Nhớ ngày Giỗ Tổ

02/04/2020 09:00

Hiếm có dân tộc nào mà người dân trên mọi miền Tổ quốc và kiều bào làm ăn sinh sống ở nước ngoài cùng hướng về một ngày Quốc giỗ như dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam trải qua bao thăng trầm, biến thiên lịch sử nhưng luôn trọng nghĩa, trọng tình, lấy chữ “hiếu” làm thước đo phẩm giá. Vì lẽ đó nghi lễ thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phong tục từ nghìn đời nay. “Con người có tổ, có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Câu ca ấy truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như mạch nguồn của quá khứ kết nối hiện tại và tương lai, là bài học sâu sắc về đạo lý làm người, là lời nhắn nhủ tâm tình thủy chung, son sắt. Đã là con dân đất Việt, dù đi đâu, làm đâu, hằng năm cứ đến ngày mùng mười tháng ba là ai ai cũng “cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”. Cái cúi đầu ấy chất chứa bao niềm thương nỗi nhớ, là sự tri ân thành kính, hướng về. Kính trọng, biết ơn tổ tiên mình cũng chính là cách bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước. Để từ đó, tim ta vang lên niềm tự hào về giống nòi, nguồn cội.

Hiếm có dân tộc nào mà người dân trên mọi miền Tổ quốc và kiều bào làm ăn sinh sống ở nước ngoài cùng hướng về một ngày Quốc giỗ như dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào và vinh dự lớn không chỉ của người dân miền đất Tổ mà còn là của cả dân tộc ta. Thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện tình cảm, lòng biết ơn và sự tri ân công đức các Vua Hùng - những vị vua đầu tiên của dân tộc có công khai quốc, sinh dân; là sợi dây vô hình bền chặt liên kết tinh thần người Việt, kết nối cộng đồng dân tộc. Chính sự kết nối đó đã tạo nên khối đại đoàn kết vững bền để nhân dân ta vượt qua muôn vàn gian nan thử thách trong hành trình dựng nước và giữ nước. Thờ cúng Hùng Vương luôn là niềm tin thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân đất Việt. 

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng mùng mười tháng ba hằng năm trở thành ngày hội lớn của cả dân tộc Việt Nam, là dịp để đồng bào trong và ngoài nước nhắc nhớ về nguồn cội, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Mọi trái tim chung dòng máu Lạc Hồng dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp. Đó cũng là ngày để những người dân Việt Nam thấm thía hơn về giá trị của sự bình yên và hạnh phúc hôm nay có được chính là nhờ sự vun đắp không ngừng nghỉ của các thế hệ cha ông suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm đầy sóng gió. Tổ tiên chúng ta đã kiên cường vượt qua bao thử thách, đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và máu xương để chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên, khai hoang mở cõi, để xây dựng quốc gia ngày một hùng cường.

Từ bao đời nay, Đền Hùng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh uy nghi - nơi cội nguồn của dân tộc đã trở thành biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó dân tộc Việt Nam để đến ngày Quốc giỗ, người người lại thành kính bái vọng, hành hương trở về quê cha đất Tổ. Trở về để dâng nén nhang thơm, cúi đầu tưởng nhớ. Trở về để được sống trong bầu không khí linh thiêng, bay bổng của huyền thoại “trăm trứng diệu kỳ”. Lịch sử dân tộc được nối dài vô tận, từ thuở khai thiên, lập địa của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, tiếp nối là quá trình dựng nước của các vua Hùng và biết bao thế hệ kế tục. Những huyền thoại, truyền thuyết đó vừa biểu thị cho tinh thần đoàn kết một lòng của những con người sống trên dải đất hình chữ “S”, vừa khơi dậy trong ta niềm tự hào về nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên”. Điều thiêng liêng nhất từ cội nguồn ấy chính là tinh thần đoàn kết, là vẻ đẹp của văn hóa và truyền thống yêu nước như một mạch nguồn xuyên suốt nghìn năm.

Hướng về ngày Quốc giỗ của dân tộc với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tổ tiên mãi mãi là tinh thần cao đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, thắp sáng trong trái tim mỗi chúng ta ngọn lửa ấm áp yêu thương. Đó là ngọn lửa của truyền thống văn hóa, là ánh sáng của đạo lý dân tộc bền bỉ như nếp nhà luôn được giữ gìn, vun đắp, dựng xây. Thế hệ trước truyền dạy lại cho thế hệ sau những giá trị cội nguồn để không ai được phép vô tình, vô ơn, phủ nhận hay quay lưng với quá khứ. 

Hướng về nguồn cội là tình yêu cao đẹp, nặng sâu giúp ta hình thành lẽ sống và niềm tin. Tinh thần đoàn kết thôi thúc chúng ta hành động: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà hãy hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Đó là ý thức trách nhiệm, là nghĩa vụ cao cả và thiêng liêng.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ ngày Giỗ Tổ