Giải thưởng Lớn đều vô cùng xứng đáng. Đó là: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nhà nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019), nhạc sĩ Phú Quang (2020) và gần đây nhất là nhạc sĩ Hồng Đăng (2021).

Chú thích ảnh

Đạo diễn Trần Văn Thủy giành "Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội" năm 2022

Năm nay, Giải thưởng Lớn đã vinh danh vị đạo diễn tài hoa Trần Văn Thủy với những tác phẩm như những luồng gió mới nồng nhiệt, đau đáu thổi vào xã hội đương thời và thổi cả vào dòng phim tài liệu. Và điều đáng nói, sau đúng 40 năm kể từ khi “Hà Nội trong mắt ai” ra đời, và kế tiếp là “Chuyện tử tế”, dường như những gì được thể hiện trong những thước phim đó, từ câu chữ trên nhan đề bộ phim, đã trở thành những giá trị mang tính biểu tượng, thành một di sản hình ảnh về Hà Nội, về một thời đầy khát khao đổi mới và khát khao những điều tử tế.

"Hà Nội trong mắt ai" là một bộ phim tài liệu luận đề, khác biệt so với kiểu chính luận đương thời (đầu thập niên 1980) chính là một cách dẫn chuyện nhiều chất thơ. Chất cổ điển, nghiêm ngắn cùng nhịp tự sự về đề tài khơi lại dòng chảy lịch sử của mảnh đất Hà Nội, vốn được quan tâm từ lâu song có lẽ đến bộ phim này, việc đặt ra một câu hỏi chất vấn về sự bảo tồn những giá trị quá khứ mới thực sự tạo ra hiệu ứng lan truyền.

Chú thích ảnh

 "Hà Nội trong mắt ai"là tư liệu quý khi ghi lại những thước phim về họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ trên đường phố Hà Nội

"Hà Nội trong mắt ai" là một câu hỏi, hay là một ký thác từ câu chuyện của nhạc sĩ khiếm thị Văn Vượng, là một chất kết dính từ cả ý tưởng lẫn giai điệu âm nhạc gắn các tự sự lại với nhau. Những khuôn hình của bộ phim như ngẫu nhiên mà có chủ ý khi bàng bạc thể hiện một Hà Nội qua biến thiên dâu bể nghìn năm, lấp lánh một vẻ đẹp hoài niệm. Cảnh trí của Hà Nội vào năm 1982-1983 được quay bằng phim màu cũng đã thành một món quà của sự hoài niệm đối với người xem thời nay.

Chú thích ảnh

Bộ phim thành tư liệu quý khi ghi lại những thước phim về họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ trên đường phố Hà Nội hay những cảnh sinh hoạt nay đã thành thứ chỉ có trong bảo tàng. Hà Nội của một thuở bộn bề gian khó, mang một vẻ đẹp nhẫn nại, dù nghèo về vật chất nhưng bù lại ẩn náu trong thiên nhiên. Một hồ Tây hoang vu giữa những xóm làng, thôn Nghi Tàm trồng hoa có “những hàng ô rô ta vẫn xén” đẹp đến mộng mị, một mái chùa vút cong lên nền trời không bị vướng một khối bê tông nào bên cạnh.

Xét cho cùng, mọi tác phẩm đều bị sự khắc nghiệt của thời gian thách thức, nhưng điều các tác phẩm như Hà Nội trong mắt ai đã làm được là thứ chúng đã gói lại được hồn vía một thời, thứ không thể có được lần thứ hai. Hơn thế, tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa đã vượt ra khỏi khuôn khổ một bộ phim. Bằng chứng cho sự thành công của bộ phim ngoài việc “thừa thắng” cho ra đời phần tiếp theo – "Chuyện tử tế" (1985) – còn là sự khơi gợi những tiền đề của đổi mới trong nếp nghĩ sâu xa bên trong, chuẩn bị cho những đổi mới dễ thấy khác. Hẳn rằng chất thơ và không khí trữ tình của bộ phim đã cung cấp cho kho văn hóa đại chúng đô thị một cách cảm, một cái gu thẩm mỹ đặc trưng. Một Hà Nội vương vấn phong thái hào hoa, một sự trình bày có chút làm dáng nhưng vừa đủ để làm nên sự thú vị.

Bộ phim không đi theo lối khoa trương những thành tựu mà dừng lại lâu ở những trăn trở, những suy tư về hồn cốt, giá trị của Hà Nội, thứ có thể từng bị coi là sách vở nhưng càng ngày càng cho thấy vai trò trong việc định hình một nơi chốn có đáng sống hay không.

