Sản vật Ninh Giang vắng bóng trên “bản đồ“ OCOP

06/04/2021 18:01

Vốn là huyện thuần nông, sở hữu nhiều sản vật nổi tiếng nhưng Ninh Giang lại là một trong hai địa phương của tỉnh chưa có sản phẩm OCOP.


Rượu Văn Giang còn thiếu nhiều điều kiện nên chưa thể đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm OCOP

Có bột nhưng chưa gột nên hồ

Theo Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”, huyện Ninh Giang có 7 sản phẩm có tiềm năng được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP gồm bánh gai Ninh Giang, ổi Hiệp Lực, rượu Văn Giang (xã Văn Hội), mộc Cúc Bồ (xã Kiến Quốc), múa rối nước Hồng Phong, lễ hội Đền Tranh, đền Khúc Thừa Dụ. Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng Ninh Giang vẫn nằm ngoài danh sách các địa phương có sản phẩm OCOP.

Làng sản xuất rượu Văn Giang được Sở Công thương công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2007. Làng nghề này hiện có hơn 150 hộ nấu rượu nếp. Sản phẩm của làng nghề không chỉ được bán ở trong tỉnh, mà còn có mặt ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai… Doanh thu mỗi năm của các hộ làm nghề lên tới hàng chục tỷ đồng. Nổi tiếng và mang lại doanh thu đáng kể nhưng rượu Văn Giang vẫn chưa thể đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm OCOP. Nguyên nhân do hầu hết các hộ làm nghề vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chưa sản xuất theo quy trình bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, sản phẩm còn thiếu nhiều điều kiện như chưa có bao bì, chưa đăng ký sản xuất, kinh doanh, chưa liên kết trong sản xuất, không có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, không có hoạt động quảng bá…

Bánh gai Ninh Giang là đặc sản nổi tiếng khắp cả nước, toàn huyện có khoảng 100 hộ sản xuất. Doanh thu từ bánh gai mang lại cho các hộ làm nghề rất lớn, sản phẩm cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sở hữu trí tuệ. UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Hiệp hội Sản xuất bánh gai Ninh Giang, là nơi tập hợp, chia sẻ, hỗ trợ giữa các hộ sản xuất, kinh doanh bánh gai. Nguyên liệu làm bánh là những nông sản thuần tuý, có quy trình làm bánh nghiêm ngặt cộng thêm bí quyết làm bánh riêng của từng hộ đã tạo nên sản vật riêng của huyện. Nhưng đáng tiếc bánh gai vẫn chưa nằm trong danh sách hơn 70 sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đánh thức lợi thế

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến Ninh Giang chưa có sản phẩm OCOP là người dân chưa quan tâm đề án này. Ngay từ khi đề án được triển khai, ngành chức năng đã tham mưu UBND huyện và các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các vùng sản xuất, làng nghề tham gia đăng ký xây dựng sản phẩm.

Theo quy định, chủ thể tham gia đề án phải là các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, hộ kinh doanh. Cơ quan thường trực của đề án chỉ có thể hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia, xây dựng kế hoạch sản xuất chứ không thể bắt buộc hoặc thay chủ thể làm những thủ tục trên. Trong khi đó, nhiều chủ thể vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa đề án mang lại nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm nên họ vẫn chưa quan tâm.

Khi triển khai đề án, cơ quan thường trực thực hiện đề án cấp huyện tới tuyên truyền, vận động; phối hợp với các địa phương thông qua nhiều kênh tuyên truyền, kêu gọi sự vào cuộc của chủ thể nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận. Hơn nữa, nguồn lực hỗ trợ cho đề án còn ít, chưa hấp dẫn được các chủ thể tham gia. Theo quy định, nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần, nhưng nguồn vốn này lại nằm trong các chương trình khác như các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn khuyến công, khuyến nông… mà chưa có nguồn vốn riêng để hỗ trợ các chủ thể tham gia đề án. Mặt khác, lãnh đạo một số nơi chưa nhìn nhận đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của đề án với sự phát triển kinh tế của địa phương nên chưa quyết liệt vào cuộc.

Nhận thấy khó khăn này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, gặp gỡ các chủ thể để vận động; đưa cán bộ địa phương, chủ thể tham gia các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm do ban quản lý đề án tổ chức. Cơ quan thường trực tích cực vào cuộc, rà soát, tham mưu Ban Chỉ đạo cấp huyện lựa chọn sản phẩm phù hợp. Hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể đăng ký, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh… Nhờ vậy, trong năm nay, Ninh Giang dự kiến đăng ký 2 sản phẩm là ổi Hiệp Lực và bánh gai Ninh Giang tham gia sản phẩm OCOP.

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt, Ninh Giang sẽ có tên trên bản đồ sản phẩm OCOP của tỉnh, giúp nâng tầm sản vật địa phương.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản vật Ninh Giang vắng bóng trên “bản đồ“ OCOP