Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Australia khiến NATO và Pháp rúng động

18/09/2021 20:15

Các động thái ngầm của Mỹ với Australia trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, cụ thể là thỏa thuận về chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân vừa qua, khiến EU và NATO cảm thấy bị phớt lờ. Riêng Pháp cảm thấy bị sốc nặng.

Tàu ngầm tấn công USS Indiana chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Ảnh: NurPhoto.

Tàu ngầm tấn công USS Indiana chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ

Pháp cảm thấy bị "đâm sau lưng"

Bằng việc gạt Pháp sang một bên trong thỏa thuận với Australia về việc mua tàu ngầm quân sự, Mỹ đã một lần nữa làm dấy lên các mối nghi ngờ về cam kết của họ đối với liên minh quân sự NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).

Động thái mới của Mỹ cũng cho thấy rõ tốc độ mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xoay trục, ít nhất là về mặt quân sự, sang Đông Á.

Khi Tổng thống Biden kế vị cựu Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu nghĩ rằng sẽ có một kỷ nguyên cho sự hợp tác Mỹ-châu Âu. Nhưng rồi NATO đã phải nhiều lần cay đắng vì các quyết định bí mật của Mỹ, cho thấy Mỹ ít coi trọng châu Âu nói chung và đặc biệt là nước Pháp nói riêng.

Gần đây, vào tháng 4.2021 ông Biden đưa ra quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan trong lúc NATO có khoảng 7.000 quân đồn trú ở đây so với chỉ 2.500 quân của Mỹ. Đến tháng 7.2021, Tổng thống Biden ra lệnh sơ tán căn cứ không quân liên hợp Bagram ở Afghanistan và ông đã không thông báo trước cho cả chính phủ Afghanistan lẫn NATO.

Tổng thống Biden còn làm phật lòng các đồng minh Đông Âu bằng việc chấp nhận để Đức theo đuổi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga.

Quyết định mới đây về hợp tác tàu ngầm với Australia (khiến Australia hủy hợp đồng trị giá tới 65 tỷ USD mua tàu ngầm diesel của Pháp) cho thấy việc Mỹ tập trung nhiều hơn vào phương Đông và điều này có thể ảnh hưởng đến các đồng minh truyền thống của họ ở phương Tây.

Tổng thống Biden dự kiến gặp gỡ các lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia tại thủ đô Washington của Mỹ vào ngày 23.9. Đây sẽ là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của nhóm Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad) có mục đích điều phối các chính sách về một số vấn đề, đặc biệt là sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Đông Á.

Pháp đang rất bực tức về việc Australia bất ngờ quay ngoắt trong vấn đề mua tàu ngầm cũng như việc tham gia của Mỹ vào sự kiện này. Hôm 17.9, Tổng thống Pháp Macron đã cho triệu hồi đại sứ của mình tại Mỹ và Australia.

Ông Macron đã ký hợp đồng nhiều tỷ USD để bán cho Australia 12 tàu ngầm diesel. Tuy nhiên từ trước đó, Mỹ đã âm thầm thu xếp để cung cấp cho Australia cả công nghệ chế tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. 

Pháp bị sốc, cảm thấy bị phản bội, bị "đâm sau lưng" bởi các đồng minh Mỹ, Australia, và Anh trong thương vụ vũ khí này.

Pháp bị sốc là do 1 là đột ngột mất một hợp đồng siêu "béo bở" trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại lớn về kinh tế; 2 là mất đi một cơ hội để gây ảnh hưởng ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; và 3 là cảm thấy bị tổn thương do bị phớt lờ.

Chia rẽ trong vấn đề Trung Quốc

Từ trước đây, chính phủ Tổng thống Pháp Macron đã không nhiệt tình với khối NATO do sợ bị Mỹ lôi kéo vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc. Trong một cuộc họp của khối NATO vào tháng 6.2021, Tổng thống Macron công khai dè bỉu ý tưởng trên. Ông Macron khẳng định: "NATO là một tổ chức liên quan đến Bắc Đại Tây Dương. Trung Quốc không liên quan mấy đến Bắc Đại Tây Dương cả".

Macron không phải là chính trị gia duy nhất có tư tưởng như vậy. Thủ tướng Đức Angel Merkel đã miêu tả Nga, chứ không phải Trung Quốc, là "thách thức chính" của NATO và rằng NATO không được phép "đơn giản phủ nhận" Trung Quốc. Bà Merkel nói: "Chúng ta phải tìm thấy sự cân bằng đúng đắn".

NATO cũng vậy, dành các mối lo ngại chính yếu của mình cho Nga. Trong một thông cáo hồi tháng 6, NATO coi Nga là một "mối đe dọa đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương". Trong khi đó, Trung Quốc chỉ bị NATO coi là "có khả năng tạo ra các thách thức".

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân mới nói trên là một phần trong liên minh mới có tên AUKUS - từ viết tắt bằng tiếng Anh dựa trên tên của Australia, Anh Quốc, và Mỹ. AUKUS là một liên minh chia sẻ công nghệ, được cho là nhằm đối phó Trung Quốc. Riêng Australia coi việc hủy hợp đồng với Pháp để đón nhận sự hỗ trợ của Mỹ là xuất phát từ lợi ích an ninh quốc gia của họ.

Trung Quốc đương nhiên tức giận trước sự hình thành của AUKUS. Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ, Anh, và Australia nên "từ bỏ não trạng chiến tranh lạnh đã lỗi thời và các khái niệm địa chính trị hẹp hòi, và nên làm những điều có lợi cho hòa bình, ổn định, và phát triển, nếu không sẽ tự làm tổn hại chính lợi ích của họ".

Ông Triệu cố liên hệ thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân với nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân - một chủ đề mà Nhật Bản và New Zealand đặc biệt quan tâm.

Tờ Thời báo Hoàn cầu khét tiếng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc đã dọa rằng "binh lính Australia có nhiều khả năng nhất trở thành lô lính phương Tây đầu tiên bỏ mạng trên Biển Đông".

Sự kiện Australia vào hôm 16.9 công bố rút khỏi hợp đồng tàu ngầm diesel với Pháp có khả năng gây ra nhiều tác động ở ngắn hạn: Giảm tầm quan trọng của NATO, điều chỉnh thái độ của Trung Quốc đối với nước Anh hậu Brexit, làm xấu đi hơn nữa quan hệ Trung Quốc-Australia...

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Australia khiến NATO và Pháp rúng động