Ngôi đình thờ tướng quân Trương Mỹ

18/08/2021 09:00

Đình Tân Kim ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) thờ tướng quân Trương Mỹ - một vị tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng.


Đình Tân Kim hiện nay

Tích về tướng quân Trương Mỹ

Thần tích do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572) ghi rõ: Thân phụ của Trương Mỹ là Trương Nghiệp, thân mẫu là Đào Thị Vĩ, người trang An Tràng, huyện Tống Giang, phủ Thiệu Thiên, châu Ái (nay thuộc tỉnh Thanh Hoá). Ông bà là người đức độ, làm nghề y dược, trị bệnh, cứu người. Từ châu Ái, ông bà đến trang Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, châu Hồng để làm ăn sinh sống. Tại đây, ông bà sinh được một người con trai diện mạo khôi ngô, trên bụng có 7 điểm sao, đặt tên là Mỹ.

Năm 18 tuổi, Mỹ công văn chương quán triệt, võ nghệ tinh thông. Cũng trong năm này, cha mẹ Mỹ công trở về bản quán (tức trang An Tràng) để thăm phần mộ tiên tổ thì không may bị bệnh qua đời.

Sau đó 3 năm, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Dưới ách cai trị vô cùng tàn bạo của tên thái thú Tô Định, cuộc sống của người dân điêu đứng lầm than. Đau lòng trước cảnh thù nhà, nợ nước, bà Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa. Tin truyền đến Bình Lao trang, Mỹ công đã chiêu tập 11 thanh niên trong trang lên đường đến đồn sở của Trưng vương yết kiến. Trưng vương liền phong Mỹ công làm: Đô Thống nguyên soái tướng quân, sau đó chia binh thành hai đạo tấn công thẳng đến đồn Tô Định đóng.

Tô Định đại bại chạy về Bắc quốc. Trưng vương thu 65 thành trì, lên ngôi vua, khao thưởng quân sĩ. Sau khi nhận thưởng, Mỹ công trở về bản trang. Một hôm, Mỹ công đang dạo chơi trong cung sở, bỗng nhiên trời đất nổi cơn mưa gió dữ dội, sấm sét ầm ầm rồi tự nhiên hóa. Trưng vương vô cùng thương tiếc, truyền cho nhân dân lập cung miếu, hương hỏa phụng thờ, khen phong mỹ tự Thượng đẳng phúc thần.

Do có công với nước, với dân, tướng quân Trương Mỹ đã được triều đình phong kiến nhà Lê và Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong.

Quan tâm tôn tạo

Ông Đinh Văn Kiên (Ban Khánh tiết đình Tân Kim) cho biết đình được khởi dựng từ khá sớm để thờ phụng thành hoàng tướng quân Trương Mỹ. Ban đầu đình có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản ở khu vực cuối làng trên một gò đất cao giống hình con ngựa, gọi là đống Mã. Sau đó, ngôi đình được di chuyển ra đầu làng ở vị trí hiện nay. Ngôi đình mới được xây dựng khoảng từ năm 1902 -1907 thì hoàn thành và tuân thủ theo luật phong thủy một cách chặt chẽ, mặt tiền quay hướng nam nhằm đề cao đức thành hoàng như một ông vua tinh thần của làng xã. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Văn bia tại di tích ghi nhận, năm Khải Định 8 (1923) và Bảo Đại 5 (1930), bà Hoàng Thị Cây, Hoàng Thị Thuận xuất bạc, ruộng tư của gia đình tiến cúng để trùng tu, tôn tạo cho ngôi đình thêm khang trang.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa (năm 1943, 1944), đình Tân Kim bị phát xít Nhật chiếm làm kho chứa đay. Kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ. Kháng chiến chống Mỹ (năm 1958-1960), nơi đây là kho chứa vật tư nông nghiệp của HTX và tổ chức các cuộc họp, học tập của nhân dân Tân Kim.

Năm 1963, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, 5 gian đại bái đình bị hạ giải để lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi địa phương. Khu vực đất tòa đại bái và sân đình bị bỏ không, sau do sự quần cư, phát triển làng mạc đã tạo một con đường đi ở khu vực sân đình vào các thôn, xóm (nay là khu phố), đồng thời chính quyền địa phương cũng cắt một phần đất cho một số hộ dân ở đến năm 1989.

Năm 1993, nhân dân địa phương đã dựng tạm 3 gian nhà nhỏ làm nơi tế lễ, phụng sự các vị thần. 4 năm sau, 3 gian nhà này được lợp lại ngói và gia cố vật liệu cho chắc chắn hơn. Năm 2006, 5 gian đại bái được khôi phục, đồng thời trùng tu, mở rộng hậu cung, tôn tạo giếng làng, lát sân... với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Hiện ngôi đình có không gian rộng rãi, khang trang, bao quanh bởi tường gạch tạo sự ngăn cách riêng biệt cho khuôn viên di tích với các khu vực xung quanh. Công trình chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Tại tòa hậu cung bài trí ngai và bài vị thờ tướng quân Trương Mỹ.

Đình Tân Kim mang những giá trị tinh thần to lớn, thể hiện trong lễ hội đình làng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại di tích có một kỳ lễ hội chính, diễn ra 3 ngày, từ mùng 9 đến 11.3 âm lịch, trong đó trọng hội là mùng 10, kỷ niệm chiến công đánh giặc của thành hoàng làng. Vào những năm được mùa, lễ hội được mở 7 ngày (từ mùng 9 đến 15). Phần lễ có lễ mộc dục, lễ cáo yết, lễ rước sắc phong. Do 4 làng Tân Kim, Trung Xá, Bảo Sài và Bình Lâu cùng thờ tướng quân Trương Mỹ, nên vào ngày chính hội, 4 làng cùng rước kiệu long đình từ đình làng mình ra nghè - di tích chung của 4 làng để nhận sắc phong rước về đình thờ tự trong năm. Phần hội có các trò chơi cầu thùm, bắt vịt, hát chèo, hát nhà tơ… Hiện nay, lễ hội vẫn duy trì như xưa, nhưng thời gian rút ngắn lại còn 2 ngày 9 và 10.3 âm lịch. Trong lễ hội chỉ tổ chức tế lễ tại đình và một số trò chơi cầu kiều, bịt mắt đánh trống, kéo co...

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi đình thờ tướng quân Trương Mỹ