Cây như nhân chứng sống

13/05/2019 17:22

Hải Dương có 3 cây đa và 1 cây đề được công nhận là cây di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam. Từ lâu, nhân dân địa phương đã quan tâm gìn giữ 4 cây này.

Cây đề ở An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ đứng sừng sững bên cạnh đường tỉnh 391

Nổi bật hơn cả là cây đề nằm sừng sững cạnh đường 391 thuộc khu dân cư An Nhân Tây (thị trấn Tứ Kỳ). Cây đề này khoảng 280 năm tuổi, cao 41 m, tán rộng hơn 20 m, đường kính thân 4 m.

Cây đề là minh chứng cho nhiều sự kiện lịch sử, trong đó có cả tội ác của thực dân Pháp. Khoảng năm 1950, du kích địa phương dụ tên quan Ba Pháp từ bốt An Nhân về nhà ông Đặng Văn Đốc ở thôn La Tỉnh để giết. Sau đó, giặc Pháp đã bắt 52 người dân vô tội và dùng súng máy bắn chết để trả thù. Người dân đã dựng bia và bức phù điêu căm thù tại khu dân cư An Nhân Đông để tưởng nhớ. Bia cách cây đề khoảng 200 m.

Ông Đặng Văn Thành, Trưởng khu An Nhân Tây cho biết cây đề còn gắn với câu chuyện oai hùng của chiến sĩ tiêu biểu Trần Trọt, người thôn La Tỉnh. Năm 1952, ông thường cải trang làm người đơm đó vào ban đêm, giả câm, giả điếc để tiếp cận bốt An Nhân.

Ông thường trèo lên cây đề để quan sát hoạt động của giặc, vẽ lại sơ đồ trong bốt An Nhân và thông báo kịp thời cho du kích xã Chí Minh vây chiếm bốt không mất một viên đạn. Ông được Bác Hồ đã tặng 8 chữ “Tặng chú Trần Trọt chiến sĩ thi đua”. 

Cây đề còn là biểu tượng gắn với ký ức của nhiều người dân. Bà Dương Thị Hoài (73 tuổi), cựu thanh niên xung phong thị trấn Tứ Kỳ xúc động: "Tôi sống cạnh cây đề từ năm 1974 đến giờ. Nó gắn bó với tuổi thơ của tôi, hàng ngày tôi đều lau dọn thắp hương tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh".

Cây Đinh Trống ở khu dân cư Vũ Xá, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) đã từng được dùng làm đài quan sát để nắm bắt tình hình chiến sự trong kháng chiến chống Pháp và theo dõi máy bay của giặc Mỹ

Cây đa ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ) cũng khá đặc biệt, gắn với những câu chuyện lịch sử hào hùng. Cây nằm ngay đầu thôn, gốc cây sần sùi nhiều mấu, cao khoảng 30 m, tán rộng chừng 40 m, đường kính hơn 5 m và ước tính khoảng 700 năm tuổi. Những năm 1950 – 1953, cây đa được dùng làm đài quan sát để du kích theo dõi hoạt động của bốt An Thổ.

Trước đây, cụ Trần Thị Hữu (nay đã 96 tuổi) thường trèo lên cây đa cùng chiếc loa sắt Tây để quan sát tình hình địch báo cho du kích và nhân dân chuẩn bị phương án tác chiến. Khi nào địch chuẩn bị vào tới làng, cụ Hữu mới leo xuống về nơi trú ẩn. Nhờ tiếng loa báo hiệu của cụ mà người dân yên tâm sản xuất, lực lượng du kích có đủ thời gian triển khai đánh địch kịp thời.

Cây thứ 3 cũng rất độc đáo bởi đây là cây cao nhất trong làng và là nơi treo cờ Đảng từ năm 1947. Đó là cây Đinh Trống ở khu dân cư Vũ Xá, phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Cây có tuổi khoảng 200 năm, cao hơn 25 m, đường kính 4 m, tán cây rộng hơn 50 m.

Trước đây, cây là nơi đặt loa truyền thanh tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và tình hình chiến sự.

Những năm 1953, cây được dùng làm đài quan sát hoạt động của giặc Pháp tại bốt Vũ La, bốt Lai Vu và lô cốt Ba Hàng để du kích nắm bắt diễn biến hoạt động của giặc, góp phần làm nên những chiến thắng “tiếng sấm đường 5”.

Trong thời kỳ chống Mỹ, cây cũng được chọn làm trạm quan sát của du kích địa phương để theo dõi máy bay địch bắn. Cụ Đoàn Bá Ngếch (84 tuổi), khu dân cư Vũ Xá cho biết dưới gốc cây còn là nơi chứa vũ khí của Sư đoàn 329 những năm 1981 - 1982. Cây Đinh Trống như một phần máu thịt của người dân, là di sản quý báu của quê hương. Chúng tôi sẽ gìn giữ, chăm sóc cây cẩn thận.

Cây đa ở thôn Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách) gắn liền với đền thờ Mạc Đĩnh Chi và nơi đặt điểm canh gác của lực lượng bảo vệ thôn trước đây

Cây cuối cùng là cây đa tại thôn Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách), gần đền thờ Mạc Đĩnh Chi. Cây đa khoảng hơn 230 năm tuổi, cao 22 m, đường kính 2,3 m, tán cây rộng hơn 25 m. Cây nằm nghiêng mình bên bờ ao làng, gắn liền với đời sống cộng đồng dân cư nơi đây. Theo một số cụ cao niên trong làng, trước đây, tại gốc đa có một cái đống, gọi là đống điếm vì được người dân dựng chòi để làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cho làng.

Năm 2015, Hội Sinh Vật cảnh Việt Nam ban hành quy chế về việc xét công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.

Ông Ngô Văn Hanh, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết hiện tại, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam xét công nhận cây di tích lịch sử văn hóa với các tiêu chí: Có niên đại từ 50 năm trở lên; đường kính tại điểm 1,3 m (tính từ mặt đất trở lên) từ  50 cm trở lên; gắn với công tích của các bậc tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước hoặc gắn với các sự kiện lịch sử cách mạng như: nơi treo cờ Đảng; địa điểm liên lạc của du kích; nơi cất giấu truyền đơn; nơi đặt đài quan sát của bộ đội, du kích… hoặc do lãnh tụ Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm; cây có chủ sở hữu hoặc quản lý rõ ràng không có tranh chấp. Những cây được công nhận là “cây di sản” thì không đề nghị xét công nhận cây di tích để tránh chồng chéo. Sau khi được công nhận, người dân và chính quyền xã đã quan tâm bảo tồn các cây này.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây như nhân chứng sống