Lời kêu gọi đình chỉ hiến pháp của ông Trump gây lo ngại

06/12/2022 07:18

Ông Trump kêu gọi đình chỉ hiến pháp Mỹ để có thể đảo ngược kết quả bầu cử, nhưng gây lo ngại về nguy cơ đe dọa nền dân chủ.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại sự kiện vận động ở thành phố Wilkes-Barre, bang Pennsylvania, ngày 3.9

"Cuộc gian lận lớn ở quy mô như vậy cho phép đình chỉ tất cả các quy tắc, quy định và điều khoản, thậm chí được viết trong hiến pháp", cựu tổng thống Donald Trump cuối tuần trước viết trên mạng xã hội Truth Social. "Những người lập quốc vĩ đại không muốn và sẽ không dung túng cho các cuộc bầu cử gian lận và sai trái".

Tuyên bố được ông Trump đưa sau khi có thông tin Twitter trước thềm bầu cử tổng thống năm 2020 đã loại bỏ những tweet chứa những bức ảnh riêng tư của Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden. Những bức ảnh này được tìm thấy trong một chiếc laptop được cho là do Hunter Biden bỏ lại tại một cửa hàng sửa chữa ở bang Delaware.

Ông Trump cho rằng đây là bằng chứng cho thấy đảng Dân chủ đang "cấu kết với các công ty công nghệ lớn để tiến hành gian lận và lừa gạt quy mô lớn" và yêu cầu "hủy kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, tuyên bố người chiến thắng xứng đáng hoặc tổ chức bầu cử lại".

Giới quan sát cho rằng những bình luận này thể hiện sự leo thang đáng kể trong những cuộc công kích của ông Trump vào các thể chế của Mỹ, điều mà các chuyên gia coi là dấu hiệu cho thấy cựu tổng thống có thể đi xa tới đâu để giành lại quyền lực.

Laurence H. Tribe, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Harvard, thừa nhận nhiều điều mà Trump nói không phải lúc nào cũng cần quan tâm. Song ông không cho rằng nước Mỹ nên phớt lờ tuyên bố "đình chỉ hiến pháp", đặc biệt sau khi những cáo buộc gian lận bầu cử của Trump năm 2020 từng thúc đẩy cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol vào ngày 6.1.2021.

"Đây là lời kêu gọi của một ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa nhằm đình chỉ hiến pháp để đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, dựa trên những thuyết âm mưu đã được chứng minh là không có căn cứ về gian lận bầu cử", Tribe viết. "Đó là một tuyên bố đặc biệt, giống như nói 'bạn muốn thấy một cuộc nổi dậy không? Tôi sẽ cho bạn thấy. Tôi sẽ xé toạc mọi thứ'".

Giáo sư Tribe cũng lưu ý rằng lời kêu gọi đình chỉ hiến pháp được Trump đưa ra sau thông báo tái tranh cử tổng thống hồi tháng trước. Theo ông, đây là một phần trong chiến thuật phục vụ cho tham vọng giành lại quyền lực của ông.

"Một số học giả pháp lý hàng đầu từng có các bài viết về vấn đề đình chỉ hiến pháp, nhưng nhằm phục vụ mục đích học thuật. Trong khi đó, lời kêu gọi của Trump chỉ để nhằm giành lấy quyền lực cho bản thân, khiến nó không có giá trị", ông Tribe nói.

Một số chuyên gia còn cho rằng Trump đang tấn công vào hàng rào bảo vệ quan trọng nhất của luật pháp và nền dân chủ Mỹ.

"Đây chính là thứ đang đe dọa tất cả các biện pháp bảo vệ và quy định của hiến pháp Mỹ. Đã có rất nhiều tổng thống Mỹ nỗ lực để bảo vệ hiến pháp, nhưng chưa từng có ai muốn xé nát nó như vậy", Daniel Urman, học giả về hiến pháp tại Đại học Northeastern, cho hay.

Giống như những người tiền nhiệm, ông Trump đã tuyên thệ "giữ gìn và bảo vệ hiến pháp Mỹ", nhưng ông giờ đây kêu gọi làm điều ngược lại. Đó là điều mà các đời tổng thống Mỹ trước đây không làm.

16 năm sau khi rời Nhà Trắng, John Tyler gia nhập liên minh miền nam trong nội chiến Mỹ (1861-1865) và được bầu vào hạ viện của liên minh này, song ông không ủng hộ đảo ngược hiến pháp Mỹ.

Năm năm trước khi trở thành tổng thống, Abraham Lincoln cũng thể hiện rõ lập trường về hiến pháp Mỹ. "Đừng can thiệp bất kỳ điều gì trong hiến pháp. Nó phải được duy trì, vì đó là biện pháp bảo vệ duy nhất cho các quyền tự do của chúng ta", Lincoln nói.

Đối với Trump, lời kêu gọi chấm dứt hiến pháp được đưa ra trong một tuần đầy biến động. Phán quyết của Tòa án Tối cao đã bác nỗ lực của ông nhằm ngăn công khai hồ sơ thuế.

Tòa phúc thẩm khu vực 11 Mỹ sau đó còn bác bỏ việc bổ nhiệm chuyên gia đặc biệt để kiểm tra các tài liệu được FBI tìm thấy trong dinh thự Mar-a-Lago của Trump. Ông cũng đối mặt bão chính trị sau khi dùng bữa tối với rapper Kanye West và người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng Nick Fuentes ở Mar-a-Lago.

Tuy nhiên, có rất ít nghị sĩ đảng Cộng hòa lên tiếng chỉ trích động thái của Trump. Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell của đảng Cộng hòa chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Tháng trước, McCarthy tuyên bố đảng Cộng hòa sẽ đọc từng chữ trong hiến pháp khi đảng này kiểm soát Hạ viện vào tháng 1.2023.

Một số nhà lập pháp Cộng hòa cho biết họ không đồng tình với những bình luận mới của Trump, nhưng hầu hết ngần ngại lên tiếng phản đối nếu cựu tổng thống trở thành ứng viên của đảng trong cuộc tranh cử tổng thống 2024.

Nghị sĩ David Joyce, thành viên Cộng hòa ở bang Ohio, cho hay ông "không có thói quen bình luận về các bài đăng của cựu tổng thống" kể từ khi Trump còn đương nhiệm. Khi người dẫn chương trình George Stephanopoulos của đài ABC hỏi thêm, Joyce nói ông sẽ "ủng hộ bất kỳ ứng viên Cộng hòa nào", nhưng không nghĩ rằng Trump có thể làm điều đó.

"Ông ấy không có khả năng đình chỉ hiến pháp. Bạn biết đấy, ông ấy nói rất nhiều điều, nhưng không có nghĩa điều đó sẽ xảy ra", Joyce nói.

Dù vậy, bình luận viên Peter Baker của NY Times cho rằng tuyên bố của Trump dường như là cột mốc nguy hiểm mới.

"Không thể tưởng tượng nổi khi một cựu tổng thống và có thể là tổng thống tương lai kêu gọi đình chỉ hiến pháp để cho phép ông ấy nắm quyền. Sau tất cả những cú sốc trong vài năm qua, điều này thật đáng chú ý", Baker viết.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời kêu gọi đình chỉ hiến pháp của ông Trump gây lo ngại