Thánh Dực Dũng Nghĩa: Đạo quân kỳ lạ, thiện chiến bậc nhất Đại Việt

13/11/2022 14:47

Trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ XIII, quân đội nhà Trần sở hữu một đạo quân cực kỳ thiện chiến, trung thành, là nỗi khiếp sợ của đội quân hùng mạnh phía Bắc. Đó là Thánh Dực Dũng Nghĩa.


Màn hội quân trên sông Lục Đầu tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 tái hiện hình ảnh các chiến sĩ quân đội nhà Trần - trong đó có đạo quân Thánh Dực Dũng Nghĩa. Ảnh: Thành Chung

Xuất thân kỳ lạ

Không có nhiều ghi chép về Thánh Dực Dũng Nghĩa, song từ nhiều nguồn tài liệu cho thấy đội quân này được Đại Việt đào tạo và sử dụng rất hiệu quả trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược. Trong đó có những trận đánh liên quan đến địa bàn Kiếp Bạc (Chí Linh).

Tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022, hình ảnh các dũng sĩ Thánh Dực Dũng Nghĩa phần nào được tái hiện trong màn hội quân hoành tráng trên dòng Lục Đầu giang lịch sử. Những tráng sĩ trẻ trung, gan dạ, cơ bắp cuồn cuộn với dòng chữ "Sát Thát" được xăm trên cơ thể biểu diễn những thế võ hiểm, dàn những trận vây ráp quân thù.

Về xuất thân của các chiến sĩ Thánh Dực Dũng Nghĩa, nhiều ghi chép đều nói rằng họ là những người không gốc gác, mồ côi, cùng đinh, bần cùng trong xã hội. Trong đạo quân này còn có những người từng là trộm cướp, tội phạm vì lý do nghèo khó. Họ được triều đình trưng dụng, đào tạo, cấp bổng lộc ngang bằng với cấm quân (Thánh Dực quân). Khi xung trận, đạo quân này cực kỳ tinh nhuệ và thiện chiến.

Điều đặc biệt, các dũng sĩ Thánh Dực Dũng Nghĩa có lòng trung thành tuyệt đối, thà hy sinh ngoài chiến trường chứ không chịu đầu hàng quân địch. Họ sẵn sàng chết để bảo vệ nhà vua. Có những trận chiến, quân Đại Việt gặp bất lợi trước đạo quân hùng mạnh đến từ phương Bắc, các dũng sĩ Thánh Dực từng bại trận song không hề đầu hàng kẻ địch.

Sách Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện viết, cuối năm 1284, 50 vạn quân Mông Thát tràn qua biên giới Đại Việt. Các ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng thất thủ. Theo lệnh của Trần Hưng Đạo, quân ta rút lui về Vạn Kiếp ra sức chống giữ. Đầu năm 1285, Ô Mã Nhi đánh vào Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Trong trận Đà Mạc (địa phận tỉnh Hưng Yên ngày nay), khí phách của các chiến sĩ Thánh Dực Dũng Nghĩa được thể hiện một cách oai hùng, khiến tướng giặc dù thắng trận cũng nhiều phần kiêng nể. Sách Thánh Dực Dũng Nghĩa viết tiếp: đồng loạt quân Thánh Dực nhặt khiên tuốt kiếm, tập trung lại lấy thân che chắn, bảo vệ lá cờ màu huyết dụ có thêu 4 chữ "Thánh Dực Dũng Nghĩa". Từng người, từng người gục ngã, nhưng lá cờ Thánh Dực Dũng Nghĩa vẫn hiên ngang, đứng thẳng cho đến giây phút cuối cùng. Tướng giặc thắng trận nhưng cũng bày tỏ niềm cảm phục.

Theo Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện được viết theo dạng truyện, tuy nhiên có nhiều yếu tố theo chính sử về đạo quân đặc biệt này. Thánh Dực Dũng Nghĩa được biết đến là lực lượng tinh nhuệ, trung thành, tựa như lực lượng cảnh vệ hiện nay.

