Nét chấm phá ẩm thực phố

05/06/2023 07:53

TP Hải Dương đã gây dựng được một nền ẩm thực vừa có sự giao thoa văn hóa các vùng miền, vừa giữ được bản sắc riêng của mảnh đất này.


Ẩm thực đường phố tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng tạo được sức hút với nhiều người


Đa sắc màu

Không ngoa khi nói rằng vệt ẩm thực mang đậm dấu ấn hội nhập đang hình thành giữa lòng TP Hải Dương. Phong cách, thị hiếu ăn uống là góc phản chiếu sự phát triển nhanh, năng động, hiện đại của đô thị loại I. Đời sống vật chất nâng cao, vốn hiểu biết xã hội của người dân được nâng tầm, cộng với sự giao thoa, hội nhập đã ảnh hưởng rõ rệt tới văn hoá ẩm thực của thành phố. Mặt khác, một thành phố với nhiều tiềm năng, cơ hội đã thu hút và níu chân nhiều người từ khắp mọi miền tới sinh sống, lập nghiệp. Họ mang theo cả những món ăn, thức uống đặc trưng của quê hương mình tới TP Hải Dương, làm phong phú thêm “kho tàng” ẩm thực Thành Đông.

Dạo quanh một vòng thành phố, có thể dễ dàng bắt gặp các nhà hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ… Những quán ăn này thường ở vị trí đắc địa trên một số con đường đắt đỏ bậc nhất của thành phố như Thanh Niên, Hồng Quang, Tuệ Tĩnh kéo dài… Kiểu cách trang trí bắt mắt, đậm nét văn hóa truyền thống riêng có của mỗi quốc gia khiến những quán ăn này thu hút mọi ánh nhìn.

Ý định ban đầu khi tới TP Hải Dương chỉ để dạy yoga nhưng vì cảm mến mảnh đất nơi đây mà anh Suwan Kumar, người Ấn Độ đã quyết định mở nhà hàng Ấn trên đường Thanh Niên. Mục đích ban đầu của anh Kumar là vừa kinh doanh, kiếm thêm thu nhập, vừa giới thiệu các món ăn nổi tiếng của người Ấn tới bạn bè Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, anh đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Người dân Hải Dương thưởng thức món Ấn không chỉ vì tò mò mà từ ẩm thực còn muốn tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước đông dân nhất thế giới này.

Anh Kumar chia sẻ: “Tôi không ngờ người dân thành phố lại nồng nhiệt đón nhận ẩm thực Ấn Độ đến vậy dù có nhiều khác biệt so với thị hiếu ăn uống của người Việt. Hơn nữa, những người bạn của tôi còn góp ý để điều chỉnh món ăn phù hợp với khẩu vị người Việt. Nhờ có sự giao thoa này mà tôi cảm thấy thêm yêu, thêm quý con người và mảnh đất này hơn”.


Những món ăn đến từ các quốc gia khác góp phần làm phong phú cho ẩm thực Thành Đông

Không chỉ có ẩm thực quốc tế phong phú mà TP Hải Dương còn hội tụ được đặc sản vùng miền trong cả nước. Các món ăn, đồ uống nổi tiếng mang thương hiệu riêng của từng địa phương xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các phố phường của thành phố. Chả cá lăng Hà Nội, cơm tấm Sài Gòn, bún bò Huế, nem lụi Nha Trang, kem dừa Côn Đảo… được đông đảo người dân ưa chuộng. Ẩm thực đa dạng, phù hợp với sở thích, thói quen của từng tầng lớp, lứa tuổi nên mỗi địa chỉ ăn uống lại là một điểm hẹn khi thành phố lên đèn. Và rồi không hẹn mà gặp, không bảo mà làm, nhiều người lựa chọn phố Tuệ Tĩnh kéo dài để kinh doanh nhà hàng, quán ăn. Dần dần, nơi đây trở thành phố ẩm thực sầm uất nhất nhì thành phố. Từ tự phát thành chủ động, chính quyền đang nghiên cứu để đưa con phố này hoạt động bài bản, nền nếp hơn. Nếu biết cách đầu tư, khai thác thì phố Tuệ Tĩnh kéo dài sẽ là điểm nhấn về ẩm thực, để lại nhiều ấn tượng về một thành phố sôi động với nét ẩm thực không thua kém gì các thành phố lớn khác.

Từ khi phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng đi vào hoạt động, thì ẩm thực đường phố tại TP Hải Dương càng được định hình rõ nét hơn. Ở đây cũng hội tụ đặc sản ba miền Bắc, Trung, Nam, thậm chí cả ẩm thực nước ngoài. Chỉ tính riêng kem thôi đã đủ loại từ kem khói Hàn Quốc, kem Mixue của Trung Quốc... Trước đó, thành phố không thiếu những hàng quán lưu động bày bán đồ ăn nhanh, tiện lợi để giải tỏa cơn đói, cơn khát tức thì của người dân khi có nhu cầu. Song phải đến khi có phố đi bộ, chợ đêm, loại hình ẩm thực này mới đi vào quy củ. Người dân, du khách được thỏa sức lựa chọn món ăn, đồ uống ưa thích trong không gian văn hóa cộng đồng. Tối cuối tuần, đường Bạch Đằng, Chương Dương thành nơi hò hẹn của nhiều người, nhất là giới trẻ. Vừa lê la thưởng thức đồ ăn, thức uống, vừa thảnh thơi ngắm nhìn phố phường là thú vui của không ít người dân Thành Đông hiện tại.

Chị Nguyễn Quỳnh Trang ở phố Ngô Quyền rất thích thưởng thức ẩm thực đường phố tại phố đi bộ, chợ đêm. Chị cho rằng ẩm thực đường phố có thể không đặc sắc vì chủ yếu là những đồ ăn nhanh chóng khỏa lấp cơn đói hoặc chỉ là nhâm nhi trong lúc tán gẫu nhưng lại mang tính gắn kết cộng đồng. Hòa vào dòng người tấp nập, thưởng thức đồ ăn uống đường phố bên bạn bè, người thân là trải nghiệm thú vị không phải nơi nào cũng có.

Giữ nét truyền thống

Do nhu cầu, điều kiện và xu thế hội nhập, ẩm thực tại TP Hải Dương cũng phát triển đa dạng, phong phú để phù hợp với tình hình, thỏa mãn đòi hỏi ngày càng cao của người dân. Thế nhưng, dù giao thoa, dung hòa, tiếp nhận nhiều cái mới thì những nét ẩm thực truyền thống mang đặc trưng, dấu ấn của Thành Đông vẫn chiếm được nhiều thiện cảm của người dân.

Thành Đông xưa-TP Hải Dương nay đã nhiều đổi khác song món bánh đậu xanh mộc mạc, giản dị gắn liền với nơi đây vẫn luôn được lòng thực khách gần xa. Hơn 100 năm qua, thức quà đậm chất hương đồng gió nội được vua Bảo Đại sắc khen không những không mai một mà còn vươn tầm thế giới. Sản phẩm này còn được công nhận là đặc sản quà tặng Việt Nam và vinh dự đứng trong danh sách quà tặng châu Á.

Ông Vũ Ngọc Chân, chủ cơ sở bánh đậu xanh Bảo Hiên luôn tự hào vì thương hiệu của gia đình đã truyền qua 4 đời vẫn giữ được hương vị xưa cũ như thuở ban đầu. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ và bí kíp riêng, đậu xanh kết hợp với mỡ lợn, đường kính trắng đã tạo ra thức quà kích thích vị giác. “Khi nhiều nghề truyền thống dần mai một thì nghề làm bánh đậu xanh vẫn phát triển bền bỉ, thậm chí có nhiều đổi mới, sáng tạo. Trải qua nhiều thăng trầm, món bánh đậu xanh vẫn tồn tại, là đặc sản đặc trưng của xứ Đông nói chung và Thành Đông nói riêng. Đó là do cái tâm của người làm nghề cũng như những giá trị chứa đựng trong món ăn mộc mạc, bình dị mà tinh tế này”, ông Chân bày tỏ.


Bánh đậu xanh là đặc sản lâu đời của TP Hải Dương

Nhắc tới ẩm thực của TP Hải Dương thì không thể bỏ qua bún cá rô đồng. Món ăn đơn giản nhưng không hề đơn điệu khi kết tinh của những nguyên liệu mang đậm nét đặc trưng của vùng lúa nước sông Hồng. Thịt cá rô đồng thơm ngon, bún mềm, dai, rau ăn cùng theo mùa khi là cần, lúc là cải cùng nước dùng được ninh từ đầu, xương cá tạo nên món ăn hấp dẫn, thơm ngon khó cưỡng. Có lẽ vậy mà hơn 30 năm qua, dù nằm trong ngõ nhỏ ở phường Thanh Bình, quán bún cá rô đồng của bà Đào Thị Dịu luôn tấp nập khách ra vào. Bà Dịu cho hay: “Ở thành phố không thiếu hàng bún cá rô đồng, mỗi nhà lại có một bí quyết riêng và biến tấu để chiều lòng khách. Song dù có khác biệt nào thì bún cá rô đồng của TP Hải Dương vẫn có hương vị riêng so với các nơi khác”.

Trong lòng thành phố có thể tồn tại những nét ẩm thực sang trọng, hào nhoáng hoặc chỉ là món ăn rất đỗi dân dã, bình dân. Song không vì khác biệt mà tạo ra xung đột hay cạnh tranh. Mỗi đồ ăn, thức uống tạo ra nét chấm phá riêng, làm phong phú thêm giá trị ẩm thực của TP Hải Dương. Ẩm thực thay đổi theo dòng chảy hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống cổ truyền để đáp ứng đa dạng nhu cầu, sở thích của người dân, du khách. Chính vì thế mà xóm bánh cuốn Hàn Giang bao năm qua vẫn đỏ lửa, gánh xôi chè đầu phố Hào Thành vẫn nhộn nhịp người qua, hàng bánh đúc ở phố Tuy An chưa khi nào vắng khách...

Với sự đa dạng, phong phú ấy, ẩm thực của thành phố giờ đây có thể chiều lòng được những thực khách khó tính. Mỗi khi có bạn bè, người thân phương xa ghé thăm, người dân thành phố có thể dẫn họ đi vài ngày cũng chưa thưởng thức hết tinh hoa ẩm thực phố.

Ẩm thực truyền thống là phương tiện truyền tải thông điệp, dẫn mọi người nhớ về quá khứ, lịch sử, văn hóa Thành Đông. Còn nền ẩm thực sôi động, phong phú, đa dạng là kết quả của sự phát triển, hội nhập, giao thoa văn hóa. Nhưng dù là ẩm thực truyền thống hay hiện đại cũng giúp người Hải Dương đi xa lại muốn trở về và TP Hải Dương ghi dấu ấn, thiện cảm hơn trong lòng bạn bè cả trong nước và quốc tế.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét chấm phá ẩm thực phố