Dọa máy bay: Không phải chuyện đùa!

07/01/2022 07:21

Trước vụ máy bay Vietnam Airlines bị dọa bắn khi qua vịnh Tokyo, thế giới cũng xảy ra một số vụ việc máy bay bị đe dọa và buộc phải quay đầu.

Trên thực tế, đã có những chuyến bay thương mại buộc phải quay đầu vì sự an toàn của mọi người. Tháng 10.2021, chuyến bay mang số hiệu MS 729 của Hãng EgyptAir đang trên đường tới Nga phải quay lại Cairo sau khi cất cánh được 22 phút chỉ vì... một lá thư đe dọa giả.

Vì sao phải quay đầu?

Có nhiều lý do khiến các chuyến bay phải quay đầu. Đó có thể vì trục trặc kỹ thuật của máy bay, những vấn đề phát sinh trong lúc bay do con người hay các yếu tố khác như có hành khách gây rối, nhà vệ sinh bị hỏng... và nghiêm trọng hơn là do đe dọa đánh bom hoặc bắn máy bay đến từ người trên chuyến bay hay trên mặt đất.

Những thông tin đe dọa sự an toàn của hành khách thường khiến phi công phải quay đầu. Khi máy bay đã trở lại sân bay an toàn, lực lượng an ninh sẽ lên máy bay để giải quyết nguy cơ. Có trường hợp đã phải điều động máy bay quân sự để hộ tống chuyến bay.

Tháng 5.2017, một chuyến bay chở hơn 330 người của hãng Malaysia Airlines phải quay lại sân bay Melbourne (Úc) sau khi một hành khách người Sri Lanka tên là Manodh Marks (25 tuổi) cố xông vào buồng lái. Người này tuyên bố có bom và đe dọa "cho nổ tung máy bay".

Thứ trưởng Giao thông vận tải Malaysia lúc đó, ông Abdul Aziz Kaprawi cho biết hành khách này dường như đã say rượu. Anh ta bị phi hành đoàn khống chế và sau đó bị lực lượng an ninh sân bay ở Melbourne bắt giữ khi máy bay hạ cánh. 

Năm 2018, Manodh Marks bị tuyên án 12 năm tù, trở thành người đầu tiên bị kết án ở Úc vì tội tìm cách chiếm quyền điều khiển máy bay.

Tháng 4.2018, chuyến bay chở hơn 170 khách của hãng hàng không Scoot (Singapore) buộc phải quay đầu khi đang trên đường tới Thái Lan sau khi một hành khách nói mang bom trong túi. 

Không quân Singapore phải triển khai 2 máy bay chiến đấu F-15SG để hộ tống máy bay này quay lại Singapore an toàn.

Dọa máy bay: Không phải chuyện đùa! - Ảnh 2.

Trả giá đắt

Đã có nhiều trường hợp dọa tấn công máy bay rốt cuộc chỉ là trò đùa. Tuy nhiên, dù đùa hay thật, người gây chuyện đều phải trả giá đắt.

Báo Los Angeles Times bình luận: "Không có chỗ cho những trò đùa ở sân bay hay trên máy bay". Việc ai đó đưa ra thông tin không đúng cho nhân viên các hãng hàng không, đe dọa bằng lời nói, hay chỉ là đùa cợt đều có thể khiến họ gặp rắc rối nghiêm trọng, từ việc bị trục xuất khỏi chuyến bay, bị cấm bay trong một thời gian cho tới bị bỏ tù.

Tháng 4.2018, cầu thủ bóng bầu dục người Mỹ Trevor Davis bị bắt khi đùa giỡn tại quầy làm thủ tục của hãng Hawaiian Airlines ở sân bay quốc tế Los Angeles của Mỹ. Khi đó, nhân viên Hawaiian Airlines hỏi: "Anh có mang theo các đồ vật không được phép như bình xịt, dao hoặc chất nổ không?". 

Theo tường thuật của ông Rob Pedregon (người phát ngôn lực lượng cảnh sát tại sân bay), lúc đó Davis đáp: "Có". Kế đến, Davis quay sang người đi cùng và hỏi "Bạn có mang theo chất nổ chưa?".

Sau đó, Davis bị bắt và đưa vào nhà tù hạt Los Angeles với cáo buộc đe dọa đánh bom giả tại sân bay. Mặc dù các cáo buộc với Davis sau đó được xóa, trò đùa phải trả giá của anh là cảnh báo cho những ai nghĩ rằng việc đe dọa đánh bom là cái gì đó hài hước.

Năm 2018, một nam hành khách người Pháp tên Jacob Meir Abdellak (47 tuổi) bị bỏ tù vì đe dọa đánh bom giả ở Anh. Nguyên nhân vì người này đến sân bay muộn và muốn chuyến bay của ông khởi hành chậm lại.

Theo báo The Guardian, chỉ 8 phút trước khi chuyến bay của ông từ Gatwick đến Los Angeles dự kiến cất cánh ngày 11.5.2018, ông Jacob Meir Abdellak gọi điện cho cảnh sát nói có tin dọa đánh bom ở sân bay Gatwick (Anh). Ông bị phạt tù 10 tháng.

"Bản án của ông Abdellak là cảnh báo rằng loại hành vi này sẽ không được dung thứ và những ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc" - tờ báo Anh dẫn bình luận của chánh thanh tra cơ quan cảnh sát Gatwick, ông Marc Clothier.

Thủ tục hạ cánh

Theo hướng dẫn của Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), khi biết tin đe dọa (chẳng hạn có bom) với một chuyến bay cụ thể, dịch vụ không lưu (ATS) phải thông báo ngay cho phi hành đoàn về sự việc.

Máy bay sẽ được phép hạ cánh tại sân bay gần nhất và đỗ cách xa các máy bay khác.

Theo Eurocontrol - tổ chức về an toàn hàng không của châu Âu, các máy bay khi bị đe dọa an ninh buộc phải đáp xuống sân bay gần nhất có thể để tiến hành điều tra. Khi máy bay hạ cánh, các nhân viên của ATS sẽ hướng dẫn các bước tiếp theo với phi hành đoàn.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dọa máy bay: Không phải chuyện đùa!