Giới công thương xưa và nay

03/09/2022 15:00

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giới công thương, đội ngũ doanh nhân.


Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát ngày càng phát triển, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động

Người đặt niềm tin, sự kỳ vọng và trọng trách lớn lao vào lực lượng này. Không phụ niềm tin của Bác, giới doanh nhân Hải Dương luôn nỗ lực vươn lên điều hành doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Đóng góp tích cực

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời mới thành lập gặp vô vàn khó khăn. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ tài chính, trong đó có Sắc lệnh 4/SL ngày 4.9.1945 xây dựng “Quỹ Độc lập”, tổ chức “Tuần lễ Vàng” (từ ngày 17-29.9.1945) để động viên người dân góp tiền của ủng hộ Chính phủ. Hưởng ứng phong trào này, nhân dân Hải Dương, trong đó có các thương nhân đã tích cực tham gia. 

Lịch sử Đảng bộ tỉnh ghi, riêng "Tuần lễ Vàng", nhân dân Hải Dương đã ủng hộ Chính phủ hàng trăm lạng vàng, bạc, hàng vạn đồng tiền Đông Dương. Các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Kinh Môn, Bình Giang và thị xã Hải Dương quyên góp ủng hộ Chính phủ 216 lạng vàng, 711 lạng bạc, 5 tấn đồng và 33 vạn tiền Đông Dương. Những đóng góp này đã góp phần cùng nhân dân cả nước xây dựng chính quyền non trẻ. 

Sau ngày Quốc khánh 2.9, giới doanh nhân cũng là giới chức xã hội đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Ngày 13.10.1945, Bác đã viết thư động viên, khẳng định vai trò, sứ mệnh của giới doanh nhân. Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng…”.      

Đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Người, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ở Hải Dương không ngừng phát triển, đóng góp tích cực cho nguồn thu của tỉnh. Lịch sử ngành tài chính Hải Dương ghi lại, năm 1960 thu ngân sách tỉnh đạt hơn 20,3 triệu đồng, tăng hơn 78% so với năm 1955, trong đó nguồn thu từ thuế công thương tăng 54%.         

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nguồn thu từ thuế quốc doanh, kinh tế tập thể, cá thể, các xí nghiệp cũng đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Năm 1975, thu thuế từ xí nghiệp đạt hơn 29,7 triệu đồng, tăng 2,7 lần so với năm 1968. Giai đoạn 1986-1996, kinh tế quốc doanh đóng góp nguồn thu ngân sách địa phương từ 60-68%. Trong đó, Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch liên tục đóng góp từ 30-40%. 

Nỗ lực vươn lên

Từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh liên tục phát triển, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Không chỉ là điển hình trong giai đoạn sau đổi mới, hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch vẫn nằm trong top những doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh, là 1 trong 7 doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách tỉnh. Tổng doanh thu năm 2021 của công ty đạt hơn 4.600 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 280 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước gần 300 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch năm. Từ đầu năm 2022 đến ngày 29.6, công ty nộp ngân sách 98,4 tỷ đồng.

Bên cạnh những doanh nghiệp nhà nước, hiện nay trong tỉnh còn có sự đóng góp lớn của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Thành lập công ty sau nhiều năm làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, chị Hà Hương, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát (TP Hải Dương) đã từng bước xây dựng doanh nghiệp mình phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Từ doanh nghiệp chuyên sản xuất trang phục bảo hộ lao động với quy mô nhỏ, đến nay, công ty liên kết với các doanh nghiệp khác để mở rộng sản xuất, xây dựng nhiều cơ sở sản xuất đồ bộ bảo hộ lao động. Công ty đang cung cấp sản phẩm cho hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và hướng tới mục tiêu mở rộng xuất khẩu đi các nước. Theo chia sẻ của chị Hà Hương, nhờ liên tục đổi mới sản phẩm, tìm hướng đi, mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp vượt qua được nhiều giai đoạn khó khăn và ngày càng phát triển hơn.

Với ý chí vươn lên, khẳng định vị thế của doanh nghiệp, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ xây dựng Vũ Gia (Thanh Hà) đã đi lên từ hộ kinh doanh sản xuất và phân phối sản phẩm trụ cầu thang. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, công ty đã xây dựng được thương hiệu phụ kiện phòng tắm mang thương hiệu KDS.

Không chỉ nỗ lực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển doanh nghiệp, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh còn là lực lượng nòng cốt đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống dịch bệnh...

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh, từ ngày 23.3.2020 đến hết năm 2021 đã có 1.579 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ Quỹ “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19" với tổng số tiền trên 117,2 tỷ đồng. Đối với nguồn ủng hộ mua vaccine phòng dịch Covid-19, toàn tỉnh tiếp nhận tổng số tiền trên 109,2 tỷ đồng. Trong số này, các doanh nghiệp đóng góp phần lớn, trong đó có những doanh nghiệp đóng góp 2-3 lần với tổng số tiền lên tới vài chục tỷ đồng. 

Từ ngày 24.5-20.7.2022, toàn tỉnh cũng đã có hàng chục doanh nghiệp ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" cấp tỉnh với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Từ năm 2017-2021, Hội Nữ doanh nhân tỉnh tặng 3.318 suất quà cho người nghèo dịp Tết Nguyên đán; nhận đỡ đầu 45 trẻ mồ côi với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh đã đóng góp 2,2 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện, vì an sinh xã hội...   

Hiện toàn tỉnh có gần 16.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký khoảng 242.000 tỷ đồng. 

PHAN ANH

(0) Bình luận
Giới công thương xưa và nay