Đình Giâm Me lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian

19/10/2022 20:00

Đình làng Giâm Me ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) không chỉ là nơi hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, mà còn là nơi thể hiện tinh thần cộng đồng của người dân nơi đây.

Đình Giâm Me hiện nay

Đình được xây dựng trên khu đất cao ráo ở trung tâm thôn Giâm Me, mặt tiền quay về hướng nam, nơi có hồ nước rộng, quanh năm xanh mát. Tương truyền, đình là nơi thờ thành hoàng làng là An Thái đại vương. Ngài đã được nhà Nguyễn ban sắc phong ghi nhận “có công giúp nước, che chở cho dân, linh thiêng hiển ứng”.

Đình Giâm Me được nhân dân khởi dựng vào cuối thế kỷ 17, nhưng không còn ghi chép gì về quy mô cấu trúc. Đến năm Gia Long thứ 8 (1809) di tích được tôn tạo lại trên nền đình cũ. Hơn 100 năm sau, vào đời vua Khải Định thứ 4 (1919) đình được trùng tu, tôn tạo lần thứ hai. Ngoài công trình chính, trước đây di tích còn có các công trình phụ trợ khác như: 2 dãy giải vũ phía đông và phía tây, văn chỉ ở phía đông, nghi môn tắc môn ở phía nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình bị hư hại, nhiều công trình khác cũng bị phá hủy. Năm 2005, nhân dân đã đóng góp công đức tôn tạo lại ngôi đình to đẹp theo phong cách từ thời Nguyễn. 

Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung theo kiểu thu hồi bít đốc; cột, kèo bằng gỗ tứ thiết, móng; tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, đầu hồi có các phù điêu hình triện lá dắt, hai đầu có hai phù điêu hổ phù ngậm chữ thọ khá đẹp. Bờ nóc đắp nổi phù điêu “lưỡng long chầu nguyệt”, kìm nóc đắp hai lạc long. Các vì kèo được kết cấu theo kiểu “con chồng giá chiêng”. Ở đình Giâm Me, hình khối kiến trúc của bộ khung gỗ và sự trang trí đường nét bằng gờ chỉ nổi, chìm trên các cấu kiện kiến trúc như quá giang, câu đầu, kẻ chuyền, kẻ bẩy, xà... đã làm cho nội thất của công trình trở nên mềm mại và uyển chuyển.


Hệ thống vì kèo tại gian đại bái đình 

Đặc biệt, tòa đại bái đình Giâm Me còn lưu giữ được một số mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao. Đề tài khắc trên các bẩy hiên là các bức chạm “trúc hóa long”, “lá hóa long”, “lá lật”, “cúc hóa long”. Tại các vì kèo đều có các bức chạm mang tính nghệ thuật như: lá lật liên hoàn, đấu sen, lá sen cách điệu.

Hiện nay, đình tại di tích còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị từ thời Nguyễn (thế kỷ 19) như bia đá, sắc phong, các đồ thờ tự bằng gỗ, gốm... Với lịch sử lâu đời và những kiến trúc đặc sắc, năm 2006 đình đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Hằng năm, để tưởng nhớ công ơn của vị thành hoàng làng, chính quyền và người dân địa phương tổ chức lễ hội đình làng vào mùa xuân từ ngày mùng 9 - 11 tháng giêng, trong đó ngày mùng 10 tháng giêng là trọng hội. Trong năm còn có lễ hợp tế vào tháng 10 (âm lịch) hằng năm. Đây là ngày hợp tế các vị hậu thần có công tu bổ đình làng. Trong những ngày lễ hội còn diễn ra các trò chơi dân gian như chọi gà, tổ tôm điếu, tam cúc, bắt vịt, hát chèo, tuồng...

Lễ hội đình Giâm Me là dịp để những người con quê hương bày tỏ lòng tri ân với vị thành hoàng làng có công với dân với nước và thể hiện sự đoàn kết, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của người dân nơi đây.

DIỄM AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình Giâm Me lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian