Đừng đô thị hóa nông thôn

19/01/2021 08:14

Xây dựng nông thôn mới được coi là giải pháp để hướng nông thôn tránh những tiêu cực của đô thị hóa. Song nếu hiểu không đúng bản chất thì xây dựng nông thôn mới lại thành đô thị hóa nông thôn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được ví như một cuộc cách mạng làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao là thành quả to lớn nhất mà phong trào NTM mang lại. Song đòi hỏi của con người là vô hạn bởi khi đạt được mục tiêu thì lại hướng tới những nhu cầu lớn hơn. Chính vì thế, sau NTM, các địa phương tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với những tiêu chí sau cao hơn, khó hơn tiêu chí trước. Và ở khía cạnh nào đó, khu vực nông thôn đang đặt nặng nhiều tiêu chí phát triển theo hướng đô thị hóa (ĐTH).

Đến nay, Hải Dương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Còn trong NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, dù ít được hỗ trợ nhưng nhiều xã đã “tự vận động” để cán đích. Hết năm 2020, tỉnh có 22 xã NTM nâng cao và 3 xã NTM kiểu mẫu. Đây là những điểm sáng trong bức tranh NTM của tỉnh, là điểm tựa để thôi thúc các địa phương khác tiếp tục kiên định mục tiêu trên con đường xây dựng NTM. Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào thì cách làm của một số nơi cũng đáng phải suy ngẫm. Hiểu nôm na, xây dựng NTM là làm mới diện mạo nông thôn song không có nghĩa phá bỏ hoàn toàn cái cũ để gây dựng cái mới. Nông thôn có thể khang trang hơn, hiện đại hơn song vẫn phải giữ được hồn cốt của làng quê. Mặc dù vậy, một số nơi khi thực hiện NTM lại quá chú trọng về hạ tầng mà bỏ quên những giá trị cốt lõi. Từ đó tạo ra sự nhập nhằng trong định hướng phát triển ở nông thôn là đang xây dựng NTM hay ĐTH nông thôn?

Xây dựng NTM, nhiều làng quê đường sá to đẹp hơn, đi lại thuận tiện hơn nhưng có nhất thiết đường giao thông của NTM nâng cao phải to hơn đường NTM và đường NTM kiểu mẫu phải rộng hơn NTM nâng cao trong khi nhu cầu sử dụng thì vẫn thế. Và để tạo nguồn thực hiện tiêu chí đó, nhiều mảnh ruộng tốt tươi sẽ biến thành dự án công nghiệp hay khu dân cư. Từ một ví dụ cụ thể này có thể thấy nông thôn với hình ảnh làng quê xanh đang dần đổi thay. Không thể phủ nhận có những thay đổi là tích cực khi người dân được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thu hẹp dần. Song đổi lại người dân phải hứng chịu ô nhiễm môi trường, mất ổn định về an ninh trật tự… Và mối gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm là đặc trưng của làng quê được gây dựng bao đời cũng nhạt nhòa dần bởi nhà ai cũng kín cổng, cao tường.

Trước sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì khu vực nông thôn không nằm ngoài quỹ đạo của ĐTH. Dù vậy, cần có sự can thiệp, định hướng và không thực hiện theo kiểu đốt cháy giai đoạn như lấp ao, cắt đất ruộng để xây dựng hạ tầng. Phải xây dựng nông thôn có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại và phải thật sự có tiềm lực chứ không phải là những “váng nổi” nhất thời. Xây dựng NTM được coi là giải pháp để hướng nông thôn tránh những tiêu cực của ĐTH. Song nếu hiểu không đúng bản chất thì xây dựng NTM lại thành ĐTH nông thôn.

Trở lại với thực tế phát triển nông thôn ở Hải Dương, tại nhiều cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng đều nhấn mạnh thời gian tới tỉnh xây dựng NTM theo hướng người dân nông thôn có chất lượng sống và hưởng thành quả giống như đô thị nhưng không phải là đô thị. Cảnh quan, kiến trúc nông thôn phải phù hợp, không ĐTH nông thôn. Hiện quá trình xây dựng NTM đã bước sang giai đoạn mới, các địa phương cần căn cứ vào định hướng chung của tỉnh để xác định kế hoạch phát triển hợp lý. Không vì nôn nóng đạt thành tích mà phá vỡ điều kiện tự nhiên, cần khai thác nền tảng vốn có để tạo sức mạnh nội lực. Có như vậy dù xây dựng NTM hay ĐTH nông thôn thì nông thôn vẫn phát triển bền vững hòa quyện được giữa văn minh, hiện đại với hồn quê, chất quê.

HOÀNG LINH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng đô thị hóa nông thôn