Người thợ mộc tài hoa Vũ Xuân Ngôn

13/03/2023 11:36

Vang danh với nghề mộc truyền thống đã hơn 3 thế kỷ, những người thợ ở làng nghề Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) còn mang nghề đến khắp nơi.

Nối tiếp nghề truyền thống, những người thợ mộc tài hoa ở Đông Giao đã đưa tên tuổi làng nghề vang xa

"Vẩy mũi chàng nên hình long phượng"

Trong sách “Hải Dương phong vật phúc khảo thích”, Trần Đạm Trai viết: Vẩy mũi chàng nên hình long phượng/ Thợ Đông Giao mẫu dạng đâu hơn, để nói về tài năng của những người thợ ở làng nghề này.

Tương truyền, khi xây dựng kinh thành, các vua triều Nguyễn đã biết đến tay nghề của các thợ mộc Đông Giao nên cho vời vào Huế, trong đó có cụ Vũ Xuân Ngôn. Tài năng của những người thợ Đông Giao thời đó đã làm mê hoặc các vua triều Nguyễn. Xây dựng xong Kinh thành, do được mến mộ tài năng ở một miền đất mới, nhiều người ở lại Huế lập xóm và tiếp tục phát triển nghề truyền thống. Ở Huế hiện có xóm mộc Đông Tiến của người Đông Giao. Đông Tiến là tên 1 trong 3 thôn trước kia của xã Đông Giao thời Lê.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Giàng cho biết hiện không có tài liệu chính thống nào ghi chép về việc cụ Vũ Xuân Ngôn cùng các tốp thợ của Đông Giao vào xây dựng Kinh thành Huế. Câu chuyện chỉ được lưu truyền trong làng, trong xã. Tuy nhiên, câu chuyện trên có cơ sở khi trong suốt chiều dài lịch sử, những tốp thợ của Đông Giao mang nghề đi khắp nơi trong cả nước. Tài năng của họ đã được khẳng định, nổi tiếng khắp Việt Nam nên hoàn toàn tin rằng có thể họ được trưng dụng vào xây dựng kinh thành.

Dòng họ Vũ Xuân hiện khá phổ biến ở Đông Giao, trong đó có nhiều người thành danh với nghề mộc như ông Vũ Xuân Thép, Nghệ nhân Ưu tú, chủ Doanh nghiệp tư nhân mỹ nghệ Xuân Thép. Ông Thép là một trong những người sớm có cơ sở mỹ nghệ tại Đông Giao và luôn tự hào giữ vững, phát triển được nghề truyền thống mà các thế hệ trước để lại. Sản phẩm mộc mỹ nghệ của ông Thép được xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc...

Ông tổ nghề mộc Đông Giao

Tương truyền, nghề mộc ở làng Đông Giao có từ thế kỷ XVII. Ban đầu, sản phẩm làng nghề chủ yếu là ban thờ, nghi môn, hoành phi, câu đối… với các công đoạn hoàn toàn được làm thủ công. Nhưng hiện nay, mẫu mã các sản phẩm đã đa dạng hơn rất nhiều, nhiều công đoạn được làm bằng máy. Ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện những người thợ tài hoa của Đông Giao có nhiều mẫu mã mới như tượng Phật, tượng Di Lặc, Đạt Ma... Ngoài ra còn có các sản phẩm nội thất mỹ nghệ, con giống, tranh đục chạm hoa, lá, chim muông, thú vật... rất được khách hàng ưa chuộng. Điều đáng quý là nghề mộc đang kéo được rất nhiều thợ trẻ trở lại. Đây là lực lượng chính giúp làng nghề tiếp cận tốt với công nghệ để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và bảo vệ thương hiệu.

Ông Vũ Đình Cương, Trưởng thôn Đông Giao cho biết câu chuyện cụ Vũ Xuân Ngôn và nhóm thợ ở đây vào Huế xây dựng kinh thành không được ghi chép đầy đủ và vẫn có nhiều ý kiến khác nhau ở làng Đông Giao.

Tuy vậy, nhiều nguồn tài liệu đều nhắc đến việc cụ Vũ Xuân Ngôn từng tham gia xây dựng Kinh thành Huế. Phóng sự Cẩm Giàng văn hiến góc trời Đông trong chương trình Hành trình di sản của Đài Truyền hình Việt Nam cũng nhắc tới điều này. Theo đó, vào thế kỷ 18, cụ Vũ Xuân Ngôn, một nghệ nhân Đông Giao thành danh đã được nhà Nguyễn mời vào kinh đô để tham gia xây dựng cung điện. 

Hiện tại ở Đông Giao còn giữ được ngôi đình lớn, khởi dựng năm Vĩnh Hựu thứ tư (1738). Tại đây có một bia đá lớn được dựng năm 1738 ghi lại quá trình xây dựng đình và tên tuổi người công đức xây dựng. Trong đình có đôi long mã lớn, kích thước gần bằng ngựa thật do các nghệ nhân Đông Giao làm vào cuối thế kỷ XIX. Đôi long mã được chạm khắc công phu, cầu kỳ, thể hiện tài năng tuyệt vời của những nghệ nhân chạm khắc. Bên trái khán thờ là bàn thờ và tượng thờ cụ tổ làng nghề chạm khắc Vũ Xuân Ngôn. Cụ Ngôn được các dòng họ suy tôn làm tổ nghề của làng năm 1992, được tạc tượng thờ tại đình.

Việc xác định cụ Vũ Xuân Ngôn có tham gia xây dựng Kinh thành Huế cần được các cơ quan chức năng khảo cứu để bảo đảm tính chính xác, nếu đúng thì đó là niềm tự hào của người dân Đông Giao. Tuy vậy, với việc nhân dân suy tôn làm tổ nghề cho thấy các thế hệ người dân Đông Giao luôn trân trọng lưu giữ và phát triển nghề truyền thống.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thợ mộc tài hoa Vũ Xuân Ngôn