Cổ kính đình Mai Xá

14/09/2021 14:42

Đình Mai Xá, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) là di tích cổ kính hàng trăm năm duy nhất còn tồn tại, như minh chứng cho sự trường tồn của di sản giữa bao thăng trầm lịch sử của địa phương.


Đình Mai Xá có tuổi đời hàng trăm năm

Từ bao đời nay, người dân thôn Mai Xá nói riêng, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) nói chung đã coi đình Mai Xá như báu vật của mình. 

Ngôi đình trên 300 tuổi

Đình Mai Xá nằm trên tuyến đường nối hai huyện Ninh Giang và Thanh Miện. Căn cứ vào tấm bia “Lê triều vạn vạn tuế, Trịnh chúa vạn vạn niên, lưu truyền vạn vạn đại, lập miếu đình bi ký” hiện còn lưu giữ tại di tích thì đình được dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) tại xã Lực Đáp, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Đồng, trấn Hải Dương. Theo tư liệu của địa phương, trước đây mỗi thôn ở xã Hiệp Lực đều có một mái đình, tuy nhiên đình Mai Xá to, đẹp nhất và cũng là ngôi đình cổ duy nhất còn tồn tại cho đến ngày nay trên địa bàn xã.

Đình được xây dựng theo lối chữ Đinh, gồm năm gian đại bái và ba gian hậu cung với quy mô khá lớn, xung quanh có ao hồ, phía trước là giếng bán nguyệt. Từ ngoài nhìn vào tòa đại bái gồm 5 gian lợp ngói mũi kiểu “vỏ sò” (loại vật liệu phổ biến vào đầu thời Nguyễn, thế kỷ XIX). Bờ nóc soi khép chạy suốt, hai đầu hồi đắp kìm nóc được cách điệu gối thân trên đấu vuông rêu phong cổ kính. Hệ thống đao mái uốn cong được đắp hình tượng tứ linh “long, ly, quy, phượng” xen kẽ góc chối của bờ mái còn được các nghệ nhân thể hiện hình tượng nghệ thuật múa chầu khá đẹp mắt. Qua năm tháng và chiến tranh tàn phá, nhiều chi tiết điêu khắc nghệ thuật đã bị hỏng một phần, tuy nhiên cũng không làm giảm đi vẻ đẹp phong sương, cổ kính vốn có của ngôi đình. Với những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, năm 2006, đình Mai Xá được xếp hạng di tích quốc gia.

Đình Mai Xá thờ tứ vị tôn thần gồm: ông Thinh, ông Linh, Phúc Chính và Đào Từ Nhân. Trong đó, ông Thinh, ông Linh là thiên thần với thần tích khá ly kỳ, song thực chất là truyền thuyết về thờ thần nước - nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hai vị Phúc Chính và Đào Từ Nhân là nhân thần được thờ theo tín ngưỡng dân gian từ lâu đời của nhân dân địa phương. Theo sử sách, đây là hai vị quan trong triều đình đã có công giúp dân làng thoát cơn binh hỏa chiến tranh, cấp phát lương thảo cho nhân dân sinh sống, đồng thời cung ứng tiền bạc để tu sửa miếu đình. Ngoài ra, trong đình còn thờ tượng một cô tiên, thân hình cân đối, đẹp mắt, hai tay gắn liền với hai cánh chim dang rộng trong tư thế bay từ trên cao hạ xuống, tên là “Tiên Sa”.

Báu vật quý


Tấm bia “Lê triều vạn vạn tuế, Trịnh chúa vạn vạn niên, lưu truyền vạn vạn đại, lập miếu đình bi ký” hiện còn lưu giữ tại di tích

Lễ hội đình Mai Xá khá đặc biệt vì diễn ra  vào tháng 11 âm lịch. “Khi kết thúc vụ mùa là người dân trong làng lại háo hức sắm sữa lễ vật để đón chờ lễ hội đình. Lễ hội diễn ra từ ngày 10-15 tháng 11 âm lịch và thường thì lễ hội năm chẵn sẽ có quy mô lớn hơn năm lẻ. Tới ngày diễn ra lễ hội, đại diện các thôn cùng mang lễ vật tới dâng Thành hoàng để làm lễ tế khai hội. Sau đó đình sẽ được mở cửa để người dân vào lễ bái. Đồng thời các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian như pháo đất, chọi gà... cũng sẽ được tổ chức để người dân tham gia, tạo không khí sôi động trong ngày hội”, ông Đoàn Tiến Sử (81 tuổi), người có trên 16 năm trông giữ đình cho biết.

Theo Ban quản lý di tích đình, thời kỳ chiến tranh, đình từng có gian hậu cung nhưng đã bị dỡ bỏ, còn gian đại bái trở thành nơi họp bàn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và làm nhà kho của HTX, cho đến mãi sau này đình mới được trả lại cho nhân dân thờ cúng theo đúng mục đích. Hiện nay, tuy hậu cung đã được dân làng phục dựng lại nhưng từ cột, kèo, hoa văn đều được làm theo kiểu bê tông giả gỗ. Vì vậy kiến trúc khá thô cứng, giảm vẻ thanh thoát và không ăn nhập với gian đại bái. Đồng thời, một số hạng mục của di tích bị xuống cấp nghiêm trọng như: mái đình bị xô ngói dẫn đến thấm dột, nhiều chi tiết điêu khắc trên mái bị hỏng. Ngoài ra, đình hiện không còn tượng thờ Thành hoàng mà chỉ còn cỗ ngai công đồng thờ chung cho cả bốn vị. Bên cạnh đó, đình hiện nằm sát đường giao thông, gây mất mỹ quan cho đình, bất tiện và mất an toàn giao thông mỗi khi tổ chức các nghi lễ trong lễ hội.

Ông Lê Lương Hường, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết: Di tích đình Mai Xá đang nằm sát trục đường liên xã do huyện quản lý. Trục đường này dự kiến sẽ được mở rộng 32 m, vì vậy, đình sẽ nằm trong khu vực cần giải tỏa. Xã đã sớm xây dựng dự án quy hoạch di tích trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm các hạng mục: dịch chuyển đình về phía sau so với đường giao thông, xây dựng sân đình, nhà tả vu, hữu vu, phương đình, am hóa vàng, lăng mộ, khu tiểu cảnh, khu vệ sinh, hồ nước... với kinh phí dự kiến 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

TRƯỜNG THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ kính đình Mai Xá