Xem lại "Hà Nội trong mắt ai" sau 40 năm, khi tác giả của nó – đạo diễn Trần Văn Thủy – được trao Giải thưởng Lớn mang tên danh họa Bùi Xuân Phái, ta sẽ thấy có một cơ duyên thú vị. Trong phim có những hình vô giá về danh họa Bùi Xuân Phái lúc sinh thời. Người xem sẽ không thể quên cảnh danh họa ngước mắt dõi về hướng xa xăm - một khoảnh khắc mà Trần Văn Thủy gọi là “rất Bùi Xuân Phái”. Kèm theo đó là những lời bình: “Ở Hà Nội, nhiều người quen biết họa sĩ Bùi Xuân Phái và thường thích những bức tranh phố Hà Nội của ông. Phố Hà Nội thành cái đẹp trong tranh có lẽ phần nào bởi sự hòa hợp giữa vẻ đẹp của phố phường với tâm hồn của Phái. Ông là người hiều và yêu những phố Hà Nội cổ xưa. Mỗi con người sinh ra đều có một vùng đất để thương để nhớ - một nhà văn quen thuộc đã viết về quê hương mình như thế. Và có lẽ cũng theo ý niệm ấy mà đời này sang đời khác, dù ở bất cứ nơi đâu, người dân Việt Nam cũng mang cho mình hình ảnh về Hà Nội”…

Vinh danh những đóng góp cho việc bảo tồn giá trị truyền thống của Thủ đô

Cùng với "Giải thưởng Lớn- Vì tình yêu Hà Nội", những giải thưởng khác của giải thưởng "Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội" năm nay cũng đều là những đóng góp xứng đáng với  việc bảo tồn và phát triển của Thủ đô.

Trong đó,  giải "Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội" đã thuộc về cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” (NXB Thế giới) của Nguyễn Thị Thu Hòa.

Giải "Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội" được trao cho dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài" do BQL Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp).

Giải "Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội" được trao cho việc “Nghiên cứu biến bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Hà Nội”, do UBND quận Hoàn Kiếm khởi xướng và phối hợp thực hiện.

Chú thích ảnh

Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa là thành quả của một dự án đặc biệt: Khôi phục và tôn vinh dòng tranh cổ Hà Nội từng thất truyền sau gần 70 năm. Có xuất xứ từ thôn Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) vào cuối thế kỷ XVII, dòng tranh này mang nền màu đỏ (thường được gọi là “tranh Đỏ”), với nội dung trang trí, mô tả các sinh hoạt nông thôn như gà, lợn, trâu, đấu vật, đi cày hoặc các bức tranh trấn trạch, tranh thờ, tranh đồ thế (dùng cho tín ngưỡng)… Dù vậy, vào 1915, đê Liên Mạc tại vùng này bị vỡ, nước lũ cuốn trôi hầu hết mộc bản in tranh tại làng Kim Hoàng. Tiếp đó, nạn mất mùa, đói kém và hoàn cảnh chiến tranh đã khiến dòng tranh này dần mai một và biến mất trên thị trường kể từ sau Tết Nguyên đán năm 1947.

Chú thích ảnh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa

Gần 7 thập kỷ sau, vào năm 2015, khi chuẩn bị cho cuộc triển lãm tranh dân gian Nét xuân, nhà nghiên cứu - sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa về làng Kim Hoàng để tìm hiểu. Ý tưởng từng bước khôi phục dòng tranh này được nhen nhóm… Và rồi, dự án "Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng" được Thu Hòa khởi xướng và tự đứng ra tổ chức từ giữa năm 2015 với sự góp mặt của khá nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân…

Chú thích ảnh

Sau một thời gian, dự án đã khôi phục được 33 mẫu tranh khắc gỗ, 19 mẫu được vẽ tay, đồng thời chọn đào tạo một số người dân địa phương về kỹ năng vẽ tranh, in khắc gỗ, tô màu để sản phẩm. Theo thời gian, những sản phẩm tranh Kim Hoàng cũng xuất hiện trong nhiều hội chợ hàng thủ công, trong các quầy lưu niệm, trong “phố ông đồ” Văn Miếu từ 2017 tới nay và được tiêu thụ khá ổn định…

Và "Tranh dân gian Kim Hoàng" là cuốn sách ghi lại trọn vẹn hành trình của Nguyễn Thị Thu Hòa. Gồm ba chương, với 346 ảnh màu minh họa, 24 tài liệu tham khảo và trích dẫn, độc giả có thể tìm hiểu đầy đủ những nghiên cứu về làng Kim Hoàng, xuất xứ và các đặc điểm của dòng tranh tại đây, cũng như các quy trình về chọn giấy in tranh, kỹ thuật pha màu, tổ chức sản xuất, tạo mẫu… cho các bức tranh Kim Hoàng trong giai đoạn hiện tại.

