EVN đề xuất khung giá cho điện gió, mặt trời chuyển tiếp

21/11/2022 21:30

Theo phương án đề xuất của EVN, giá phát với điện mặt trời chuyển tiếp gần 1.188-1.570 đồng một kWh, còn điện gió khoảng 1.591-1.945 đồng, tuỳ loại hình.

Khung giá phát điện với các dự án mặt trời, gió chuyển tiếp vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công Thương. Các phương án này được tính toán trên cơ sở dữ liệu báo cáo từ 208 dự án tới ngày 16.11, trong đó 99 dự án điện mặt trời và 109 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán với tập đoàn này.

EVN đưa ra bốn phương án tính toán dựa trên số liệu đầu vào theo cung cấp của các chủ đầu tư dự án, như suất đầu tư; tỷ lệ vốn vay ngoại tệ/nội tệ; lãi suất vốn vay nội, ngoại tệ; thuế thu nhập doanh nghiệp và điện năng giao nhận bình quân của các dự án.

Ở phương án 1, giá phát điện với nhà máy điện mặt trời mặt đất bình quân khoảng 1.482,74 đồng một kWh; điện mặt trời nổi 1.740,84 đồng một kWh; điện gió trên bờ 1.590,88 đồng, còn trên biển 1.971,12 đồng mỗi kWh.

Phương án 2, giá điện mặt trời mặt đất khoảng 1.508,39 đồng một kWh; điện mặt trời nổi 1.569,83 đồng; điện gió trên bờ 1.597,55 đồng và trên biển là 1.944,91 đồng.

Phương án 3, giá điện mặt trời mặt đất tương đương phương án 2; còn giá điện gió (trên bờ, trên biển) cao hơn, lần lượt là 1.630,21 đồng và 1.973,99 đồng mỗi kWh. Cuối cùng, phương án 4 được EVN tính cho Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và 3, lần lượt là 1.187,96 đồng và 1.251,66 đồng mỗi kWh.

Trên cơ sở này, EVN kiến nghị áp dụng khung giá phát điện của từng loại hình là mức thấp nhất trong các kết quả tính toán của bốn phương án trên. Cụ thể, giá điện mặt trời mặt đất là 1.187,96 đồng; điện mặt trời nổi 1.569,83 đồng một kWh. Khung giá phát điện với dự án điện gió trên bờ là 1.590,88 đồng và trên biển là 1.944,91 đồng một kWh.

Một dự án tại Ninh Thuận không kịp vận hành thương mại (COD) trước 1.11.2021

Tập đoàn này cho rằng, số liệu báo cáo được sử dụng để tính toán do các chủ đầu tư dự án cung cấp và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ; các thông số tính toán chỉ là giả thiết của EVN và cần được thẩm tra, quyết định bởi Bộ Công Thương.

EVN cho rằng, do yêu cầu khẩn của Bộ Công Thương nên tập đoàn này không có đủ thời gian thuê tư vấn độc lập để tính toán khung giá làm cơ sở để trình cơ quan quản lý. EVN đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục sử dụng các chuyên gia độc lập hoặc Hội đồng tư vấn theo quy định để nghiên cứu kỹ các tính toán và đề xuất của tập đoàn này trước khi quyết định phê duyệt làm cơ sở cho việc xác định giá điện thông qua cơ chế cạnh tranh/đấu giá.

Theo thống kê của EVN, hiện số dự án điện gió, mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió.

Giá FIT ưu đãi 20 năm với dự án điện mặt trời là 9,35 cent một kWh (khoảng 2.200 đồng một kWh) và 7,09-8,38 cent (1.644-1.943 đồng) một kWh; dự án điện gió là 8,35-9,8 cent (1.927-2.223 đồng) một kWh. Nhưng các chính sách này hiện đã hết ưu đãi từ 1/11/2021.

Hiện có 5 dự án hoặc phần dự án điện mặt trời công suất hơn 452 MW đang chờ xác định giá điện và 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 3.480 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Ngoài ra còn một số dự án đang đầu tư, triển khai dở dang đang chờ cơ chế, giá chuyển tiếp.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
EVN đề xuất khung giá cho điện gió, mặt trời chuyển tiếp