Quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" không còn phù hợp

17/11/2019 07:16

Tôi tham dự một lớp tập huấn công tác truyền thông về bình đẳng giới do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh cách đây vài tháng.

Trong số các tài liệu do Ban tổ chức phát cho các học viên, tôi chú ý đến một bài thơ vui, dân dã, không rõ tác giả, có tựa đề "Thơ ngày phụ nữ". 

Bài thơ này được nhiều người ngâm nga mỗi khi đến Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 hoặc Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3. Nội dung bài thơ nói tới việc hoán đổi công việc thông thường của người chồng và người vợ trong 1 ngày.

Người chồng rửa bát, quét nhà, giặt là, đi chợ, nấu ăn, khâu vá, chăm con. Người vợ được ngồi ngắm hoa, ca hát, làm đẹp, đọc báo, ăn uống, xem bóng đá. Kết thúc bài thơ là 4 câu: "Hết một ngày em ơi/ 24 giờ thôi nhé/ Một ngày anh làm vợ/ Một ngày em làm chồng". 

Đọc xong bài thơ, tôi vừa cười, vừa ngậm ngùi. Cười vì thấy hình ảnh đổi vai của người chồng và người vợ thật ngộ nghĩnh. Song ngậm ngùi vì kết cục trong bài thơ ấy người vợ chỉ được vui sướng trong một ngày, còn hầu hết các ngày khác trong năm họ trở về với công việc quen thuộc hằng ngày là làm việc nhà, chăm con.

Trong xã hội truyền thống tồn tại một quan niệm phổ biến "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Nhiều người cho rằng đàn ông là trụ cột gia đình, phải làm công to, việc lớn như kiếm tiền để nuôi cả nhà, xây nhà. Còn nhiệm vụ của phụ nữ là làm việc nhà, chăm con, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đàn ông mà đi làm việc nhà, trông con thì bị coi là đàn ông "mặc váy".

Đàn bà mà là trụ cột gia đình, đi kiếm tiền, thành đạt ngoài xã hội dễ bị cho là lấn chồng, thiếu nữ tính, không phù hợp với thiên chức người vợ, người mẹ. Vì định kiến giới như vậy nên ở nhiều gia đình thường thấy cảnh đàn ông đi làm về thì xem ti vi, lướt web, ngồi chơi, còn đàn bà thì đầu tắt mặt tối để dọn dẹp, nấu ăn, trông con.

Quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" bắt nguồn từ quan niệm trọng nam, khinh nữ, coi đàn ông là chủ gia đình, còn người vợ chỉ là thứ yếu. Chế độ phong kiến ngày trước yêu cầu phụ nữ phải "tam tòng, tứ đức". Lúc còn nhỏ, người phụ nữ phải theo cha, lấy chồng theo chồng, nếu chồng chết theo con. Quan niệm phiến diện, thiên lệch này còn tồn tại cho đến ngày nay, thể hiện sự phân biệt đối xử với phụ nữ, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ bạo lực gia đình.

Tại sao chỉ đàn bà xây tổ ấm, mà đàn ông thì không? Luật Bình đẳng giới đưa ra định nghĩa: "Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó".

Như vậy, nam giới cũng cần có trách nhiệm "xây tổ ấm", còn người phụ nữ cũng cần có trách nhiệm "xây nhà". Không ai có đặc quyền và nghĩa vụ chỉ làm cái này mà không làm cái kia. Mỗi người đều phải cùng nhau "xây nhà" và "xây tổ ấm". 

Không ít người hiểu sai rằng bình đẳng giới là sự hoán đổi vai trò, vị trí của phụ nữ với nam giới và ngược lại, là cố gắng đạt tỷ lệ 50/50 trong mọi lĩnh vực giữa 2 giới.

Chúng ta cần hiểu đúng về bình đẳng giới có nghĩa là cần tạo cơ hội như nhau cho nam giới và phụ nữ ngay từ khi được sinh ra, tạo điều kiện cho phụ nữ bù đắp những khoảng trống, bất lợi do đặc điểm giới tính và quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ gây ra.

Thực tế cuộc sống cho thấy nhiều phụ nữ tích cực kiếm tiền, cùng chồng gánh vác những việc lớn của gia đình, còn nhiều "đấng mày râu" đã quan tâm chia sẻ cùng vợ các công việc gia đình như chăm sóc, nuôi dạy con cái, làm việc nhà... Đây là những sự tiến bộ, thể hiện quan niệm đúng đắn về bình đẳng giới. 

MINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" không còn phù hợp