Việc nghiên cứu "biến" bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Hà Nội do UBND quận Hoàn Kiếm khởi xướng và phối hợp thực hiện.

Chú thích ảnh

Bãi bồi sông Hồng

Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, sau khi Hà Nội quyết định Quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 2 năm nay, địa phương này đã tổ chức họp bàn với các quận liền kề để cùng nghiên cứu và đề xuất giải pháp triển khai bản quy hoạch này trên địa bàn các quận trung tâm.

Trên chiều dài 40 km chảy qua Hà Nội của sông Hồng, đoạn đi qua quận Hoàn Kiếm, khu vực trung tâm của trung tâm, có chiều dài 4 km. Đặc biệt, khu vực này lại có cầu Chương Dương và cầu Long Biên lịch sử, chưa kể cầu Trần Hưng Đạo đã được quy hoạch xây dựng. Như vậy, đây là một trong những đoạn quan trọng nhất của sông Hồng tại địa phận Hà Nội. Và việc cải tạo chỉnh trang phần bãi bồi và bãi giữa sông Hồng là rất cần thiết để phát huy giá trị của cây xanh, cảnh quan mặt nước ở không gian này.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Bãi giữa sông Hồng

Ý tưởng của quận Hoàn Kiếm đã nhận được sự đồng tình và thống nhất từ những quận liền kề. Hiện tại, các đơn vị này đã phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lên kế hoạch thu thập số liệu hiện trạng, điều tra cơ bản để tổng hợp và xây dựng nhiệm vụ thiết kế đồ án.

Những ý tưởng ban đầu của đồ án này gắn với việc tạo dựng một quần thể không gian du lịch văn hóa lịch sử trên bãi bồi và bãi giữa sông Hồng. Cụ thể, khu vực bãi giữa có thể tổ chức không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, cho phép vừa trồng cây ngắn ngày vừa phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, hưởng thụ các giá trị nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ngoài ra, các khu chức năng dành cho không gian sáng tạo, sân chơi thể thao, trượt cỏ, câu cá, tham quan mặt nước sông Hồng… cũng được tính đến.

Trong khi đó, khu vực bãi bồi ven sông sẽ là nơi tổ chức không gian cây xanh, khu chức năng trồng hoa và cây ngắn ngày, các không gian sáng tạo, không gian sinh hoạt cộng đồng gắn với mặt nước.

Về phần kết nối, việc tiếp cận khu vực này theo các hướng tiếp cận từ trên cao (qua các cây cầu), đường sông, đường bộ và hệ thống giao thông nội bộ, đường dạo… đã được tính đến. Các mảng không gian cây xanh, tiểu cảnh gắn với cảnh quan thiên nhiên, bãi tắm gắn với mặt sông… cũng sẽ được thiết lập.

“Không bị kè cứng hay bê tông hóa mà được phủ lên bằng những mảng xanh tự nhiên, không đô thị hóa bằng những công trình lèn chặt hai bờ nhưng vẫn có sự chăm chút để giữ gìn môi trường và cảnh quan, sông Hồng sẽ dần trở thành một dòng sông chảy lững thững giữa thành phố trên nền thiên nhiên hiền hòa của nó” - GS.KTS Hoàng Đạo Kính – giám khảo Giải thưởng "Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội" năm 2022 - nhận xét về ý tưởng này.

GS Hoàng Đạo Kính phân tích thêm: “Làm được như vậy, Hà Nội sẽ là thành phố có sự xen cài cộng sinh giữa những phần đô thị hóa “cứng” đang phát triển với những phần đô thị hóa “mềm” ở sông Hồng và bãi giữa. Nơi đó, có không gian của cây xanh mặt nước, có dáng dấp của những công viên được chăm sóc tốt - nhưng là những công viên tự nhiên, nơi con sông thở, đất thở và con người cũng muốn bước tới đó để hít thở và tìm kiếm sự tự do, khoan thai cho mình”.

“Việc cần thiết lập một công viên tại bãi giữa sông Hồng từng được nhắc tới từ rất lâu, nhưng vẫn bế tắc vì quá nhiều trở ngại. Còn bây giờ, những gì đang diễn ra cho thấy một tín hiệu rất đáng mừng: Chúng ta đang nỗ lực để khắc phục một món nợ đeo đẳng từ quá khứ” - nhà sử học Dương Trung Quốc, giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, nhận xét.

Dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài" do BQL hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp).

