Sự kiện nổi bật ngày 24.11

24/11/2020 19:06

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật là sự kiện nổi bật ngày 24.11.

TRONG NƯỚC


Ngày 24.11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của "thể chế" và cho biết, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến xây dựng thể chế, khâu đột phá mà Đảng ta đã xác định. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ luôn đưa vấn đề xây dựng thể chế pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, đưa lên đầu trong các kỳ họp Chính phủ thường kỳ, tổ chức nhiều chuyên đề xây dựng thể chế pháp luật. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật để đất nước phát triển bằng bệ đỡ pháp luật. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 24.11, tại TP Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri phường Lê Bình, quận Cái Răng và cử tri huyện Phong Điền, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ một số nội dung Kỳ họp thứ 10, tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay. Bày tỏ mong muốn cử tri, nhân dân không được chủ quan, lơ là trong phòng chống COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho biết cùng với đại dịch COVID-19, thiên tai diễn biến phức tạp... đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trước khó khăn, cả nước đã đồng tâm, chung sức, chung lòng. Hiện có 8/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt. Tốc độ tăng trưởng của cả nước năm 2020 ước tăng trên 2% (tăng trưởng dương)... Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Cái Răng. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN


Ngày 24.11, Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 21 (ACAMM-21) đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Chuẩn tướng Haji Muhammad Haszaimi bin Bol Hassan, Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Brunei chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu chỉ huy các cơ quan: Cục Đối ngoại, Cục Quân y, Cục Quân huấn và Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu. Sau khai mạc, Hội nghị tập trung thảo luận theo chủ đề “Sự gắn kết và chủ động thích ứng của quân đội các nước ASEAN nhằm giải quyết các thách thức an ninh khu vực trong điều kiện bình thường mới do đại dịch COVID-19”. Trong ảnh: Quang cảnh Hội nghị trực tuyến Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 21 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN


Tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB) và 11 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng, ngày 24.11, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án tương ứng với vai trò của từng bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình mức án chung thân về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Trong ảnh: Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thành Chung – TTXVN


Huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện vụ việc hơn 10 cây bạch tùng cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ, cưa xẻ thành thành phẩm và mang ra khỏi khu rừng tự nhiên tại tiểu khu 249, xã Đạ Đờn (Lâm Hà). Theo quy định của nhà nước, gỗ bạch tùng thuộc nhóm IV. Hiện nay, trên thị trường, gỗ bạch tùng đang được săn lùng để xây lắp nhà yến, do ván nhập khẩu quá đắt. Gỗ bạch tùng không bị cong vênh, ẩm mốc, có mùi thu hút chim yến làm tổ, nên hiện có giá ván thành phẩm lên tới 60 triệu đồng/m3… Theo hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, khu vực rừng bị khai thác trái phép là đối tượng rừng tự nhiên, cấm khai thác dưới mọi hình thức. Theo quy định, nếu khối lượng gỗ bị khai thác từ 10 m3 trở lên sẽ bị khởi tố hình sự. Trong ảnh: Một thân cây lớn bị cưa hạ tại hiện trường.  Ảnh: Hùng Tuấn – TTXVN


Ngày 24.11, Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết đơn vị phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường vừa phát hiện một điểm sang chiết gas trái phép với số lượng lớn ở phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có 10 bình gas loại 12 kg (trong đó có 6 vỏ bình gas và 4 bình còn khí gas); 547 bình gas mini (trong đó 249 bình có khí gas và 298 vỏ bình không có khí gas), một cân đồng hồ và 4 khay dùng để sang chiết gas từ bình gas loại 12 kg sang bình gas mini. Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm đếm số tang vật thu giữ. Ảnh: TTXVN

TRONG TỈNH


Sáng 24.11, Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường và bế mạc. Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng tham gia học tập, quán triệt của các đại biểu. 100 lượt ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường đã thể hiện tâm huyết, sự nghiêm túc và sẽ được tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu, chọn lọc ý kiến có giá trị, hợp lý để bổ sung vào Chương trình hành động, các dự án, đề án, nghị quyết trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và sẽ ban hành trong tuần sau. Trong ảnh: Quang cảnh bế mạc Hội nghị. Ảnh: Thành Chung


Ngày 24.11, đại diện Công ty TNHH Điện lực Jaks, chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương (Kinh Môn) cho biết đến 19 giờ ngày 23.11, doanh nghiệp đã hoàn thành toàn bộ các thí nghiệm tính năng, chạy thử nghiệm công suất ban đầu tổ máy số 1. Đến 0 giờ ngày 24.11, tổ máy số 1 đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia để phát điện thương mại. Tổ máy số 1 có công suất 600 MW. Dự kiến đầu tháng 12 tới, tổ máy số 2 vận hành thử nghiệm. Trong ảnh: Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương chính thức hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: Ngọc Thủy

QUỐC TẾ


Ngày 23.11 (giờ địa phương), Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 đã thảo luận và thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc, với 110 nước đồng bảo trợ, đạt kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết này được đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2002. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam là nước thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo nội dung và thương lượng nghị quyết. Trong ảnh: Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu trong cuộc họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23.11. Ảnh: Hữu Thanh– TTXVN


Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23.11 tuyên bố ông đã cho phép người đứng đầu Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp (GSA) Emily Murphy được bắt đầu quá trình chuyển giao cho chính quyền của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden, bất chấp kế hoạch của ông tiếp tục theo đuổi các khiếu nại pháp lý liên quan tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống hôm 3.11. Theo luật bầu cử Mỹ, để ông Biden chính thức được công nhận trở thành Tổng thống đắc cử, người đứng đầu GSA sẽ phải ký giấy tờ để phân bổ hàng triệu USD cho đội ngũ chuyển giao quyền lực. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 23.11, Viện Jenner, cơ quan phát triển vaccine thuộc Đại học Oxford (Anh) cho biết Anh sẽ đưa vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào sử dụng đại trà trước mùa xuân năm tới. Nhận định trên được đưa ra sau khi hãng dược AstraZeneca, liên doanh Anh-Thụy Điển, thông báo vaccine mà hãng này phối hợp với Đại học Oxford phát triển cho hiệu quả ngăn ngừa bệnh trung bình 70% khi thử nghiệm trên 23.000 tình nguyện viên. Đây là loại vaccine thứ 3 thu được kết quả thử nghiệm khả quan sau các vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Trong ảnh: Hình ảnh mô phỏng vaccine phòng COVID-19 do Hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN


Rạng sáng 24.11 (giờ địa phương), Trung Quốc đã phóng thành công tàu thám hiểm Hằng Nga 5 tại trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, nhằm thực hiện một trong những nhiệm vụ “khó khăn và phức tạp” nhất của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc là thu thập các mẫu vật trên Mặt trăng và quay trở lại Trái đất. Lần phóng này được thực hiện sau 4 lần trì hoãn, kể từ năm 2017. Trong ảnh: Tên lửa Trường Chinh-5 mang theo tàu thám hiểm Hằng Nga 5 rời khỏi bệ phóng tại trung tâm vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 24.11. Ảnh: THX/TTXVN

(0) Bình luận
Sự kiện nổi bật ngày 24.11