Lợi trước mắt, hại lâu dài

29/09/2021 06:09

Thực tế, việc người lao động thỏa hiệp với chủ sử dụng trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động không hiếm. Trong "thương vụ" này, người lao động chính là bên chịu thiệt.


Nếu không được trang bị đầy đủ bảo hộ, công nhân làm việc trong lĩnh vực cơ khí rất dễ gặp tai nạn lao động (ảnh minh họa)

Tôi có một người bạn làm việc cho một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực cơ khí. Mới đây, người này không may gặp tai nạn trong lúc làm việc tại doanh nghiệp. Vụ tai nạn khá nghiêm trọng, vết cắt ở tay sâu mất nhiều máu và làm đứt gân. Khi vào điều trị trong bệnh viện, biết nguyên nhân là tai nạn lao động các bác sĩ đều khuyên anh xin giấy chứng nhận tai nạn lao động của doanh nghiệp để làm các thủ tục giám định y khoa, được điều trị, điều dưỡng, lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động trong trường hợp đủ điều kiện. Tuy nhiên, khi anh này đặt vấn đề, chủ doanh nghiệp đã thuyết phục đền bù một khoản tiền để anh không làm thủ tục giám định y khoa, báo cáo với cơ quan chức năng. Kết quả, anh nhận một món tiền, còn chủ doanh nghiệp không phải chịu thêm bất cứ trách nhiệm nào.

Thực tế, việc người lao động thỏa hiệp với chủ sử dụng trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động không hiếm. Trong "thương vụ" này, người lao động chính là bên chịu thiệt. Cái thiệt này có thể không nhìn thấy rõ trước mắt mà nó thường mang tính lâu dài. Hậu quả của các tai nạn nói chung, tai nạn lao động nói riêng rất khó lường. Có trường hợp tai nạn để lại hậu quả lâu dài, nó có thể còn nặng thêm theo năm tháng khiến người lao động giảm sút sức lao động, tốn kém chi phí điều trị kéo dài. Khi đó, người lao động phải tự chịu vì sẽ không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh trách nhiệm của doanh nghiệp. Chưa kể có thể vì lợi nhuận, chủ doanh nghiệp sẽ tìm mọi lý do để sa thải người lao động do sức khỏe giảm sút, năng suất làm việc thấp, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất...

Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 nêu rõ người sử dụng lao động có trách nhiệm với người lao động bị tai nạn lao động. Trong đó có nội dung giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định; sắp xếp công việc phù hợp sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa với người lao động bị tai nạn lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc; lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động...

Quy định này là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc mà pháp luật yêu cầu chủ sử dụng lao động phải thực hiện khi xảy ra tai nạn lao động đối với người lao động. Dù với bất kỳ lý do nào doanh nghiệp cũng không được phép thỏa hiệp với người lao động để lơ đi trách nhiệm của mình. Bản thân người lao động phải nhận thức rõ việc này, không vì cái lợi trước mắt mà vô tình phải chịu thiệt lâu dài. Các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp cần sâu sát hơn, khi có trường hợp tai nạn lao động phải kịp thời bảo vệ quyền lợi cho họ. Các cơ sở y tế khi tiếp nhận, điều trị cho người bị tai nạn lao động nếu nhận thấy mức độ nghiêm trọng phải báo cáo ngay cho ngành lao động địa phương nắm bắt, điều tra nhằm ngăn chặn kịp thời những trường hợp doanh nghiệp tìm cách lấp liếm sai phạm, khiến người lao động phải chịu thiệt.

NGỌC THANH(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi trước mắt, hại lâu dài