Chú thích ảnh

Phối cảnh nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài

Sau cảnh hoang phế kéo dài nhiều năm, ngôi biệt thự Pháp cổ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Hàng Bài đang “lột xác” để trở thành một điểm đến văn hóa đặc thù của Hà Nội theo một dự án do UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện.

Dự án được khởi công ngày 27.4 và nằm trong Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2022 - 2025 giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp). Đây cũng là dự án gắn với chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Chú thích ảnh

Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài thời Pháp

Theo kết quả nghiên cứu và phân tích, biệt thự được trùng tu nằm trên diện tích khoảng 1000 mét vuông với 2 mặt tiền thuộc các phố Trần Hưng Đạo và Hàng Bài. Trong đó ngôi biệt thự chính có diện tích khoảng 400 mét (2 tầng ở, 1 tum), không gian còn lại theo kiến trúc gốc gồm là sân, cây xanh, các khu công trình phụ trợ bao gồm nhà vệ sinh, nơi ở cho người giúp việc.

Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, dù công trình chưa được xếp hạng, nhưng phía thực hiện dự án đã áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa đối với việc bảo tồn và trùng tu một công trình di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia - kể từ việc hạ giải đánh giá cấu kiện cho tới lựa chọn phân tích các nguyên vật liệu để lựa chọn các biện pháp tu bổ cho phù hợp.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Thực trạng căn biệt thự hiện nay

Nằm tại khu vực trung tâm - nơi có khá nhiều biệt thự Pháp cổ - lại nơi gắn với ga ngầm metro trong tương lai (có quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe ngầm), có thể thấy biệt thự 49 Trần Hưng Đạo giữ vị trí rất đắc địa đối với vùng nội đô cũ của Hà Nội. Và theo đề án, sau khi tu bổ không gian này sẽ được sử dụng làm Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ (khu phố Pháp) của thành phố.

Như dự kiến, các chức năng chính của Trung tâm sẽ bao gồm: Giới thiệu về giá trị di sản vật thể, phi vật thể của khu phố cũ (khu phố Pháp) tới du khách trong nước và quốc tế; Tiếp nhận, tổ chức các hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật, di sản phi vật thể của các quốc gia trong và ngoài Châu Á; Giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu phố cũ; Cung cấp thông tin cho du khách và các nhà khoa học nghiên cứu về khu phố cũ, đồng thời tổ chức các hoạt động quảng bá giá trị di sản của khu vực này.

Trước mắt, theo ông Phạm Tuấn Long, quá trình tu bổ ngôi biệt thự này với những giải pháp mang tính kiểu mẫu và điển hình sẽ được giới thiệu tại đây để phục vụ du khách. Xa hơn, các chuyên gia của Ile-de-France dự kiến cũng sẽ tiếp tục làm việc với quận Hoàn Kiếm để hỗ trợ xây dựng nội dung trưng bày - đặc biệt là về các biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc khai thác biệt thự 49 Trần Hưng Đạo theo hướng này là minh chứng rõ nét cho việc phát huy giá trị công trình như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, đồng thời gắn với chiến lược đồng bộ trên 2 khái cạnh bảo tồn và phát huy giá trị đối của một di sản đô thị.

“Sau rất nhiều chậm trễ trong việc quản lý quỹ biệt thự cổ trên địa bàn thành phố, có thể coi đây là một khởi động tích cực để làm tăng hàm lượng văn hóa của Hà Nội, cũng như góp phần bảo vệ một vốn di sản quan trọng của thành phó. Tôi hi vọng, khi đi vào hoạt động, không gian này sẽ có sự lan tỏa và tạo ra tác động lớn về ý thức gìn giữ những kiến trúc thuộc địa - nơi đã là chứng nhân đánh dấu thời điểm Việt Nam lần đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây trong quá khứ” - nhà sử học Dương Trung Quốc, giám khảo Giải thưởng, cho biết.

KẾT QUẢ GIẢI BÙI XUÂN PHÁI – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI LẦN 15 - 2022

1. Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội trao cho: Đạo diễn Trần Văn Thủy, vì đã cống hiến cho Hà Nội những tác phẩm bất hủ như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”…

2. Giải Tác phẩm – Vì tình yêu Hà Nội trao cho: Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” (NXB Thế giới) của Nguyễn Thị Thu Hòa.

3. Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội trao cho: Dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài" do BQL Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp).

4. Giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho: Việc “Nghiên cứu biến bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch của Hà Nội” do UBND quận Hoàn Kiếm khởi xướng và phối hợp thực hiện.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15: Vinh danh đạo diễn của Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế