"Vua" cá chình đất Kim Thành

15/09/2019 17:09

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1968) ở thôn Trung Tuyến, xã Bình Dân (Kim Thành) đã đưa những giống thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao về nuôi tại địa phương.

Ông Dũng đầu tư gần 200 triệu đồng để mua máy phát điện, máy tạo sóng và sục khí cho cá

Trải qua những "trái đắng" ngày đầu khởi nghiệp, giờ đây ông đã xây dựng được cơ ngơi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ triệu phú tôm càng xanh...

Đưa chúng tôi về thăm trang trại của ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Dân Nguyễn Văn Dũng vừa chỉ tay về khu triều trũng phía xa vừa nói: "Kia là thủ phủ của tỷ phú cá chình đấy. Đi tầm 500 m nữa là tới thôi". Trên đường đi ông Dũng cho biết trước đây, cả vùng triều trũng này mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa vì chất đất chua, nước ngập sâu nên canh tác rất khó khăn. 

Vì là khu chuyển đổi nên đường đi khá gập ghềnh, nhiều đoạn cong cua làm chiếc xe máy của ông Dũng chao đảo liên tục. Nhanh chóng vượt qua những vũng nước lớn do trận mưa đêm qua để lại, chúng tôi có mặt trước cổng nhà ông Nguyễn Tiến Dũng. Ông Dũng mặc trên người chiếc áo ba lỗ loang lổ nhựa chuối, chiếc quần ka-ki bạc màu kéo lên quá đầu gối. Mái tóc bạc trắng phân nửa, tương phản với nước da đen bóng vì dãi nắng dầm mưa của ông. Có lẽ cái "chất" nông dân đã ăn sâu vào con người của ông nên không dễ gì thay đổi dù nay ông đã giàu có.

Thấy tôi ngạc nhiên, ông Dũng lên tiếng: "Các anh thông cảm, mấy hôm nay tôi bận chăm sóc mấy gốc chuối bán Tết và thu hoạch ít nhãn trái vụ nên quần áo lúc nào cũng nhem nhuốc. Các anh ra vườn ngồi uống nước cho mát". Vừa đi ông Dũng vừa kể, 20 năm trước ông đi làm thuê ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn. Năm 2006, địa phương có chính sách chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình vườn ao chuồng (VAC). Sau khi vay được hơn 50 triệu đồng từ ngân hàng và người thân, ông Dũng bắt tay ngay vào đào ao thả cá. Do là vùng đất trũng nhiều bùn lầy nên cứ đắp đến đâu là bờ bị sạt đến đó. Không nản lòng trước khó khăn, ông Dũng cùng mọi người kiên trì làm việc và phải mất 1 tháng sau, mô hình VAC rộng 1 mẫu mới hoàn thành.     

Có ao, ông Dũng bắt tay ngay vào nuôi tôm càng xanh. Ban đầu ý tưởng này bị gia đình ngăn cản vì ông chưa có kinh nghiệm nuôi, đầu ra cũng chưa biết thế nào. Bỏ ngoài tai những lời khuyên can, ông Dũng quyết định đầu tư hơn 10 triệu đồng để đặt mua 2 vạn tôm giống từ miền Nam gửi ra. Sau 3 tháng nuôi, tôm phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, giá bán khi ấy khá cao. Ông dự tính nếu bán hết lứa tôm sẽ lãi trên 100 triệu đồng. Nhưng "người tính không bằng trời tính", trận rét đậm năm đó làm tôm chết sạch. Gần 100 triệu đồng đầu tư vào giống và thức ăn cùng công sức bao ngày đổi lại bằng một sân phơi đỏ màu tôm chết. Thất bại ngay từ lần khởi nghiệp làm ông mất ăn mất ngủ cả tháng trời. Không nản chí, ông nhanh chóng tìm ra những nguyên nhân dẫn đến thất bại để rút ra bài học. Ông Dũng còn tìm hiểu thêm cách nuôi tôm trên sách, báo chí và đi tham quan những mô hình nuôi tôm ở địa phương khác để áp dụng. Nhờ kiên trì học hỏi nên vụ nuôi thứ 2, ông Dũng thu được hơn 1 tấn tôm càng xanh, thu lãi 100 triệu đồng. 

Những năm sau, khi có "của ăn của để" ông đầu tư kè bờ ao bằng bê tông, xây dựng hệ thống cấp thoát nước và mua thêm 1 mẫu ruộng để mở rộng mô hình nuôi tôm. "Sau khi thất bại ở lần nuôi đầu, tôi phải mất gần 1 tháng tập trung cải tạo ao, xử lý môi trường nước theo đúng quy trình kỹ thuật như nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Ưu điểm vượt trội của tôm càng xanh so với hai loại tôm trên là dễ nuôi, mau lớn, ít bị dịch bệnh và thích ứng nhanh với môi trường, nguồn nước", ông Dũng nói. Đặc biệt, tôm càng xanh rất thích hợp trong các mô hình xen canh với các loại cây trồng, vật nuôi khác cho hiệu quả về kinh tế và môi trường sinh thái. Chỉ cần tỷ lệ sống của tôm đạt từ 50-60% là thành công.

Nhờ tận dụng được thức ăn tươi từ các loại cá, ốc trong ao nên ông Dũng giảm được chi phí thức ăn cho tôm. Cứ sau 6 tháng nuôi, tôm càng xanh đạt trọng lượng khoảng 40-50 gam/con thì được xuất bán. Với giá bán từ 200.000-250.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 150-200 triệu đồng. Lợi nhuận cao từ nuôi tôm càng xanh khiến nhiều hộ xung quanh tìm đến nhà ông Dũng học hỏi kinh nghiệm. Ngoài tận tình chỉ cho bà con cách nuôi, ông Dũng còn đứng ra nhận cung cấp con giống cho mọi người. 

... đến thu nửa tỷ từ cá chình mỗi năm

Cuối năm 2011, các hộ nuôi ngày càng nhiều nên khâu tìm đầu ra cho tôm càng xanh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nước mặt bị ô nhiễm nặng làm loại tôm này thường xuyên bị bệnh nên tỷ lệ sống thấp. Chưa biết chọn nuôi con gì thay tôm càng xanh thì tình cờ ông Dũng có xem một chương trình về mô hình nuôi cá chình trên truyền hình. Nhận thấy loại cá trên có thể nuôi được ở trong ao của gia đình nên ông đã liên hệ với bạn bè khắp nơi tìm mua con giống. Nhưng cũng phải đến đầu năm 2012, trong một lần đi mua tôm giống, ông Dũng mới tình cờ tìm được chỗ bán cá chình giống. 

Ông Dũng kể: "Từ khi biết đến mô hình nuôi cá chình trong ao, tôi đã tìm hiểu thêm nhiều tài liệu về loại cá này. Thời điểm ấy, ngoài Bắc chưa nhân được giống cá chình nên rất khó mua. Tình cờ trong một lần đến muộn không mua được tôm giống, chủ đại lý ở Hải Phòng đã giới thiệu cho tôi về giống cá chình. Không chần chừ tôi đem 10 triệu đồng mua tôm giống để đặt cọc mua cá chình về nuôi".

Không vội vàng như trước, lần này ông đặt mua 1.000 con giống từ tỉnh Cà Mau gửi ra với giá 100.000 đồng/con. Sau đó, ông đem nuôi thử với mật độ 500 con/1.000 m2. Thay vì sử dụng thức ăn công nghiệp, ông Dũng chọn cá lẹp làm nguồn thức ăn cho cá chình. Để kiểm soát được lượng thức ăn, ông cho cá lẹp vào từng khay và để tủ cấp đông đóng đá. Như vậy, thức ăn sẽ nổi trên mặt nước, cá ăn đến đâu hết đến đó, vừa tránh lãng phí vừa bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, mỗi tháng ông xử lý nước ao một lần để hạn chế các mầm bệnh làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá. 

Nhờ nắm bắt được quy trình chăm sóc và phòng bệnh nên lứa cá đầu ông nuôi cho năng suất khá cao. Sau 2 năm nuôi, cá chình đạt trọng lượng từ 2-2,5 kg/con. Với giá bán từ 400.000-450.000 đồng/kg, ông Dũng thu lãi hơn 300 triệu đồng. Do được nuôi bằng thức ăn tự nhiên nên giá cá chình của gia đình ông cao hơn cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp từ 50.000-80.000 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế cao, ông Dũng chuyển toàn bộ diện tích ao nuôi tôm càng xanh còn lại sang nuôi loại cá này. Đến nay, 2 ao nuôi cá chình với tổng diện tích trên 7.000 m2 cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi thủy sản, ông Dũng còn trồng nhiều cây ăn quả trên bờ vừa tăng thêm thu nhập, vừa tạo bóng mát quanh ao.

Bằng sự hiểu biết và 20 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi thủy sản, ông Dũng thường xuyên giúp đỡ, tư vấn cho nhiều hộ nuôi đến học hỏi kinh nghiệm. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Dân cho biết: "Ông Dũng là người ham học hỏi, sáng tạo, mạnh dạn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi. Mô hình nuôi cá chình của ông Dũng là mô hình duy nhất tại huyện Kim Thành. Mỗi năm có hàng chục đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Để nhân rộng mô hình này, chúng tôi đề nghị lãnh đạo các cấp quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vì chi phí đầu tư nuôi cá chình rất lớn, không phải hộ nào cũng tiếp cận được".

Trước khi chia tay chúng tôi, ông chủ cá chình vui vẻ nói: "Thu hoạch lứa cá tới tôi sẽ gọi các anh về xem và thưởng thức cá chình do chính tay tôi chế biến nhé. Vụ này thắng lớn tôi sẽ cưới vợ và xây nhà to cho con trai". Bao lam lũ, vất vả nhưng không chùn bước, nay người nông dân ấy đã đạt được những thành quả xứng đáng.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Vua" cá chình đất Kim Thành