Di tích xuống cấp ngóng kinh phí

09/06/2019 16:16

Việc trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp ở tỉnh ta hiện gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư.


Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đình Vạn Tải ở xã Hồng Phong (Nam Sách) xuống cấp nghiêm trọng 

Nhiều đình, chùa xuống cấp nghiêm trọng

Tỉnh ta có trên 2.000 di tích. Hiện chưa có thống kê lượng di tích bị xuống cấp nhưng theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Việt Nga thì con số này chắc chắn không nhỏ. Bình quân mỗi năm sở nhận được hàng chục đơn đề nghị hỗ trợ trùng tu, tôn tạo di tích từ các địa phương.

Rất nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có cả các di tích cấp quốc gia như đình Đông ở xã Thanh Tùng (Thanh Miện) xây dựng từ thế kỷ thứ XVI. Đình Đông đang bị nghiêng về phía tây. Hệ thống kèo, cột, con rường bị mối mọt, một số xà, hoành đã hỏng gần hết. Nhiều vị trí trên mái đình xập xệ, cứ mưa là dột. Ông Vũ Đình Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tùng than thở: "Hơn 10 năm nay chúng tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Nghe đâu tới đây Trung ương sẽ hỗ trợ 1tỷ đồng để trùng tu ngôi đình nhưng khái toán phải cần tới từ 8-10 tỷ đồng mới làm được".

Mới đây, nhân dân thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong (Nam Sách) đã phải di chuyển ngai thờ các vị thành hoàng làng từ đình sang ngôi chùa bên cạnh, bởi đình đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay nhưng không có kinh phí để trùng tu, tôn tạo. Ông Nguyễn Quý Bình, thành viên Ban khánh tiết đình Vạn Tải cho biết xà và hoành đã bị gẫy hoặc mối mọt hết. Tường ngôi đình bị nứt, bong tróc vữa, mái bị dột. "Thôn phải đóng cửa đình để bảo đảm an toàn. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn hoặc có ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri phản ánh tình trạng này nhưng đến nay chưa được hỗ trợ", ông Bình nói.

Chùa An Lao ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) xây dựng từ năm 1806 cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. 3 trong tổng số 10 cây cột của ngôi chùa này bị mục, hầu hết xà, rui đã gẫy, mái bị sập nhiều chỗ... Lãnh đạo thôn An Lao cho biết qua nhiều lần đề nghị, cuối cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đồng ý cho thôn được trùng tu, tôn tạo. Nhưng do ngân sách hạn chế nên sở không bố trí được kinh phí hỗ trợ cho thôn trùng tu ngôi chùa. Thôn đang loay hoay chưa biết xử lý ra sao. Việc vận động xã hội hóa ở một vùng quê thuần nông như An Lao không dễ dàng.

Như muối bỏ bể

Mỗi năm, ngân sách tỉnh cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 1 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương trùng tu, tôn tạo các di tích bị xuống cấp. Số tiền này như muối bỏ bể vì không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hằng năm, sở cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp kinh phí hỗ trợ cho lĩnh vực này nhưng số tiền nhận được không nhiều.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Việt Nga cho biết phương châm của tỉnh là ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho các di tích quốc gia trước. Nhưng với nguồn ngân sách dành cho lĩnh vực này quá ít nên nhiều khi sở loay hoay không biết điều tiết kinh phí hỗ trợ như thế nào cho phù hợp. Thực tế nguồn kinh phí 1 tỷ đồng cũng không đủ phục vụ việc trùng tu cho 1 di tích nên sở đành cấp cho mỗi di tích từ khoảng 50-100 triệu đồng để làm vốn mồi. Các địa phương muốn trùng tu, tôn tạo di tích phải huy động thêm các nguồn lực khác nhưng không phải nơi nào cũng làm được điều này.

Hiện nay, nhiều di tích cấp tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí để trùng tu, tôn tạo, nhất là các ngôi đình. Đình thường chỉ thờ thành hoàng của một làng nên chỉ có thể vận động được trong phạm vi hẹp. Số tiền vận động được ít ỏi nên việc trùng tu chỉ mang tính chắp vá.

Di tích xuống cấp không được trùng tu, tôn tạo kịp thời sẽ ngày càng xuống cấp, thậm chí không còn khả năng phục hồi nếu để quá lâu. Bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa là việc làm quan trọng cần được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn nữa. "Sở sẽ tham mưu với tỉnh nâng nguồn ngân sách hỗ trợ trùng tu, tôn tạo di tích lên khoảng từ 3-5 tỷ đồng/năm. Số tiền này cũng chỉ là vốn mồi, cái chính là các địa phương phải đa dạng hóa các hình thức vận động, tuyên truyền để tạo nguồn lực thực hiện việc này", bà Nga nói.

Những năm gần đây, ngoài ngân sách của tỉnh, một số huyện như Kinh Môn, Cẩm Giàng cũng bố trí nguồn ngân sách không nhỏ để hỗ trợ các địa phương thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp. Việc này cần được nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích xuống cấp ngóng kinh phí