Diện mạo mới ở những vùng quê cách mạng

03/02/2023 13:26

Sau bao năm phát huy truyền thống, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, những vùng quê cách mạng xưa đã "thay da đổi thịt".


Nhiều năm nay, nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Tứ Kỳ trở thành điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương

Khang trang

Mỗi sáng, ông Lê Văn Bẩy (72 tuổi đời, 43 năm tuổi Đảng, ở thôn Đầu Bến, xã Hợp Tiến, Nam Sách) đều đi tập thể dục trên một số trục đường liên xã, liên thôn. Những bước chân của ông khoan thai, tinh thần thư thái vì các trục đường của địa phương giờ đều rộng rãi, gọn gàng, sạch sẽ. "Làng quê giờ khác xưa nhiều quá. Vui nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân thay đổi mạnh mẽ. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được làm bằng máy. Máy cấy, máy gặt, phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái được đưa vào giải phóng sức lao động cho nông dân", ông Bẩy phấn khởi nói.

Đúng như lời ông Bẩy nói, hiện nay, xã Hợp Tiến đang "thay da đổi thịt" từng ngày. Cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đồng lòng phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Trong năm 2022, giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp của xã đạt 155 triệu đồng. Cả 3 trường giữ vững và nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia. Địa phương có 94,7% số gia đình đạt danh hiệu văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,42%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55,6 triệu đồng/năm. 

Đồng chí Lê Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến thông tin: "Qua kiểm tra của cấp trên, xã hiện đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới nâng cao. Tới đây, xã cùng nhân dân tiếp tục mở rộng thêm 4 tuyến đường ở các thôn để phục vụ nhu cầu sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân".  

Những năm qua, xã Thái Học (Bình Giang) cũng có sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội. Xã đã khai thác tốt vị trí địa lý thuận lợi, truyền thống lịch sử, văn hóa, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Theo lãnh đạo xã Thái Học, năm 2022 tổng thu nhập xã hội của địa phương đạt 803,6 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2021). Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 72,3 triệu đồng/người/năm. Cả 5 thôn đều giữ vững danh hiệu làng văn hoá, làng sức khoẻ, khu dân cư tiên tiến. Có 97,6% số hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá". Các nhà trường đều giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Đồng chí Mai Quốc Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thái Học cho biết xã đã đạt nông thôn mới và đang tập trung nguồn lực để xây dựng đạt chuẩn đô thị loại V.  


Bộ mặt nông thôn của xã Hợp Tiến ngày một khang trang, sạch đẹp

Giáo dục truyền thống cách mạng

Các vùng quê có được sức bật như ngày nay có sự "tiếp lửa" từ truyền thống cách mạng sục sôi của các thế hệ đi trước. Các "địa chỉ đỏ" đều được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị. 

Xã Hợp Tiến tự hào là nơi thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Hải Dương và Phủ uỷ Nam Sách. Tại đây ngày 19.5.1940, Liên tỉnh B ra quyết định thành lập Chi bộ Đảng tại Nghè Bến, xã Tạ Xá (nay là thôn Đầu Bến, xã Hợp Tiến). Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới, ngày 10.6.1940, tại nhà cụ Thạnh, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Hải Dương được thành lập. Tiếp đến, ngày 20.7.1940, Tỉnh uỷ lâm thời lần thứ nhất đã họp và quyết định thành lập Phủ uỷ Nam Sách. Nhiều năm nay, nơi đây không chỉ trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ huyện Nam Sách mà còn là điểm tham quan, tìm hiểu truyền thống Đảng bộ tỉnh của nhiều lớp đảng viên và nhân dân.

Ngày 20.7.1946, tại thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, chi bộ đảng đầu tiên tiền thân của Đảng bộ huyện Cẩm Giàng ngày nay được thành lập. Nhiều năm nay, huyện đã xây dựng khu tưởng niệm tại khu vực thành lập với diện tích khoảng 300 m2 gồm các hạng mục nhà bia, nơi thời tự, nhà khách, tường bao và nhiều phần phụ trợ khác. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, thời gian tới huyện sẽ mở rộng khu di tích lên 2.000 m2 và xây dựng nhiều hạng mục khác. Hằng năm, huyện cấp kinh phí cho xã và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cho di tích. "Vào các ngày lễ, Tết, nhất là vào các ngày thành lập: Đảng 3.2, Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12, chi bộ và sự kiện lớn của địa phương, huyện đều tổ chức dâng hương tưởng niệm. Các tổ chức đoàn, nhà trường của huyện cũng coi nơi đây là địa điểm giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ", đồng chí Phạm Đăng Trọng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Giàng chia sẻ.

Tương tự, nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Bình Giang ở thị trấn Kẻ Sặt hay nơi diễn ra Đại hội toàn thể đảng viên và sau này được lấy là Đại hội thành lập Đảng bộ huyện Bình Giang ở thôn Phú Khê (xã Thái Học), công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ vẫn được các cấp, các ngành của địa phương quan tâm.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diện mạo mới ở những vùng quê cách mạng