Chuyện những người chép sử

03/10/2022 05:32

Đòi hỏi sự thận trọng, chính xác từng chi tiết, công việc của những người ghi chép biên niên sử, lưu trữ giấy tờ, thông tin sự kiện của tỉnh, các sở, ngành, địa phương âm thầm nhưng rất quan trọng, bởi đây là nguồn tư liệu quý phục vụ cho các hoạt động sau này.


Dù đã được hỗ trợ nhiều bởi thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại song các tài liệu gốc vẫn được lưu trữ sau khi đã quét để lưu vào máy tính. Trong ảnh: Chị Đỗ Thị Hà Giang, nhân viên văn thư lưu trữ (Huyện ủy Cẩm Giàng) sắp xếp tài liệu

Trung thực, khách quan

Là chuyên gia sử học, ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học tỉnh có nhiều kinh nghiệm và thâm niên trong việc ghi chép biên niên sử. Làm công tác này từ năm 1968, ông Hoành đã ghi chép lại hàng nghìn sự kiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trong tỉnh. Nhiều sự kiện ông ghi chép đã trở thành tư liệu quý, phục vụ cho các hoạt động xuất bản sách, kỷ yếu của tỉnh và các sở, ngành.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Hoành là vào năm 1979, để chuẩn bị kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi diễn ra vào năm 1980, ông Hoành đã đạp xe tới nhiều tỉnh miền Bắc thu thập thông tin, dữ liệu viết bài phục vụ lễ kỷ niệm. Tại lễ kỷ niệm, Nguyễn Trãi đã được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Ông Hoành đã ghi chép lại rất kỹ các nội dung diễn ra, lưu trữ rất nhiều tài liệu ông có được và sau này trở thành tư liệu quan trọng, được sử dụng trong nhiều cuốn sách, bài viết của nhiều tác giả.

Đối với ông Hoành, một người làm công tác ghi chép biên niên sử cần các tố chất cần mẫn, khách quan và trung thực. "Có một số sự kiện chính trị mặc dù không được công bố nhưng tôi vẫn ghi chép cẩn thận để sau này các thế hệ con cháu biết được các hoạt động trước đây. Yếu tố trung thực được đặc biệt quan tâm bởi liên quan đến tính chính xác của sự kiện, đòi hỏi người viết không được thêm các chi tiết không có thật", ông Hoành nói.

Mở các cuốn biên niên sử với hàng nghìn sự kiện lớn nhỏ diễn ra trong tỉnh, của các sở, ngành, địa phương được ghi chép hơn 9 năm qua, chị Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu lịch sử địa phương (Bảo tàng tỉnh) cho biết đã có những trang giấy cũ nhuốm màu thời gian nhưng vẫn rất phẳng phiu, các chữ vẫn còn rõ nét, không hề bị phai mờ. Các sự kiện được lưu trữ theo thời gian nên việc tìm kiếm rất dễ dàng, thuận tiện. Gắn bó với công tác này, chị Hạnh cảm nhận được cái khó nhất của người ghi chép biên niên sử là việc lựa chọn sự kiện nào để chép và chép thế nào để những người sau này có nhu cầu sử dụng tư liệu có thể hình dung ra được quy mô, tính chất, các hoạt động chính trong sự kiện. Để chính xác, chị phải đến tận nơi chứng kiến các sự kiện, lấy tài liệu và chắt lọc thông tin để sao cho việc đưa tin ngắn gọn nhưng đầy đủ, trung thực. Với mỗi sự kiện, chị Hạnh luôn ghi đầy đủ địa điểm, tên sự kiện, số lượng người tham gia, nội dung chính của sự kiện đó là gì, tại sao lại diễn ra sự kiện như vậy... 

"Một ngày trong tỉnh diễn ra nhiều sự kiện, chúng tôi lựa chọn những gì tiêu biểu, mang tính đặc trưng nổi bật của từng ngành, địa phương để ghi chép lại. Vì thế, người ghi chép phải có khả năng đánh giá đâu là sự kiện quan trọng, sự kiện đó đã từng xảy ra hay chưa, việc lưu giữ sẽ phục vụ gì cho các hoạt động sau này, hay sự kiện này sẽ có tác động như thế nào đến các mặt đời sống, xã hội...", chị Hạnh nói.

Trung bình một năm Phòng Nghiên cứu lịch sử địa phương ghi chép lại từ 250-300 sự kiện của tỉnh, các sở, ngành, địa phương và lưu trữ khoảng 150 tấm ảnh. Với những sự kiện lớn, quan trọng, đặc biệt thì việc ghi chép sẽ đầy đủ, cụ thể hơn, những sự kiện còn lại ghi chép ngắn gọn nhưng vẫn phải đầy đủ thông tin. 

Đảng bộ xã Tân Việt (Thanh Hà) đang tái bản cuốn lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Tân Việt (1930-2010) và bổ sung thêm giai đoạn 2011-2020. Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, một thành viên trong Ban Biên soạn lịch sử Đảng bộ xã cho biết lần tái bản này, xã nhận được ý kiến của một gia đình về việc có người thân từng đi bộ đội, bị địch bắt tù đày và mất nhưng chưa được ghi nhận và đã đưa ra được một số căn cứ để chứng minh cho sự việc này. "Chúng tôi phải xác minh thông tin. Sau đó, địa phương mời Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hội thảo, làm sáng tỏ các thông tin. Sau bước này, nếu các bên tham gia hội thảo đồng ý, chúng tôi sẽ công bố trên hệ thống truyền thanh để lấy ý kiến của nhân dân, nếu nhân dân không có ý kiến khác thì mới bổ sung khi tái bản lịch sử", bà Lan cho biết.

Theo chia sẻ của bà Lan, việc xác minh thông tin, chuẩn bị hội thảo được thực hiện thận trọng, tỉ mỉ và cần rất nhiều thời gian. Các thành viên trong Ban biên soạn phải tìm thông tin từ tỉnh đến huyện xem có ghi lại hay không, gặp những người sống cùng thời kỳ đó để xác minh và phải tìm gặp những người biên soạn cuốn lịch sử giai đoạn trước để tìm hiểu thông tin vì sao lại không đưa vấn đề này vào...

Còn nhiều khó khăn

Để có thể lưu trữ, ghi chép các sự kiện, bên cạnh yếu tố con người thì cần có sự hỗ trợ của công cụ máy móc để việc lưu trữ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hiện nay Bảo tàng tỉnh đều gặp khó khăn ở tất cả các khía cạnh này. Chị Nguyễn Thị Hương Thủy, cán bộ Phòng Nghiên cứu lịch sử địa phương cho biết mặc dù phải ghi chép nhiều sự kiện như vậy nhưng hiện nay phòng chỉ có 2 người nên đôi lúc không đủ người tham dự sự kiện. Hệ thống máy móc, phương tiện phục vụ các hoạt động còn hạn chế. Các chị không có máy ảnh riêng mà phải dùng chung với các phòng, ban khác nên có những sự kiện không có ảnh. Máy móc phục vụ việc lưu trữ thông tin cũng rất khó khăn, chỉ là máy tính thông thường nhưng đã cũ, thậm chí không có phần mềm diệt virus cho từng máy. Chị Thủy cho biết: "Trước đây, chúng tôi tự bỏ kinh phí ra để mua phần mềm diệt virus nhằm bảo đảm các tài liệu lưu trong máy nhưng đồng lương cán bộ thấp nên không duy trì được lâu. Hiện nay, chúng tôi phải đưa vào USB để lưu trữ. Đối với những tài liệu gốc, chúng tôi cũng chỉ đựng trong các tủ thông thường". Từ năm 2010 đến nay, do khó khăn về kinh phí nên các sự kiện chưa được in thành sách để xuất bản mà vẫn để trong kho lưu trữ.


Phương tiện, điều kiện làm việc tại Phòng Nghiên cứu lịch sử địa phương (Bảo tàng tỉnh) đã xuống cấp

Bên cạnh công cụ hạn chế, các chị còn có thiệt thòi đó là việc chưa có nhiều sở, ngành, địa phương biết đến nên có nhiều sự kiện không được mời tham gia dẫn đến việc không thể nắm bắt được toàn bộ sự kiện, không có tài liệu lưu trữ. "Có một số nơi khi sự kiện diễn ra thì không mời nhưng nếu biết và bố trí được thời gian chúng tôi vẫn đến để tham dự. Khi không được tham dự, không lấy được tài liệu chúng tôi lại phải tham khảo thông tin từ đài, báo Trung ương, địa phương để chép lại các sự kiện đó", chị Thủy cho biết thêm.

Không đến mức khó khăn như tại Bảo tàng tỉnh, thời gian gần đây, được sự hỗ trợ của thiết bị, máy móc công việc lưu trữ tài liệu đối với chị Đỗ Thị Hà Giang, cán bộ làm công tác văn thư lưu trữ của Huyện ủy Cẩm Giàng thuận tiện hơn đôi chút. Thời gian gần đây, các chị có máy scan nên các tài liệu được scan xong sẽ đưa vào máy tính, còn bản gốc đóng vào các túi tài liệu cất trong tủ, khi hết nhiệm kỳ sẽ đưa lên kho. Các tài liệu cũng được đánh số thứ tự tương ứng với số lưu trong máy nên rất dễ dàng trong việc tìm kiếm. "Những tài liệu chúng tôi lưu trữ ở đây sẽ được sử dụng cho nhiều cuộc họp, phục vụ cho nhiều hoạt động sau này của huyện, trong đó có cả việc tái bản, bổ sung các sự kiện lịch sử của huyện nên yêu cầu phải lưu trữ đầy đủ, không được thiếu bất kỳ một tài liệu nào", chị Giang nói.

Việc lưu trữ có hệ thống, thực hiện trên máy tính như trên mới được thực hiện từ đầu nhiệm kỳ, còn các tài liệu trước đây vẫn lưu trong kho. Hiện nay, chị Giang đang scan lần lượt các tài liệu, từ những năm gần đây rồi đến những năm trước đó để các tài liệu thành hệ thống, tránh việc mất mát. "Phần lớn các tài liệu vẫn còn được lưu trữ thô sơ là đóng vào túi và cất trong kho. Khi ai muốn tìm tài liệu nào, tôi sẽ trực tiếp tìm giúp. Trước đây, đã có lần để mọi người xuống kho lưu trữ tìm nhưng khi có được tài liệu thì họ lại để các tài liệu lộn xộn, người sau tìm kiếm rất khó, dẫn đến nhầm lẫn, mất mát".

Những đóng góp của người làm công tác ghi biên niên sử, lưu trữ các tài liệu đóng vai trò rất quan trọng. Để việc ghi chép, lưu trữ tốt hơn họ mong muốn nhận được sự quan tâm về cơ sở vật chất, hệ thống máy để tài liệu được bảo quản lâu hơn, thật sự là những tư liệu quý giá, lưu lại những khoảnh khắc, những sự kiện quan trọng của tỉnh, các ngành, địa phương đã từng diễn ra.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện những người chép sử