Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, xây dựng Chính phủ điện tử

28/01/2021 14:00

Việc phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ nhằm chuyển đổi số hóa quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số là những vấn đề quan trọng cần đầu tư trong thời gian tới.


Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày tham luận

Tiếp tục chương trình làm việc Đại hội XIII của Đảng, sáng 28.1, các đại biểu thảo luận về các dự thảo văn kiện.

Tham luận tại Đại hội, đại biểu Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ và đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đều cho rằng việc phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ nhằm chuyển đổi số hóa quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số là những vấn đề quan trọng cần đầu tư trong thời gian tới.

Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định khoa học và công nghệ Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế.

Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2020; trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia.

Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được nhanh chóng tiếp thu, thúc đẩy ứng dụng trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Trình độ công nghệ của nền sản xuất được cải thiện và nâng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị, giúp nâng cao rõ rệt chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho người dân và xã hội.

Việt Nam nằm trong tốp 3 nước ASEAN và 43 nước trên thế giới tự sản xuất được vắcxin, rất thành công trong công tác phòng ngừa và thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; làm chủ được các kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại ở trình độ cao như ghép tạng và đa tạng, thụ tinh nhân tạo, ứng dụng tế bào gốc và kỹ thuật sinh học phân tử...

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, chúng ta đã kịp thời đặt hàng nghiên cứu, phát triển kit xét nghiệm nhanh, hỗ trợ truy vết người tiếp xúc, thiết kế, sản xuất robot, máy thở, phác đồ điều trị và kháng thể đơn dòng để sản xuất thuốc đặc hiệu điều trị COVID-19.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Với mục tiêu này, việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới.

Bởi vậy, trong giai đoạn tới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế-xã hội, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh...

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao...

Chuyển đổi số hóa quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số

Tại Đại hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Phat trien manh me khoa hoc, cong nghe, xay dung Chinh phu dien tu hinh anh 2
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trình bày tham luận

Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Thông tin và Truyền thông định hướng phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam, từ đó đi ra thế giới.

Mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số “Make in Viet Nam” sẽ có khả năng đi ra toàn cầu để chiếm lĩnh những không gian mới.

Tuy nhiên, nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số.

An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của chuyển đổi số.

Ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc an toàn, an ninh mạng với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Với năng lực làm chủ tới hơn 90% hệ sinh thái vào năm 2020, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào và tin tưởng rằng hệ sinh thái Make in Viet Nam sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng và cùng với các nền tảng số Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Công nghiệp an toàn, an ninh mạng nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước, doanh số tăng trưởng 25-30%/năm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nền một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm.

Chương trình Make in Viet Nam, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công, lắp ráp sẽ tập trung làm sản phẩm.

Trong thời gian tới, ngành thông tin và truyền thông sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số mọi mặt kinh tế-xã hội trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Lĩnh vực thông tin và truyền thông tạo nền móng cho chuyển đổi số, phát triển đồng bộ cả ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, xây dựng Chính phủ điện tử