"Ăn cơm trước kẻng"

29/11/2020 15:31

Phụ nữ chính là người chịu thiệt thòi, tổn thương, đau khổ nhất bởi họ đã trao cái quý giá nhất của đời người con gái cho kẻ không phải là chồng mình.


Trong xã hội hiện đại ngày nay, chuyện trai gái yêu nhau và “ăn cơm trước kẻng” không phải là hiếm. Ngày xưa, chàng trai, cô gái nào trót dại thì cũng cảm thấy xấu hổ, phải chịu búa rìu dư luận và áp lực từ hai bên gia đình, nhất là người con gái còn bị chê bai, dè bỉu, nào là “khôn ba năm dại một giờ”, là buông thả… Hiện nay, lễ giáo đã bớt khắt khe nhưng chuyện “ăn cơm trước kẻng” vẫn lắm bi hài.

Bà Dung hớn hở mang thiệp mời đến từng nhà họ hàng, bạn bè để mời mọi người tham dự đám cưới con trai bà. Ai cũng ngạc nhiên vì Tú mới hai mươi tuổi, đang đi học, còn cô dâu vừa tốt nghiệp cấp 3, đã có nghề nghiệp gì đâu. Không biết đôi vợ chồng trẻ sẽ sống như thế nào? Có người tò mò: “Sao bà không để con trai học xong, có công ăn việc làm rồi hãy cưới vợ cho con?”. Bà vui vẻ, thật thà, cười khì khì: “Cưới vợ phải cưới liền tay. Bác sĩ bảo cưới là cưới, chỉ sáu tháng nữa thôi là tôi lên chức bà nội rồi”. Nhiều người thành thực chúc mừng bà Dung: “Đúng là song hỉ nhé!”. Một vài người nói ra nói vào, có ý chê con dâu sắp cưới của bà “không biết giữ mình” nhưng bà một mực bênh vực: “Thế càng tốt, còn hơn khối đứa lấy chồng cả chục năm mà vẫn bị điếc, tốn cả tiền chạy chữa. Thật là vô phúc”. Thế là chẳng ai dám ý kiến gì nữa.

Bà Xuân có anh con trai lớn ngoài ba mươi tuổi mà mãi không chịu cưới vợ khiến bà rất sốt ruột. Anh dẫn hết cô này đến cô khác về nhà ra mắt bố mẹ rồi lại chia tay vì không hợp nhau sau một thời gian tìm hiểu. Đến khi anh quyết định lấy Vân, một cô gái xinh xắn, nhanh nhẹn nhưng dáng người hơi nhỏ bé thì bà Xuân ra sức phản đối. Bà bảo: “Con gái trông như con cá rô đực thế kia thì sinh nở làm sao được, phải chọn người có tướng vượng phu ích tử”. Biết vậy anh chị đã sử dụng chiến thuật “ăn cơm trước kẻng”. Đến khi anh chị báo “tin vui”, bà Xuân họp gia đình, nhất trí tổ chức ngay đám cưới cho đôi trẻ.

Chuyện yêu đương của con trai ông bà Lâm gây bất ngờ cho cả làng chỉ vì anh con trai đi học đại học, yêu một cô bạn gái cùng trường. Hai người thường “góp gạo thổi cơm chung” rồi “ăn cơm trước kẻng” mà chẳng đề phòng gì cả. Đến khi cái thai được 5 tháng thì cô gái mới thông báo cho chàng trai. Anh hoảng sợ, loay hoay không biết xử trí làm sao vì cái thai quá to và hai người vẫn đang đi học, chỉ biết tâm sự với người bạn thân duy nhất. Thương cảm cảnh ngộ của cô gái, người bạn kia đã thông báo cho gia đình ông Lâm biết. Bàn đi tính lại, ông bà mất ba tháng để chuẩn bị các thủ tục cưới xin vì nhà cô gái kia cũng ở khá xa. Khi đi mời đám cưới, ông bà Lâm mời luôn mọi người chuẩn bị đến đầy cữ cháu nội. Ai dự đám cưới cũng chạnh lòng cho cô con dâu của ông bà không thể mặc được váy cưới trong ngày lên xe hoa như những cô gái khác. Sau đám cưới, con trai ông Lâm tiếp tục sự nghiệp đèn sách, còn vợ anh đành dang dở ước mơ cắp sách đến trường để ở nhà chăm con.

Những chàng trai cô gái trót “ăn cơm trước kẻng” mà không thể nên duyên vợ chồng, đường ai nấy đi sau thời gian yêu nhau mặn nồng thì ít nhiều cũng để lại hệ lụy. Phụ nữ chính là người chịu thiệt thòi, tổn thương, đau khổ nhất bởi họ đã trao cái quý giá nhất của đời người con gái cho kẻ không phải là chồng mình. Có cô chưa lập gia đình đã nạo phá thai nhiều lần dẫn đến vô sinh. Có cô lấy phải người chồng gia trưởng và ích kỷ nên luôn bị anh ta dằn vặt về quá khứ, thậm chí anh ta còn tỏ ra khinh bỉ bởi cô đã để mất “cái ngàn vàng” vào tay kẻ khác. Có cô bị ám ảnh bởi sự phản bội của đàn ông nên quyết không mở lòng một lần nữa và chọn cách ở vậy suốt đời…

Thiết nghĩ, văn hóa phương Đông đã ăn sâu vào nếp nghĩ và cách hành xử của bao thế hệ người Việt. Dù rằng chuyện trai gái “ăn cơm trước kẻng” không còn quá nặng nề như thời phong kiến nhưng nhìn vào những cái được và cái mất chắc hẳn những chàng trai, cô gái đang yêu cũng phải biết giữ mình để không vượt qua giới hạn khi chưa nên vợ nên chồng.

 NAM HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Ăn cơm trước kẻng"