Khai quốc công thần Bùi Quốc Hưng với Hải Dương

12/08/2018 16:10

Khai quốc công thần Bùi Quốc Hưng là một trong những danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều đóng góp quan trọng sáng lập ra vương triều Lê sơ.

Ban thờ công thần khai quốc Bùi Quốc Hưng tại Bùi gia trang

Khai quốc công thần Bùi Quốc Hưng là một vị quan thanh liêm thời Trần, sau này trở thành một trong những danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều đóng góp quan trọng sáng lập ra vương triều Lê sơ.

Trong quá trình nghiên cứu, nhiều nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ mật thiết giữa ông với mảnh đất Quang Ánh xưa (nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, Gia Lộc) trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Giúp triều Lê khôi phục nền độc lập

Nhiều nhà khoa học đã thống nhất nhận định Bùi Quốc Hưng là cháu nội quan Tri thẩm hình viện triều Trần là Phí Mộc Lạc, quê gốc ở Cổ Lai (sau đổi thành Tri Lai), tổng Tri Lai, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương (nay thuộc TP Thái Bình). Năm 1304, Phí Mộc Lạc được Thượng hoàng Trần Nhân Tông đổi tên họ thành Bùi Mộc Đạc. Bùi Mộc Đạc có hai con là Bùi Mộc Đức và Bùi Mộc Đống. Người con Bùi Mộc Đống lấy vợ người thôn Cống Khê (nay là xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và sinh ra Bùi Quốc Hưng. Về năm sinh, năm mất của Bùi Quốc Hưng còn nhiều ý kiến tranh cãi, có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1360, tài liệu khác cho rằng ông sinh năm 1359. Thời điểm ông mất cũng có nhiều ý kiến chưa thống nhất là các năm 1445, 1446, 1448 tại Cống Khê.

Bùi Quốc Hưng là người học rộng, tài cao, thông hiểu kinh sử, nho y lý số, thiên văn... đồng thời rất giỏi binh thư võ nghệ. Ông làm quan đời vua Trần Phế Đế và Trần Thuận Tông. 

Khi Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, ông từ quan về ở ẩn. Trong lúc này, danh tiếng nghĩa quân do chủ tướng Lê Lợi lãnh đạo vang xa, Bùi Quốc Hưng đã lặn lội tìm đến rừng núi Lam Sơn mưu đồ sự nghiệp cứu nước. Lúc này ông đã gần 60 tuổi. Năm 1416, ông tham gia Hội thề Lũng Nhai (nay thuộc Lũng Mi, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), gồm 18 danh sĩ và chủ tướng Lê Lợi kết nghĩa, tế cáo trời đất quyết tâm đánh giặc cứu nước.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông được chủ tướng Lê Lợi giao tham gia các trận đánh có tính quyết định như vây thành Nghệ An năm 1425, đánh thành Điêu Diêu (Gia Lâm), Thị Cầu (Bắc Ninh) năm 1426 và đánh chặn viện binh của Liễu Thăng ở Chi Lăng (Lạng Sơn) cuối năm 1427. Nhờ những mưu lược thâm sâu của Bùi Quốc Hưng mà nhiều lần quân ta chiến thắng, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Khi cầm quân đánh hai thành Điêu Diêu và Thị Cầu, không muốn vây đánh trực diện gây ra cảnh chém giết chính đồng bào mình, Bùi Quốc Hưng đã cho quân vây chặt hai thành, sử dụng thư dụ hàng của Nguyễn Trãi để khuyên nhủ quân lính. Nhận thấy lòng khoan nhượng của nghĩa quân, đến tháng 2 và tháng 3.1427, quan giữ thành Điêu Diêu và Thị Cầu lần lượt kéo quân ra hàng. Như vậy, chỉ trong khoảng 5 tháng Bùi Quốc Hưng đã chiếm được 2 tòa thành mà không hao tổn nhiều vũ khí và nhân mạng, lập chiến công lớn trong cuộc khởi nghĩa. Đến trận chiến ải Chi Lăng, Bùi Quốc Hưng cùng các tướng lĩnh khác mai phục ở Chi Lăng đợi Liễu Thăng dẫn quân tiếp viện của nhà Minh sang ứng cứu thành Đông Quan. Trận chiến đó quân ta giành được chiến thắng oanh liệt, chém tướng Liễu Thăng ở núi Mã Yên, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khôi phục nền độc lập dân tộc.

