Khẩn trương lập hồ sơ di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO

30/08/2022 19:13

Việc xây dựng hồ sơ và được UNESCO vinh danh là di sản thế giới sẽ có vai trò quan trọng trong việc khẳng định các giá trị văn hóa cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo liên kết vùng cho 3 địa phương.


Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương chủ trì cuộc họp

Chiều 30.8, tại Hải Dương, đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang về tiến độ xây dựng hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh việc xây dựng hồ sơ và được UNESCO vinh danh là di sản thế giới sẽ có vai trò quan trọng trong việc khẳng định các giá trị văn hóa cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo liên kết vùng cho 3 địa phương. Ban đầu, hồ sơ chỉ bó hẹp ở khu vực Yên Tử (Quảng Ninh) hiện đã mở rộng ra các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Việc thay đổi tên gọi khiến tiến độ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ bị chậm. Do đó, các tỉnh Hải Dương và Bắc Giang cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để đẩy nhanh thời gian thực hiện.


Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến

Việc hoàn thiện hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới dựa trên 3 tiêu chí. Các địa phương và đơn vị tư vấn phải làm rõ được những nét đặc trưng, cốt lõi và nâng tầm tiêu chí cảnh quan văn hóa. Đối với tiêu chí nhân vật, con người, tôn giáo, tính liên kết vùng cần bổ sung thêm. 

Thứ trưởng VHTTDL yêu cầu di sản nằm tại 3 tỉnh nên cần thống nhất về quy mô, diện tích, tránh sai lệch thông tin so với những tài liệu trước đây. Kế hoạch quản lý dựa vào những giá trị nổi bật trước mắt, hướng tới lâu dài. 

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu tỉnh Quảng Ninh làm văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về thời gian nộp hồ sơ đề nghị công nhận di sản. Trong đó, cần nêu rõ những nguyên nhân khiến thời gian xây dựng hồ sơ kéo dài. Nếu Thủ tướng không đồng ý gia hạn thời gian nộp hồ sơ, các địa phương, đơn vị phải bảo đảm tiến độ theo kế hoạch ban đầu.


Đại diện đơn vị tư vấn trình bày tiến độ công việc

Thực hiện Thông báo kết luận 2617/TB-BVHTTDL, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục điều chỉnh một số nội dung xây dựng hồ sơ di tích; tham mưu triển khai thông báo đến các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các đơn vị liên quan. Theo đó, thống nhất tên gọi là "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc"; điều chỉnh lùi tiến độ xây dựng hồ sơ 12 tháng so với kế hoạch được duyệt nhằm bảo đảm chất lượng. Đến nay, tên hồ sơ đã được các địa phương thống nhất và Bộ VHTTDL đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét. Các địa phương, đơn vị phấn đấu hoàn thiện bản thảo hồ sơ đề cử trình Bộ VHTTDL trước ngày 30.7.2023; trình UNESCO trước ngày 30.9.2023; hoàn thiện hồ sơ chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31.12.2023.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẩn trương lập hồ sơ di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO