Frances Perkins – Người phụ nữ đầu tiên trong nội các Mỹ

20/04/2020 18:24

Frances Perkins là thành viên nữ đầu tiên trong nội các của một tổng thống Mỹ. Bà là kiến trúc sư quan trọng của nhiều chương trình bảo vệ người lao động còn tồn tại cho tới ngày nay.


Bà Frances Perkins. Ảnh: Trung tâm Frances Perkins

Theo kênh CNN (Mỹ), bà Perkins sinh ra cách đây 140 năm, trải qua thời kỳ Đại Suy thoái ở Mỹ. Những ý tưởng vĩ đại của bà thời khủng hoảng đã cứu nhiều người lao động khi đó và vẫn đang làm lợi cho hàng triệu người Mỹ thất nghiệp giữa đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bà Perkins là một nhân viên xã hội giỏi, một bậc thầy đàm phán và là người ủng hộ quyền người lao động. Chứng kiến những khó khăn mà người lao động phải trải qua cả trước, trong thời kỳ Đại Suy thoái và khi làm Bộ trưởng Lao động, bà đã có nhiều chính sách với hy vọng giảm nhẹ tình trạng đói nghèo và thất nghiệp trong xã hội.

Di sản của bà Perkins có thể kể tới như: chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động khuyết tật và người lao động lớn tuổi; 40 giờ làm việc một tuần; lương tối thiểu; và chấm dứt lao động trẻ em. Ngoài ra, bà còn xây dựng hệ thống phúc lợi thất nghiệp của nước Mỹ. Hệ thống này vẫn đang bơm hàng tỷ USD cho người lao động Mỹ, giúp họ có thể có tiền trả hóa đơn và nuôi sống gia đình trong đại dịch COVID-19.

Bà Kirstin Downey, người dành cả thập kỷ nghiên cứu cuộc đời của bà Perkins và ghi lại trong cuốn sách “The Women Behind the New Deal” (Người phụ nữ đằng sau Thỏa thuận Mới), cho biết: “Có rất nhiều người được cứu vớt về tài chính nhờ bà Fracces Perkins”.

Trong ba tuần vừa qua, 16,8 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vì các doanh nghiệp phải đóng cửa để phòng chống COVID-19. Các nhà kinh tế ước tính tình trạng thất nghiệp sẽ tiếp tục trong vài tháng tới, có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất kể từ những năm 1930. Để hỗ trợ người lao động, Quốc hội và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đã thiết lập nhiều chương trình kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD. Khoản trợ cấp tài chính nhanh nhất sẽ tới tay người lao động Mỹ dưới dạng trợ cấp thất nghiệp mà Quốc hội mở rộng ra tới 600 USD/tuần trong 4 tháng.

Chú thích ảnh
Bà Frances Perkins đứng sau Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi ông ký thành luật Đạo luật An sinh Xã hội năm 1935. Ảnh: Getty Images

Bà Perkins đã thiết lập hệ thống bảo hiểm thất nghiệp quốc gia từ năm 1935 trong khuôn khổ Đạo luật An sinh Xã hội. Khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ ước tính duy trì ở mức trên 20% trong bốn năm liền. Không mấy người lao động có các phương tiện kiếm sống khác để bù vào tiền lương không còn. Lực lượng lao động Mỹ khi đó chủ yếu là nam giới và khi trụ cột trong gia đình mất việc, cả gia đình họ lâm vào cảnh đói ăn. Bà Perkins đã trở thành người xuất hiện đúng chỗ đúng thời điểm để giải cứu họ.

Trước khi trở thành Bộ trưởng Lao động ở độ tuổi 50, bà Perkins đã có nhiều chục năm ủng hộ quyền người lao động. Khi còn trẻ, bà đã học kinh tế và xã hội học tại Đại học Mount Holyoke và Đại học Columbia. Bà đã thăm nhiều nhà máy và chứng kiến điều kiện làm việc kinh hoàng của người lao động. Bà từng tình nguyện làm việc tại các cơ quan dịch vụ xã hội và khu nhà định cư.

Khi bà hơn 30 tuổi, bà chứng kiến vụ hỏa hoạn tại nhà máy Triangle Shirtwaist khiến 146 công nhân dệt may thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái. Khi đó là ngày 25/3/1911, bà đang uống trà ở nhà bạn thì hay tin có đám cháy ở nhà máy. Bà vội tới hiện trường và phải chứng kiến hàng chục lao động nữ, chủ yếu là người nhập cư Italy và Do Thái, nhảy từ tầng 9 xuống đất rồi tử vong. Đó chính là khoảnh khắc quyết định khiến bà phải làm gì đó để giúp đỡ họ.

Chú thích ảnh
Bên ngoài nhà máy Triangle Shirtwaist sau đám cháy. Ảnh: Trung tâm Kheel

Bà Perkins trở thành Thư ký Ủy ban An toàn của Thành phố New York. Trong vai trò đó, bà đã hỗ trợ xây dựng luật, yêu cầu các nhà máy phải diễn tập phòng cháy chữa cháy, lắp đặt hệ thống phun nước trong các tòa nhà cao tầng và phải có lối thoát trong trường hợp hỏa hoạn. Về sau, bà làm ủy viên công nghiệp cho bang New York và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực thống kê lao động.

Khi ông Franklin D. Roosevelt còn làm Thống đốc bang New York, ông và bà Perkins đã cùng nhau thực hiện những bước đi táo bạo nhất nước Mỹ trong vấn đề hỗ trợ người thất nghiệp. Ông đã giao nhiệm vụ cho bà Perkins phụ trách một ủy ban của bang để đề xuất thành lập văn phòng hỗ trợ thất nghiệp đầu tiên. Từ đó, họ vạch một lộ trình và dựa trên đó, khi ông Roosevelt trở thành Tổng thống Mỹ năm 1932, họ sẽ sử dụng lộ trình đó để giải quyết cuộc Đại Suy thoái.

Sau này, khi Tổng thống Roosevelt đề cử bà Perkins làm Bộ trưởng Lao động, dư luận hoài nghi không rõ một phụ nữ có thể làm công việc đó hay không. Một số nhân viên ở Bộ Lao động thậm chí còn dọa từ chức còn hơn là phải làm cấp dưới một phụ nữ.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Lao động Perkins. Ảnh: AP

Tuy nhiên, bà Perkins đã biết cách vượt qua dư luận và sức ép phân biệt giới tính. Với cương vị Bộ trưởng Lao động, bà Perkins phải quản lý một bộ tham nhũng tràn lan. Dưới thời Tổng thống Herbert Hoover, bộ này chi 90% nguồn lực vào Đơn vị Nhập cư Đặc biệt thiết lập dưới Đạo luật Nhập cư Ngoại lệ năm 1921 và 1924. Đơn vị này có hai anh em giám sát một nhóm đặc vụ đi khắp nước để tìm và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Thông thường, các đặc vụ cũng tìm cách nhận hối lộ từ họ để kiếm chác. 

Khi xem xét hoạt động của đơn vị này, bà Perkins từ chối cấp thêm tiền. Dần dần, bà định hướng lại hoạt động của bộ để giải quyết nhu cầu của người lao động Mỹ.

Bà Perkins không ngại đấu tranh nội bộ. Trong dịp 100 ngày đầu tiên làm tổng thống của ông Roosevelt, bà Perkins đã đối đầu với giám đốc ngân sách Lewis Williams Douglas – người hay dùng ngân sách tùy hứng. Khi biết ông Douglas cản trở nỗ lực của bà, ngăn bà đưa hàng tỷ USD vào dự luật cứu trợ, bà đã gặp thẳng Tổng thống và yêu cầu ông quyết định. Ông Douglas từ chức không lâu sau đó, còn bà Perkins tại vị 12 năm.

Trước khi đồng ý làm bộ trưởng, bà Perkins từng nói với Tổng thống Roosevelt rằng bà sẽ làm với điều kiện ông sẽ cam kết theo đuổi 7 chính sách chủ chốt: 40 giờ làm việc mỗi tuần, lương tối thiểu, bồi thường thất nghiệp, bồi thường cho người lao động, xóa bỏ lao động trẻ em, liên bang hỗ trợ trực tiếp các bang trong giảm nhẹ hậu quả thất nghiệp, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, dịch vụ tuyển dụng liên bang.

Bà Perkins đã giữ chức Bộ trưởng Lao động lâu nhất lịch sử Mỹ, suốt từ năm 1933 tới 1945. Trong thời gian đó, bà hoàn thành 6/7 mục tiêu đã đề ra, chỉ trừ chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong bài phát biểu trên đài phát thanh năm 1935, bà Perkins nói: “Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng trong vài thập kỷ qua cùng các phương pháp sản xuất hàng loạt đã cho chúng ta thấy con người có thể là nạn nhân của hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát”. 

Bà Perkins qua đời năm 1965. Giờ đây, hiếm người Mỹ biết tên bà cho dù họ đang hưởng thụ nhiều chương trình do bà thành lập. Tác giả Downey nói: “Bà rất nổi tiếng ở thời đó và khi Tổng thống Roosevelt còn sống. Nhưng không lâu sau khi bà mất, các sử gia nam bắt đầu gạch tên bà khỏi sử sách. Thật sự bất thường”.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Frances Perkins – Người phụ nữ đầu tiên trong nội các Mỹ