Nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế

09/05/2020 10:50

Sáng 9.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Chủ đề hội nghị là “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.  

Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự tại điểm cầu Hải Dương. Cùng dự còn có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; đại diện các DN, hội, hiệp hội DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Sự kiện được tổ chức định kỳ hằng năm với các chủ đề cụ thể xoay quanh nhiều vấn đề quan trọng của DN. Đây được ví như "Hội nghị Diên Hồng" và là buổi đối thoại trực tiếp giữa Chính phủ với cộng đồng DN.

Đây cũng là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 6.000 người tham gia tại các điểm cầu; hơn 800.000 DN và 5 triệu hộ kinh doanh cùng nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi diễn biến sự kiện thông qua tường thuật trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.

6 đề nghị với doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử do đại dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế, từ phía cung đến phía cầu, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ các nước đang phát triển đến quốc gia phát triển, bất kể quy mô kinh tế nhỏ hay lớn. Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để "ngọn lửa" tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %. Để thực hiện được mục tiêu này, cần tập trung vào 5 mũi giáp công là: thu hút đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 6 đề nghị với DN Việt Nam. Thứ nhất là yêu Tổ quốc, vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành DN lớn được. Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau. Thứ ba, không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Thứ tư là năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội. Thứ năm là sáng tạo, vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau. Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn


Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái cùng các đại biểu tại điểm cầu Hải Dương

Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN; nhận định các thời cơ, cơ hội của DN. 

DN hiện đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. 

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 10.4 – 22.4 có 86% số DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; gần 58% số DN bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ. Doanh thu quý I.2020 của các DN bằng 74,1% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến 4 tháng đầu năm nay sẽ giảm gần 30% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài quý I năm nay giảm cả về số lượng và tổng vốn đăng ký đầu tư.

Số DN thành lập mới trong 4 tháng đầu năm nay giảm 13,2%, tổng vốn đăng ký bổ sung giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khó khăn, cộng đồng DN đã phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN khác cùng nhau phát triển. Có khoảng 90% số DN được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ DN khác, hơn 50% DN giãn công nợ cho DN đối tác, gần 40% DN chia sẻ khách hàng với DN khác...

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của DN như: Giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá, hỗ trợ DN qua nhóm chính sách tài khóa, tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường…

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN nêu các sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau đại dịch…

Không làm mất thời cơ của doanh nghiệp

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đã thành lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việt Nam tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, nhà quản lý ở nước ngoài vào Việt Nam để đồng hành cùng phát triển kinh tế. 

Thủ tướng khẳng định DN là lực lượng chủ chốt trong phát triển kinh tế. Có 3 yêu cầu đối với DN trong thời điểm hiện nay. Thứ nhất, các DN không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, DN phải tái cơ cấu để nâng cao trình độ quản trị trong phát triển. Thứ ba là các cấp, ngành, đặc biệt là DN phải áp dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ trong sản xuất, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, DN, nhà đầu tư để tham mưu cho Chỉnh phủ ban hành nghị quyết tốt nhất nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN trong thời gian tới. Các bộ, cơ quan, ngành, địa phương cần triển khai chương trình hành động phù hợp với thực tế địa phương để tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó có giải pháp cải thiện kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục cho DN; đặc biệt quan tâm tới các DN yếu thế, DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch.

Cần quan tâm, giải quyết nhanh các kiến nghị của DN, không để làm mất thời cơ của DN...

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế