Trần Quốc Tuấn -  Vị tướng tài đức

25/09/2021 06:15

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một danh nhân kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, đồng thời là bậc kỳ tài quân sự cổ kim của thế giới.


Khu di tích đền Kiếp Bạc (Chí Linh) - nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Mang trọng trách Quốc công tiết chế, toàn quyền chỉ huy quân đội, Trần Quốc Tuấn đã lãnh đạo quân dân Đại Việt tạo ra những kỳ tích, đánh bại các cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông. Tài đức của ông được sử sách lưu danh cùng những chiến công hiển hách hay những câu nói nổi tiếng thể hiện tinh thần yêu nước, cùng hai tác phẩm “Binh thư yếu lược” và tuyệt bút “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” mà thường được gọi là Hịch tướng sĩ. 


Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi về tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đặt nợ nước trên thù nhà

Theo Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Quốc Tuấn là con của An Sinh vương Trần Liễu. Lúc mới sinh, có một thầy xem tướng và bảo: “Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Đến khi lớn lên Quốc Tuấn có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc nhiều sách, có tài văn võ.

Trong cuộc đời mình, Trần Quốc Tuấn từng trải qua một lần gia biến, ba lần nạn nước. Đó là khi An sinh vương Trần Liễu khởi loạn vì bị ép nhường vợ cho em là vua Trần Thái Tông. Trước khi An sinh vương mất có trăn trối lại với Trần Quốc Tuấn rằng sau này phải vì cha giành lấy giang sơn nếu không ông sẽ không nhắm được mắt. Chiều lòng cha, Quốc Tuấn gật đầu nhưng trong bụng vẫn không cho đó là điều nên làm.

Sau này, khi vận nước lung lay, Quốc Tuấn trở thành rường cột nước nhà. Ông lại đem việc cha căn dặn trước lúc lâm chung bàn với các gia thần là Dã Tượng, Yết Kiêu để thử lòng họ. Yết Kiêu và Dã Tượng ra sức can ngăn, khuyên gián “Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm nô bộc, chứ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan". Quốc Tuấn nghe hai người nói, vừa cảm động ứa nước mắt vừa khen ngợi.

Một lần khác, ông lại đem chuyện ấy ra hỏi con mình là Quốc Tảng. Quốc Tảng dõng dạc nói: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”, ý muốn khuyên cha nên thừa cơ cướp lại ngai vàng. Quốc Tuấn nghe xong nổi giận đùng đùng, rút gươm kể tội: “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra”, đoạn toan giết Quốc Tảng. Người nhà khóc lóc mãi, xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Nhưng ông vẫn chưa nguôi giận, dặn đi dặn lại người nhà: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”. 

Như vậy, Trần Quốc Tuấn đã đặt nợ nước lên trên thù nhà, vun trồng cho khối đoàn kết trong dòng tộc họ Trần. 


Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 6, 7 ghi về trận chiến lừng lẫy trước quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng do Trần Quốc Tuấn lãnh đạo (Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Bậc kỳ tài quân sự

Vào khoảng niên hiệu Thiệu Bảo đời vua Trần Nhân Tông, quân Nguyên Mông gồm những tướng giỏi đã chia quân thành nhiều ngả kéo vào cướp nước ta. Vua Trần Nhân Tông mới hỏi Quốc Tuấn rằng: “Thế quân giặc mạnh như vậy, có lẽ ta phải đầu hàng”. Quốc Tuấn đáp: “Xin hãy chém đầu hạ thần này trước đã, rồi hãy đầu hàng”. Sau đó Quốc Tuấn được nhà vua cử giữ chức Tiết Chế các quân thủy bộ, tập hợp quân sĩ đánh giặc. Trận Vạn Kiếp quân ta dành thắng lợi đã chứng tỏ bản lĩnh của Trần Quốc Tuấn luôn quyết tâm diệt giặc không gì lay chuyển được. Ngay những lúc gian nan nguy hiểm nhất vị tướng này vẫn tin vào thắng lợi, giữ vững lòng quân, lòng dân.

Năm Trùng Hưng thứ hai, quân Nguyên Mông lại ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta một lần nữa. Vua cho mời Quốc Tuấn vào bàn kế đánh giặc và giao cho ông chỉ huy. Ông đã chia quân đóng giữ những nơi quan ải hiểm yếu. Trước hết truyền lệnh cho quân lính trồng cọc vót nhọn xuống dòng sông Bạch Đằng, lấy rơm, cỏ bọc lên đầu cọc. Rồi nhân lúc nước thủy triều dâng cao, cho quân ra khiêu chiến. Quân giặc đuổi theo. Đến khi nước rút, thuyền giặc vướng mắc vào cọc, rút lui không được, bị quân ta tiêu diệt. Tướng giặc Ô Mã Nhi và đồng bọn đều bị bắt. Lập được đại công này, Quốc Tuấn được phong Đại Vương Thượng Quốc Công. Tên tuổi lừng lẫy đến tận phương Bắc, kẻ thù nể phục gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương, không dám gọi tên. 


  Lễ hội quân trên sông Lục Đầu tái hiện lại chiến thắng lịch sử chống quân Nguyên Mông do Trần Quốc Tuấn chỉ huy (ảnh tư liệu)

Trận quyết chiến Bạch Đằng thắng lợi, toàn bộ đạo quân của địch đã bị tiêu diệt và bị nhấn chìm trong sóng nước. Với những chiến công vang dội trong những lần chống quân Nguyên Mông cùng các chiến thuật về quân sự, tên tuổi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lừng lẫy khắp thế giới. Trước khi qua đời, Ngài đã trăn trối những lời tâm huyết: “Giặc cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp” và dặn thêm phải “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.

Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý tại Phủ Vạn Kiếp. Sau khi ông mất triều đình phong tặng là Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Tiết chế Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương. Nhân dân thương tiếc, kính trọng, tôn vinh ông là Đức Thánh Hưng Đạo Vương và lập đền thờ Đức Thánh Trần ở đền Kiếp Bạc và nhiều nơi trong cả nước. Vua Tự Đức có làm bài thơ ngự chế ca ngợi về chiến công của Trần Quốc Tuấn như sau: “Vì nước riêng quên mấy chuyện mình/ Gậy không, tay múa võ công thành/ Cuối cùng giặc Bắc kinh hồn chạy/ Vỏ kiếm rền vang báo ứng linh”.

THƠM QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trần Quốc Tuấn -  Vị tướng tài đức