Trung thành bậc nhất

Trong quân đội nhà Trần, trực tiếp dưới sự chỉ huy của danh tướng Trần Hưng Đạo có những bậc tướng kỳ tài đã được chính sử ghi chép, trong đó có 2 người ở Gia Lộc là Nguyễn Chế Nghĩa và Yết Kiêu. Có người đã đặt câu hỏi, phải chăng Yết Kiêu cũng chính là một dũng sĩ Thánh Dực Dũng Nghĩa? Tuy vậy, nhiều tài liệu chỉ ghi ông cùng với Dã Tượng là 2 tướng thân cận của chủ tướng Trần Hưng Đạo. Chiến công đậm nét nhất của ông là trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, hạ gục Ô Mã Nhi.

Cả 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đều có sự xuất hiện của các chiến sĩ Thánh Dực Dũng Nghĩa.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất năm 1258, để đối phó với 4,5 vạn quân do tướng Ngột Lương Hợp Thai thống lĩnh, quân Thánh Dực Dũng Nghĩa đã dàn trận làm phá sản kế hoạch bắt sống vua Trần. Trong một trận đấu đang diễn ra, vua Trần chợt nhớ về kế hoạch của Trần Hưng Đạo là chỉ đánh một trận để giải mã sức mạnh của giặc rồi rút lui để bảo toàn lực lượng. Tướng Ngột Lương Hợp Thai cho quân đuổi sát để bắt sống vua nhưng quân Thánh Dực Dũng Nghĩa chặn hậu, cầm chân giặc khiến quân Mông Cổ không thực hiện được kế hoạch.

Năm 1285, nhà Nguyên được thành lập sau khi Mông Cổ đánh bại nhà Tống, chúng tiến hành đánh Đại Việt lần thứ hai với 50 vạn quân. Chúng chiếm được Kinh thành Thăng Long nhưng gặp phải kế "thanh dã" (vườn không, nhà trống) của nhà Trần. Khi vua Trần rút khỏi Kinh thành, tướng Thoát Hoan đã điều một đội quân tinh nhuệ đuổi theo bắt cho kỳ được. Trần Hưng Đạo tiếp tục tin dùng Thánh Dực Dũng Nghĩa chặn hậu. Một lần nữa kế hoạch bắt sống vua Trần bị thất bại. Lần này, Thánh Dực Dũng Nghĩa bị vây ráp và hầu hết hy sinh. Giặc chỉ bắt được Trần Bình Trọng và số ít binh lính quân Thánh Dực. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, câu nói kinh điển của Trần Bình Trọng xuất phát từ lần bị bắt này: "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc", khi ông được giặc dụ hàng rồi sẽ cho làm vương tướng. Cuối cùng, ông cùng các dũng sĩ Thánh Dực Dũng Nghĩa bị giết hại.

Ở cuộc kháng chiến lần thứ ba năm 1287, quân Nguyên tiếp tục đưa 50 vạn quân sang xâm lược Đại Việt. Đây là cuộc kháng chiến kinh điển dưới sự chỉ huy kỳ tài của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mà vang danh là trận Bạch Đằng lịch sử.

Khi trận địa cọc đã được cắm dưới lòng sông, đội Thánh Dực Dũng Nghĩa chặn đường rút lui của quân Nguyên và dụ chúng đi vào trận địa đã được giăng sẵn khiến toàn bộ thủy quân Nguyên Mông bị bắt hoặc bị tiêu diệt. Trong trận đấu này, danh tướng Yết Kiêu có công lớn trong việc đánh đắm các chiến thuyền của giặc.

Sau 3 lần xâm lược Đại Việt không thành, đạo quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ là Nguyên Mông đã phải khuất phục trước ý chí và sự tài tình về quân sự của Đại Việt, mà trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Trần Hưng Đạo. Sau khi dẹp tan giặc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn lui về ở và mất tại tư dinh Vạn Kiếp - chính là nền đất của danh thắng đền Kiếp Bạc ngày nay. Với địa thế tựa lưng vào núi, quay mặt trông ra sông Lục Đầu, suốt bao thế kỷ, Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã ở lại với Hải Dương, nơi ghi dấu bao chiến công hiển hách của ông và quân đội Đại Việt, trong đó có đạo quân kỳ lạ và tinh nhuệ Thánh Dực Dũng Nghĩa của mình.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thánh Dực Dũng Nghĩa: Đạo quân kỳ lạ, thiện chiến bậc nhất Đại Việt