Độc đáo kiến trúc nghè Giám

19/09/2021 08:38

Thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, đến nay nghè Giám ở xã Định Sơn (Cẩm Giàng) vẫn giữ được kiến trúc nghệ thuật độc đáo sau hàng trăm năm tồn tại.


Nghè Giám hiện nay trở thành nơi thờ chung 3 vị thành hoàng là Đô Đại Minh vương, Tô Hiến Thành và Tràng Nam Giang đại vương

Nơi thờ 3 vị thành hoàng làng

Theo các tài liệu lịch sử, chùa và nghè Giám vốn nằm trên nền đất trống phía đông huyện Cẩm Giàng bên hữu ngạn sông Thái Bình. Trước năm 1974, chùa và nghè thuộc thôn An Trang, xã Cẩm Sơn (cũ), tên gọi chùa Giám, nghè Giám theo tên nôm của làng Giám ở phía ngoài đê sông Thái Bình. Làng Giám xưa nằm ven sông Thái Bình, hằng năm liên tục bị ngập lụt, đặc biệt năm 1968 làng chìm trong đợt lũ lụt kéo dài. Đến năm 1971, UBND tỉnh Hải Hưng (cũ) quyết định di chuyển dân cư về phía đông cách vị trí cũ 7 km, đến năm 1974 chùa và nghè Giám cũng được di dời về vị trí hiện nay. Trước khi di dời, nghè Giám thờ thành hoàng thôn An Trang là Đô Đại Minh vương thượng đẳng thần. 

Theo thần tích, thành hoàng thôn An Trang tên là Minh có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngài dạt vào địa phận An Trang trong một tai nạn đắm thuyền và được nhân dân cứu giúp. Để đền đáp ân tình ấy, ngài đã dạy chữ, lễ nghĩa cho nhân dân ở đây, khi mất ngài được nhân dân lập nghè thờ, lấy ngày 10.3 hằng năm làm ngày cúng tế. Tương truyền khi vua Lê Thái Tổ đánh giặc Minh đóng quân ở gần đó, đêm ngủ nhà vua được một vị thánh làng An Trang báo mộng sẽ giúp vua đánh giặc, quả nhiên trận đó quân ta đại thắng. Để tạ ơn, vua đã phong cho thành hoàng làng An Trang là “Vô vi cư sĩ Đô Đại Minh vương”.

Sau khi di dời nghè về vị trí hiện nay, do đình, nghè các thôn khác xuống cấp, nghè Giám trở thành nơi thờ chung 3 vị thành hoàng là Đô Đại Minh vương, Tô Hiến Thành và Tràng Nam Giang đại vương, gọi chung là “Công đồng bản cảnh thành hoàng”. Tràng Nam Giang đại vương là người có công giúp Vua Hùng đánh tan giặc Ân, xây dựng nước Văn Lang giàu mạnh, được Vua Hùng đời thứ 6 sắc phong. Thái úy Tô Hiến Thành là vị quan đại thần thanh liêm, cương trực, có công với dân, với nước thời vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Cả 3 vị thành hoàng đều là những người có công lớn giúp dân, giúp nước, được vua các triều đại ghi nhận công lao, phong thánh, nhân dân ghi nhớ ơn đức và thờ phụng.

Chạm khắc tinh xảo

Nghè Giám nằm phía trước cửa chùa Giám về phía bên phải, gồm đại bái và hậu cung nối với nhau bằng một ống muống tạo thành hình chữ công.

Đại bái rộng trên 60 m2, kết cấu 4 hàng chân cột, gồm 4 cột cái và 12 cột quân, các cột đều kê chân bằng đá tảng trơn, không trang trí. Hậu cung gồm 1 tầng, 4 mái, phía trước là hệ thống cửa. Mỗi gian bên có 4cánh cửa bức bàn kiểu thượng song hạ bản, riêng cửa gian giữa gồm 2 cánh lớn chạm hình rồng, đao mác và mặt trời. 

Điều độc đáo ở ngôi nghè lớn nhất huyện Cẩm Giàng là nghệ thuật chạm khắc với nhiều hình tượng phong phú mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Trong đó, hình tượng rồng được thể hiện chủ đạo tương đối đồng nhất. Rồng có mặt ở cả đại bái và hậu cung, trên nhiều cấu kiện khác nhau trong thế nhìn nghiêng, miệng hé ngậm ngọc. Hình tượng phượng ít thấy hơn, khi thì đậu trên nhành lá, mỏ quặp, mắt dài, hai cánh xòe rộng; khi lại đang bay với mỏ quặp, cổ dài, cánh dang rộng với những lông cánh uốn mềm mại, thân có vẩy tròn, lông đuôi hình lá tỏa ra. Hình ảnh con người cũng được nghệ nhân xưa chú trọng khắc họa. Trên ván rường vì nách chái đại bái thể hiện hai kỵ sĩ đang cưỡi ngựa đuổi nhau. Trên rường vì nách chái phía sau đại bái có hình người cưỡi voi, đuôi rường này cũng chạm cảnh hai người đang đấu vật và một người đứng xem cổ vũ. Bên cạnh đó còn có hình tượng những con thú nhỏ, voi, ngựa, hoa lá, mặt trời… tạo nên sự phong phú, đặc sắc của nghệ thuật trang trí trên kiến trúc ở nghè Giám.

Di vật có giá trị ở nghè Giám không còn nhiều, một trong số đó là bộ cửa gian giữa hậu cung gồm 2cánh, mỗi cánh rộng hơn 1,2 m được làm từ 2 khối gỗ lim. Mặt trước cửa được chạm khắc tinh xảo hình lưỡng long chầu nguyệt. Họa tiết trên thân rồng được chạm khắc cầu kỳ giống như hàng trăm mũi đao kiếm chĩa về các hướng khác nhau tạo nên một thế trận vững chắc thể hiện khí phách chiến đấu thời Lê. Hai bên cửa có 2 bức giống như câu đối, rộng 40 cm, cao 2 m, phía trên khắc hình phượng, dưới khắc hình lân, ở giữa khắc hình rồng như đang bay lượn từ trên xuống tạo sự uyển chuyển độc đáo. Với những giá trị về kiến trúc và lịch sử, bức cửa cấm nghè Giám đã được Bảo tàng tỉnh mang đi triển lãm và được nhiều nhà khoa học đánh giá đây là một bức cửa quý được chạm khắc tinh xảo, có giá trị lịch sử cũng như kiến trúc hiếm có ở Việt Nam, cần được bảo tồn phát huy giá trị.

Không ai biết nghè Giám được khởi dựng từ khi nào, chỉ biết dấu vết kiến trúc sớm nhất hiện còn ở nghè mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, đây là một trong những công trình khá hiếm hoi còn giữ lại được kiến trúc của thời kỳ này. Tuy khá độc lập, nhưng nghè Giám nằm trong một quần thể hài hòa, bổ trợ cho nhau với chùa Giám, tạo nên giá trị cho toàn bộ cụm di tích quốc gia đặc biệt thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh. 

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến nay nghè đã xuống cấp, mái ngói xô lệch, tường thấm dột. Ông Phạm Tiến Lý, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 3 xã Định Sơn cho biết: “Tôi mong ngôi nghè sớm được các cấp, ngành tạo điều kiện quan tâm tu bổ để góp phần phát huy giá trị cụm di tích quốc gia đặc biệt”. 

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo kiến trúc nghè Giám