Độc đáo 5 di tích thờ các nhân vật thời Hai Bà Trưng

29/07/2020 08:40

Trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, có không ít tướng lĩnh cả nam và nữ người Hải Dương đã tham gia.

Năm Giáp Ngọ (34), Thái thú Tô Định đến Giao Chỉ thay Tích Quang. Đây là một tên quan nổi tiếng gian tham và tàn bạo. Chính sách áp bức bóc lột của nhà Đông Hán đối với người dân Giao Chỉ ngày một tàn tệ. Người dân không những bị cướp ruộng đất mà còn phải nộp các loại thuế muối, thuế sắt, thuế sản vật… dưới hình thức nộp cống. Các quan lại cấp huyện dòng dõi các Lạc hầu, Lạc tướng bị thu hẹp về quyền lực chính trị và kinh tế, bị thúc ép, đè nén nên rất bất bình. Bất chấp sự khác biệt trong phong tục, tập quán và truyền thống của người Việt, Tô Định đã sử dụng luật nhà Hán làm công cụ trấn áp, khủng bố sự phản kháng của các quan lại địa phương và người dân Giao Chỉ.

Tháng hai năm Canh Tý (năm 40), Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát (thuộc địa phận huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay) chống lại ách thống trị của nhà Đông Hán. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa địa phương thống nhất thành một phong trào nổi dậy rộng lớn của quần chúng từ miền xuôi đến miền ngược, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ.

Hải Dương thời Đông Hán thuộc quận Giao Chỉ, là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, có không ít tướng lĩnh cả nam và nữ người Hải Dương đã tham gia. Ghi nhận công ơn, sau khi mất các tướng lĩnh được triều đình phong kiến ban tặng sắc phong, nhân dân xây dựng đình, miếu thờ tự. Điều đó không chỉ được ghi chép trong ngọc phả, thần tích, thần sắc, bia ký... mà còn biểu hiện thông qua hệ thống di tích lịch sử, văn hóa. Dưới đây là 5 di tích tiêu biểu:

Đình Quý Dương

Đình Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) thờ danh tướng Ngũ Lang đại vương, con trai thứ 5 của Cao Danh Hành nguyên ở trang Tức Mặc (Nam Định), mẹ là Đinh Thị Tuấn. Dưới thời Tô Định làm thái thú, Cao Danh Hành giữ chức quan Doãn, thấy phong cảnh Quý Dương đẹp nên đem vợ con về lập nhà để ở. Ông bà sinh thêm được một cậu con trai đặt tên là Ngũ Lang. Ngũ Lang thông minh tuấn tú, năm 12 tuổi đã võ nghệ cao cường, tiếng tăm lừng lẫy một vùng. Tô Định nghe tin tỏ ý ngờ vực cha con ông làm phản nên gọi Cao Danh Hành về triều hãm hại và cho quân về Quý Dương bắt Ngũ Lang. Nhờ có người báo trước nên Ngũ Lang trốn thoát. Khi nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Ngũ Lang xin nhập nghĩa binh, được phong chức Quân trung tham tán hành chiêu thảo đại sứ. Chỉ hơn một tuần, ông chiêu mộ hơn 2.000 người luyện tập ở Quý Dương đánh Tô Định. Sau khi ông mất, dân làng Quý Dương tôn làm thành hoàng. Đình khởi dựng vào thời hậu Lê, kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu gỗ tứ thiết. Trên các vì kèo, xà nách, bảy hiên... có nhiều bức chạm khắc nghệ thuật đề tài tứ linh, tứ quý, long mã, long ngư hý thủy... Chính giữa hậu cung đặt tượng thờ Ngũ Lang Đại vương. Ngoài ra, còn có hệ thống đại tự, long đình, bát bửu, mâm triện, ngọc lộ, bia đá… đều là những cổ vật có giá trị vào thời hậu Lê và thời Nguyễn. Mỗi năm, hội đình mở từ ngày 12- 15 tháng giêng, có tục làm bánh bằng bột lọc, cỗ chay dâng thánh và tổ chức vui chơi đánh vật, cờ người, hát quan họ...

Đình Huề Trì

Tượng thờ nữ tướng Thiện Khánh tại đình Huề Trì, phường An Phụ (Kinh Môn)

Đình Huề Trì, phường An Phụ (Kinh Môn) thờ hai chị em nữ tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh, con bà Nhã Nương, quê làng Thời Cử, huyện Đường An (nay là thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng, Bình Giang). Thuở nhỏ, hai chị em nổi tiếng ham học và thông minh, đến năm 13 - 14 tuổi, tài sắc đã hơn người. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Thiện Nhân, Thiện Khánh xin đầu quân giết giặc và được phong làm Tả hữu Nhập nội công chúa, có nhiệm vụ trấn giữ Hải Đông. Hai chị em nhanh chóng chiêu mộ được đội quân đông tới hàng nghìn người, lập đại bản doanh tại Huề Trì. Sau thất bại của thái thú Tô Định, vua Hán Quang Vũ sai Phục Ba tướng quân Mã Viện tiếp tục đem quân sang. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên nghĩa quân bị đánh bại, Thiện Nhân, Thiện Khánh rút về Huề Trì và tuẫn tiết tại đó. Ngày nay, tại cánh đồng Nghè còn di tích Đống Mực, tương truyền là nơi “hóa” của hai chị em. Nhân dân địa phương tôn tạo thành lăng mộ và dựng miếu thờ tại Tuyển Cử và Huề Trì. Đình Huề Trì xây dựng từ khá sớm, đến thời Lê Trung Hưng tôn tạo lại, kiến trúc chữ Nhị, mỗi tòa 5 gian, bốn mái. Phần mái của các tòa nối với nhau tạo thành một tòa nhà liên hoàn, khép kín gần như vuông. Đây là ngôi đình có diện tích lớn, lối kiến trúc độc đáo. Tại tòa hậu cung có tượng thờ Thiện Nhân và Thiện Khánh sơn son thếp vàng. Lễ hội truyền thống từ ngày 10-12 tháng giêng, vào ngày trọng hội nhân dân rước kiệu từ đình sang chùa lễ Phật rồi trở về đình làm lễ an vị.

