Đến bên người bệnh

08/02/2020 18:08

Chẳng ai muốn đối mặt với dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao lại chưa có thuốc đặc trị. Nhưng như mệnh lệnh từ trái tim, họ "nhào tới" thật gần để chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Thông tin bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang, 34 tuổi), một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV gây ra ở Vũ Hán (Trung Quốc), qua đời bởi chính căn bệnh này khiến không ít người ngậm ngùi.

Bất ngờ là bởi từ cuối tháng 12.2019, từ việc thăm khám cho một số bệnh nhân nhiễm virus gây bệnh viêm phổi, ông từng cố gắng đưa ra cảnh báo cho cộng đồng về loại virus mới này - nCoV.

Ông qua đời sau gần một tháng phát bệnh, bỏ lại con thơ cùng người vợ đang mang thai. Trước đó, một bác sĩ trẻ khác đột ngột qua đời sau 10 ngày làm việc tại tuyến đầu đối phó nCoV.

Chưa hết, từ hai câu chuyện này, khi nhìn vào tâm điểm Vũ Hán, chúng ta còn thấy hình ảnh nữ nhân viên y tế phải cắt bỏ mái tóc dài đen nhánh để đeo đồ bảo hộ chăm sóc người nhiễm nCoV, là gương mặt của một y tá Bệnh viện Trung Nam (Đại học Vũ Hán) bị hằn sâu bởi đeo đồ bảo hộ, hay đôi tay sưng phồng sau một ngày dài làm việc căng thẳng.

Ở đó, trong bộ đồ bảo hộ, các nhân viên y tế ngủ ngay trên sàn nhà, chợp mắt trên ghế làm việc để lấy sức tiếp tục chiến đấu với nCoV. Và, dù cho phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, họ vẫn lạc quan dấn thân cứu người trong dịch bệnh nCoVđe dọa.

Còn ở Việt Nam, dù không trầm trọng như Vũ Hán nhưng sự hi sinh của các nhân viên y tế vẫn thầm lặng như thế.

Kể từ ngày 22.1 (tức 28 Tết), khi hai ca bệnh đầu tiên được xác định dương tính với nCoV, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy cùng nhiều bệnh viện khác trong cả nước xem như "mất Tết". Tất cả bước vào "cuộc chiến" mà không thể lường định các hậu quả (nếu có) đến với mình.

Chẳng ai muốn đối mặt với dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao lại chưa có thuốc đặc trị. Nhưng như mệnh lệnh từ trái tim, họ "nhào tới" thật gần để chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Bước vào phòng cách ly đặc biệt, trước mặt họ là sinh mạng của người bệnh, sau lưng họ là gia đình, là vợ trẻ, con thơ. Hơn ai hết, chính các bác sĩ biết rõ người bệnh cần gì, mỗi giây trôi qua, thông tin về các ca bệnh qua đời bởi nCoVlại làm trái tim họ quặn thắt.

"Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh", câu nói của bác sĩ Carlo Urbani khi đại diện cho Tổ chức Thầy thuốc không biên giới lên nhận giải Nobel hòa bình năm 1999 như khắc sâu vào trái tim, trở thành triết lý hành động cho tất cả những người đang khoác trên mình tấm áo choàng trắng cứu người.

Và chính câu nói ấy, 17 năm trước đã đưa ông đến với Hà Nội, để rồi cùng nắm chặt tay từng nhân viên y tế, đến bên từng giường bệnh an ủi từng bệnh nhân vượt qua cơn đại dịch SARS-CoV nguy hiểm.

"Thật ra, ông ấy hoàn toàn có quyền từ chối trách nhiệm. Nhưng thay vì từ bỏ công việc để trở về nhà an toàn, ông lại chọn phòng bệnh ở Bệnh viện Việt Pháp làm nơi cư trú" - lời của bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) nhớ lại hình ảnh của bác sĩ anh hùng Carlo Urbani.

17 năm trước với SARS-CoV, bác sĩ Carlo Urbani đã chết để nhân loại được sống. Và hôm nay với dịch nCoV, những thiên thần blouse trắng luôn đến bên người bệnh, làm hết sức mình để cứu sống người bệnh. Vì vậy, thay vì hoang mang, sợ hãi, hãy tin rằng một ngày rất gần, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.

HOÀNG LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đến bên người bệnh