Lo ngại về một trào lưu

26/12/2021 08:00

Mới đây trên nhóm lớp của tôi lại thấy một bạn khoe vừa sinh con thứ ba. Điều đáng nói là bạn tôi đã “có nếp, có tẻ”, đứa lớn nhà bạn nay đã vào học lớp 10, đứa nhỏ cũng đã lớp 7.

Khi thấy tôi có vẻ ngạc nhiên vì đã bước qua tuổi trung niên, các con đã khôn lớn, đang thời kỳ nhàn hạ thì bạn lại quyết định sinh thêm con, chấp nhận cảnh con mọn, các bạn trong lớp chê tôi “lạc hậu”. Nhìn lại thì chỉ mấy năm trở lại đây, lớp tôi đã có gần chục bạn sinh thêm con thứ ba. Phần lớn trong số họ là lao động tự do, tiểu thương nên chẳng chịu sự ràng buộc nào. Thế nhưng, cũng có 1-2 người diện công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, có người là đảng viên nhưng vẫn quyết định “vượt rào”.

Nhiều người “đổ lỗi” việc sinh con thứ ba của mình là do quy định hiện hành đã “nới lỏng” hơn trước. Theo quy định của Nghị định 176/2013/NĐ-CP, đảng viên nói riêng và người dân nói chung sinh con thứ ba trở lên không bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, nếu là công chức sinh con thứ ba thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương; đảng viên sinh con thứ ba cũng chỉ bị khiển trách…

Một nguyên nhân nữa góp phần thúc đẩy trào lưu sinh con thứ ba hiện nay là do đời sống kinh tế của các gia đình ngày càng khá giả hơn trước, việc có thêm một thành viên không còn tạo gánh nặng. Hơn nữa, nhiều nhà con đã lớn, đi học xa nhà, bố mẹ ở nhà buồn, thấy nhà cửa trống vắng… cũng là nguyên nhân nhiều cặp vợ chồng quyết định sinh thêm con thứ ba.   

Sinh con thứ ba, nhất là trong giới công chức, viên chức, thậm chí cả đảng viên đang là một trào lưu đáng lo ngại hiện nay. Đó là những “tấm gương mờ” ảnh hưởng tới thành tích của cơ quan, đơn vị, địa phương. Hơn nữa, việc phụ nữ, nam giới bước sang tuổi trung niên mới sinh thêm con có thể ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của đứa trẻ, nói rộng ra là ảnh hưởng tới chất lượng dân số. Những trẻ em có bố lớn tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh như tự kỷ, hội chứng tăng động giảm chú ý, rối loạn lưỡng cực… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đột biến ở tinh trùng. Một cuộc điều tra do Đại học Indiana (Mỹ) và Viện Karolinska (Thụy Điển) đã được tiến hành để kiểm tra về vấn đề này. Khi so sánh những đứa trẻ được sinh ra bởi các ông bố khi đã 45 tuổi so với lúc 24 tuổi nhóm nghiên cứu đã ghi nhận tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ tăng gấp 3 lần; nguy cơ trẻ mắc chứng tăng động, giảm khả năng chú ý tăng gấp 13 lần, nguy cơ mắc rối loạn tâm thần cao gấp 2 lần…

Bản thân phụ nữ mang thai khi đã 30-40 tuổi rất dễ bị huyết áp cao trong thai kỳ kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn như lưu lượng máu đến nhau thai bị giảm dẫn đến khả năng cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho thai nhi cũng giảm theo khiến bé chậm tăng trưởng và nhẹ cân khi chào đời, nguy cơ sinh non cao, người mẹ dễ bị nguy cơ bệnh tim mạch trong tương lai. Phụ nữ ở độ tuổi 35 – 45 cũng có nguy cơ sảy thai cao hơn, từ 20 – 35%...

Những con số trên là số liệu được các cơ quan y khoa đúc kết, cho thấy việc sinh thêm con khi đã bước vào tuổi trung niên là “lợi bất cập hại”. Nếu chỉ vì khỏa lấp nỗi buồn của cha mẹ, vì tâm lý thêm người thêm vui… mà hại đến sức khỏe của mẹ, của bé thì thật không đáng.  

KIM THANH(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại về một trào lưu