Tượng thờ nữ tướng Thiện Nhân tại đình Huề Trì, phường An Phụ (Kinh Môn)

Đình Bảo Sài

Đình Bảo Sài, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) thờ Đại vương Trương Mỹ, một vị tướng của Hai Bà Trưng. Khi ông mất, dân Bình Lao trang làm biểu tâu, được tin Trưng Vương vô cùng thương tiếc, phong danh hiệu “Thượng đẳng phúc thần” và truyền cho dân làng dựng một ngôi miếu thờ tự ngay nơi trang cư. Đình Bảo Sài xưa ở trong làng, sau mới chuyển ra vị trí hiện nay, trùng tu vào năm Duy Tân lục niên (1916), kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Trên các con rường của các vì và đầu bẩy tòa đại bái chạm rồng, phượng xen lẫn hoa lá, nét chạm tỉ mỉ, chau chuốt. Hậu cung kiến trúc bào trơn đóng bén. Chính giữa cung, một nhanh án lớn thờ bài vị Đại vương trên có chiếc mũ và đôi hia tượng trưng cho anh linh vị võ tướng. Tại đình còn lưu giữ cuốn ngọc phả, sắc phong và một số câu đối, đại tự... Lễ hội hằng năm tổ chức vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch) trong lễ hội có rước kiệu long đình và tổ chức các trò chơi dân gian.

Nghè Đồn

Nghè Đồn, xã Nam Hồng (Nam Sách). Theo truyền ngôn, vị trí xây dựng ngôi nghè hiện nay là vùng đất đã có từ đầu Công nguyên. Sở dĩ có tên như vậy vì dưới thời Hai Bà Trưng, nơi đây là trận địa có nhiều đồn trấn; nơi mà đường bộ, đường thủy thuận lợi cho việc tiến lui của nghĩa quân ở vùng đông bắc của đất nước. Vào cuối thế kỷ XV, Nguyễn Thẩm Lộc đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) làm quan trong triều đã tách làng Đồn Bối thành hai thôn Đồn và thôn Bối. Nghè Đồn thờ 5 anh em tướng quân họ Đào là Đào Công Dung, Đào Công Tùng, Đào Công Mai, Đào Công Cúc và Đào Công Chúc. Năm ông là con của một gia đình, cha là Đào Công Chung, mẹ là Tạ Thị Phương, quê ở huyện Thạch Hà, phủ Thuận Thiên. Nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, 5 anh em xin cha mẹ cho đi đánh giặc và tìm gặp nghĩa quân đóng tại Đồn Bối. Sau nhiều trận chiến đấu oanh liệt, các ông đều anh dũng hy sinh. Hai Bà Trưng ban cho nhân dân thôn Đồn Bối 300 quan tiền để cúng tế và tặng phong cho 5 anh em hai chữ “Đại vương”. Năm vị võ tướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã trở thành thành hoàng Đồn Bối và hằng năm từ 10-15 tháng hai (âm lịch), nhân dân lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn. Di tích hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào năm Duy Tân nhị niên (1908), kiến trúc chữ Nhất gồm một gian hai dĩ. Phần mộc kết cấu vì kèo kiểu chồng rường, chất liệu gỗ tứ thiết. Đây là một công trình kiến trúc cổ, quy mô tuy nhỏ nhưng khá độc đáo bởi sự hài hòa của các góc đao và bộ mái, có giá trị nghệ thuật. Năm 1994, di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Đình Nại Thượng

Đình Nại Thượng, xã Đại Đức (Kim Thành), nơi thờ 7 anh em họ Hoàng

Đình Nại Thượng, xã Đại Đức (Kim Thành) thờ 7 anh em họ Hoàng có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc, trải qua các triều đại phong kiến các thành hoàng đều được ban tặng sắc phong, cho phép bản xã duy trì thờ tự lâu dài. Đình quay mặt về phía đông gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Đến năm 1930, di tích được trùng tu lại và quay về hướng nam, kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung từ và 1 gian hậu cung, chất liệu bằng gỗ lim chắc khỏe. Kháng chiến chống Pháp, đình bị hư hỏng một phần, sau hòa bình nhân dân tu sửa lại. Năm 1998, di tích tu bổ theo đúng kiến trúc xưa nhưng chất liệu bằng bê tông cốt thép sơn màu giả gỗ, mái lợp ngói mũi truyền thống. Lễ hội hằng năm tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng. Ngay từ chiều 14, tổ chức rước kiệu Uy công (anh cả) lên đến đống Đền Chào cách đình 800m về phía tây bắc. Ngày 15, có tế lễ và các trò chơi dân gian. Đình được UBND tỉnh xếp hạng vào năm 2005.

Quy mô, giá trị mỗi di tích thờ các nhân vật thời Hai Bà Trưng trên đất Hải Dương dù khác nhau nhưng đều là những minh chứng lịch sử rõ nét, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nghệ thuật, được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, cần được bảo vệ, phát huy giá trị.

THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo 5 di tích thờ các nhân vật thời Hai Bà Trưng