Kiến lập trang Quang Ánh

Năm 2015, gia đình ông Bùi Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội đồng Phí tộc Việt Nam, cháu đời thứ 22 của Bùi Quốc Hưng, hiện trông coi di tích Bùi gia trang tại thôn Quang Tiền đã cung cấp nhiều tư liệu lịch sử cho các nhà khoa học để nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của cụ Bùi Quốc Hưng và mối liên hệ với trang Quang Ánh. Theo “Tích cổ địa linh Quang Ánh trang” (soạn năm 1937) do gia đình ông Lợi cung cấp có chép “mạt Trần triều, đại quan Bùi Quốc Hưng chí lập ấp doanh Quang Ánh trang, chiêu dân tác điền, chiêu quy tinh tượng, tác nghệ đào từ, chiêu tinh tượng, luyện vật dụng, tác điền, tinh luyện binh khí, dụng kế ngụ binh ư nông, đãi thời mưu đại nghiệp...”, nghĩa là “cuối triều Trần có quan lớn Bùi Quốc Hưng đến lập doanh ấp trang Quang Ánh, chiêu tập dân làm ruộng, lại gọi cả thợ lành nghề về làm đồ gốm, luyện các vật dụng, vừa làm việc nhà nông, vừa luyện binh, dùng kế ngụ binh ư nông chờ thời mưu nghiệp lớn...”.

Năm 1407, Bùi Quốc Hưng đưa con trai là Bùi Đình Nghĩa về thay mình quản lý Bùi gia trang. Rồi sau ông vào Lam Sơn quy phục minh chủ Lê Lợi. Bùi Đình Nghĩa đã thay cha quản lý, xây dựng và phát triển Bùi gia trang trở thành một cơ sở kinh tế, quân sự quan trọng đầu thế kỷ XV. Trên một viên gạch gốm (bia gốm) có tiêu đề “Phu quân ký sự binh bi” do phu nhân của Bùi Đình Nghĩa soạn cho biết Bùi Đình Nghĩa vâng lệnh vương triều tuyển chọn tinh binh, xung quân trong cuộc đại chiến thành Đông Quan, chiến đấu dũng cảm và hy sinh anh hùng. Nội dung này đã khẳng định đóng góp của võ quan Bùi Đình Nghĩa và các nghĩa binh ở Bùi gia trang, làng Quang Ánh và của xứ Đông trong sự nghiệp giữ nước đầu thế kỷ XV.

Các nội dung về mối liên hệ mật thiết giữa cuộc đời, sự nghiệp của Bùi Quốc Hưng với vùng đất Hải Dương được ghi lại trong các tư liệu, hiện vật cổ được phát hiện, trưng bày tại thôn Quang Tiền như “Tích cổ địa linh Quang Ánh trang” (năm 1937), “Gia phả cổ họ Bùi làng Quang Tiền (sao lại năm 1932), “Bùi gia cổ địa linh đồ” (sao lại năm 1780), bia đá về lập Bùi gia trang (năm 1478), “Phu quân ký sự binh bi” (năm 1464), bia đá “Binh khu Cổ Ngựa đường” (năm 1426)...

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, vương triều Lê sơ được thành lập, Bùi Quốc Hưng là một trong 93 người được xét công ban thưởng ở bậc thứ 3 với tước Hương thượng hầu, được ban họ của vua. Trải qua 3 đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, ông luôn tận tâm, tận lực với triều đình. Khi qua đời, ông được triều đình vinh phong là Thái phó Trang Quận công; năm 1447 đời vua Lê Nhân Tông ông được gia tặng Quốc công. 

Những đóng góp của đại quan Bùi Quốc Hưng với việc khởi lập triều đại Lê sơ cũng như kiến lập trang Quang Ánh, là thủy tổ của dòng họ Bùi, người đầu tiên khởi tạo nghề gốm ở thôn Quang Ánh đã được nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại. Thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, giám định văn bản để minh chứng cho những sự thật lịch sử liên quan đến Bùi Quốc Hưng.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai quốc công thần Bùi Quốc Hưng với Hải Dương