Thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ

22/09/2022 16:04

Về bổ nhiệm cán bộ ứng cử, các cấp ủy Đảng đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái 180.516 lượt cán bộ.


Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Sáng 22.9, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Quy định 80-QĐ/TW, thông báo Kết luận 20-TB/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW về hướng dẫn điểm 3 của Thông báo số 20-TB/TW.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính Ban Tổ chức Trung ương đến hơn 60 điểm cầu, gồm các Đảng ủy Khối và Ban Tổ chức các tỉnh, thành ủy trên cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đồng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đã quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung của Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18.8.2022 của Bộ Chính trị "về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử;" Thông báo số 20-TB/TW ngày 8.9.2022 "Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật."

Theo Phó Trưởng ban Mai Văn Chính, tổng kết Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19.12.2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Bộ Chính trị đánh giá, qua 5 năm tổ chức thực hiện, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.

Về phân cấp, quản lý cán bộ, các địa phương, cơ quan đơn vị hầu hết đã ban hành quy định, quy chế hướng dẫn cụ thể việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo phạm vi được phân công. Về bổ nhiệm cán bộ ứng cử, các cấp ủy Đảng đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái 180.516 lượt cán bộ; trong có 6.003 lượt cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Việc thực hiện Quy định số 105-QĐ/TW tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, góp phần quan trọng vào công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trước mắt cũng như lâu dài… Bên cạnh ưu điểm, Bộ Chính trị cũng nêu lên những hạn chế, bất cập và nguyên nhân chủ yếu.

Từ những đánh giá việc thực hiện Quy định số 105-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 80-QĐ/TW trên cơ sở kế thừa nhiều nội dung còn phù hợp của Quy định số 105-QĐ/TW và bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Quy định số 80-QĐ/TW gồm 6 chương, 34 điều và 3 phụ lục. So với Quy định số 105-QĐ/TW, Quy định số 80-QĐ/TW có những yêu cầu mới về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn.

Theo Phó Trưởng ban Mai Văn Chính, việc ban hành Quy định số 80-QĐ/TW sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm, để từ đó lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Với Thông báo số 20-TB/TW, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã làm rõ chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, tập trung vào các nội dung như việc giải quyết cho cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác; cán bộ có nguyện vọng tiếp tục công tác sau khi bị kỷ luật.

Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy bày tỏ sự tán thành, đánh giá cao việc Trung ương, Bộ Chính trị ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, cũng như chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Đây là những văn bản rất quan trọng của Đảng về công tác cán bộ, là cơ sở để các địa phương cụ thể hóa trong quản lý, bổ nhiệm cán bộ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định khâu đột phá đầu tiên đó là hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức cán bộ.

Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Đảng đã ban hành nhiều văn bản rất quan trọng liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, như Kết luận số 08-KL/TW của Bộ Chính trị về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50-QĐ/TW của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 58-QĐ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ; Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương; Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển và mới đây nhất là Quy định số 80-QĐ/TW, Thông báo số 20-TB/TW.

Khẳng định đây là những văn bản rất quan trọng, tạo nên sự đồng bộ, kết nối chặt chẽ với nhau trong từng khâu của công tác cán bộ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương, đơn vị, cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, quán triệt, nghiên cứu kỹ và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản này.

Việc tổ chức thực hiện nghiêm là cơ sở đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ, đồng thời khắc phục tình trạng cán bộ vừa mới được bổ nhiệm đã vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, hay việc lạm quyền trong sắp xếp, bổ nhiệm người thân, người nhà, người không đủ tiêu chuẩn điều kiện vào trong các vị trí lãnh đạo quản lý không đúng quy định của Đảng, gây dư luận bức xúc, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