Nữ nông dân có hoài bão lớn

01/08/2021 15:32

Niềm đam mê với nông nghiệp sạch của chị Lương Thị Cúc, sinh năm 1983, ở thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc (Thanh Hà) trở thành động lực để chị nuôi hoài bão lớn.


Chị Lương Thị Cúc (bên phải) hướng dẫn người dân chăm sóc ổi theo tiêu chuẩn VietGAP

Dám nghĩ, dám làm

Nhà chị Cúc có 2 con gái nên dù không mấy khá giả, chỉ sống dựa vào vài sào ruộng khoán song bố mẹ chị vẫn mong muốn con cái học hành tử tế. Không phụ lòng mong mỏi, chị Cúc theo học ngành điều dưỡng tại Hòa Bình. Học xong, ra trường chị làm công tác dân số tại địa phương. Thu nhập không cao nhưng ổn định, lại nhàn chân tay, phù hợp với ý muốn của người thân. Trong suy nghĩ của người khác, chị Cúc có nghề nghiệp đàng hoàng, lại kiếm được tấm chồng tử tế, con cái ngoan ngoãn, vậy nên chỉ cần chăm lo vun vén cho gia đình là đủ. Thế nhưng, chị lại không bằng lòng với điều này.

Sau khi kết hôn vào năm 2004, vợ chồng chị Cúc được bố mẹ hai bên cắt cho 4 sào vườn trồng ổi. Thời gian rảnh, chị đều quanh quẩn bên những gốc ổi để kiếm thêm thu nhập. Với công việc này, chị Cúc chỉ là lớp đi sau vì giống cây này đã bám rễ đồng đất quê nhà từ lâu. Vốn là cây trồng thay thế cây vải nhưng ổi chỉ cho giá trị cao thời gian đầu, dần dần cũng rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá. Nếu như nông dân khác chỉ biết thở dài cam chịu thì chị Cúc lại bảo: “Thấy giá thấp, người trồng đổ cho tiểu thương thao túng, ép giá, song chồng tôi theo nghề buôn ổi bao năm, tôi rõ nhất cái khó ở từng khâu. Mới đầu tôi chỉ phân bua để mọi người thấy được quả ổi đang vướng ở đâu. Về sau, tôi nhận ra nếu không quyết liệt hành động thì mọi lời nói chỉ như gió thoảng vì người dân không nghe ra mà phải có hành động thực tế chứng minh”.

Đằng đẵng bao ngày gửi con cho ông bà trông nom, vợ chồng chị khăn gói tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ khắp trong Nam ngoài Bắc với hy vọng có thể kết nối cung cầu. Thế nhưng mọi thứ diễn ra lại không giống với hình dung của chị. Nhiều cuộc gặp gỡ cũng chỉ là "bánh vẽ", "làm màu", các đơn vị chỉ tham gia lấy lệ nên ngại tiếp xúc, chia sẻ. Biết không thể cứ mãi im lặng để quan sát, lắng nghe, nữ nông dân bé nhỏ lấy hết can đảm để thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước hội trường. "Đứng trước nhiều người thành đạt hơn, giỏi giang hơn tôi run lắm song nếu không nói, không trình bày thì không biết đến khi nào quả ổi của quê hương mới không còn lận đận", chị Cúc giãi bày.

Hy vọng của chị Cúc được thắp lên khi năm 2017, Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (lúc đó thuộc Tập đoàn Vingroup) ngỏ ý muốn hợp tác để đưa ổi vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch. Công sức bấy lâu đã được đền đáp, song chị Cúc vẫn vừa mừng vừa lo. Mừng vì quả ổi đã tìm được đầu ra, còn lo vì yêu cầu của doanh nghiệp rất khắt khe. Bà con trước giờ canh tác theo thói quen, chỉ cần nhìn quả ổi đẫy đà, sáng mã là thích mắt chứ đâu để ý tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Sốt ruột khi ổi gửi đi lại bị trả về, tháng 8.2017, chị Cúc đã đứng lên, tập hợp người dân có chung ý tưởng thành lập HTX Nông sản sạch Nam Vũ. Đã hợp sức nhưng không hợp lòng thì rất dễ buông xuôi. Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, chị Cúc trải lòng: "Thay đổi nếp sản xuất không hề dễ dàng. Bà con chỉ cần phun 1 bình thuốc diệt cỏ thì ngay hôm sau cỏ đã chết la liệt, còn tôi lại hô hào ngược lại, muốn mọi người làm cỏ thủ công tốn nhiều công sức. Làm nông nên người dân có tâm lý tranh thủ, rảnh lúc nào làm lúc đó, cứ xong việc là được, trong khi tôi lại đề nghị mọi người phải chăm sóc đúng thời điểm, ghi chép rõ ràng. Ai cũng cho rằng tôi máy móc nên không nghe theo. Nhiều lúc muốn từ bỏ song cứ nghĩ tới lý do bắt đầu, tôi lại tiếp tục cố gắng".

Sự kiên trì, bền bỉ của chị đã được đền đáp xứng đáng. Đơn hàng ổi VietGAP đầu tiên lăn bánh tới các siêu thị, cửa hàng tiện ích Vinmart, Vinmart+ trong sự phấn khích của nhiều người. Phần vì bán được giá cao hơn so với thị trường, phần vì lần đầu quả ổi tiếp cận với phân khúc thị trường cao cấp hơn. Nhờ dám nghĩ, dám làm tìm hướng đi đúng, diện tích ổi nhà chị Cúc cứ thế rộng hơn, từ 4 sào tới 1 mẫu và giờ là 10 mẫu. Hiện HTX Nông sản sạch Nam Vũ có 50 thành viên, quy mô sản xuất 30 ha. HTX đã xây dựng được nhà sơ chế, tạo việc làm ổn định cho 14 lao động địa phương. Mỗi năm, doanh thu của HTX đạt hơn 8 tỷ đồng, thu lãi gần 2 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu nông sản sạch, ngoài trồng ổi, HTX còn lắp đặt 500.000 m2 nhà màng sản xuất rau sạch. Đến giờ, không chỉ ổi mang nhãn hiệu Nam Vũ mà rau lang, rau muống, mồng tơi, cà chua Nam Vũ cũng đã tạo được vị thế trên thị trường nông sản sạch. Sản xuất sạch không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản của HTX mà còn tạo được liên kết chuỗi vững chắc về đầu ra sản phẩm. Minh chứng là qua 3 đợt dịch Covid-19 và trong đợt dịch lần 4 đang diễn biến phức tạp, khi nhiều đơn vị sản xuất lao đao thì HTX của chị Cúc vẫn cung ứng đều từ 2-4 tấn rau, củ, quả/ngày cho các siêu thị, cửa hàng.


Nông nghiệp sinh thái là mô hình nông nghiệp chị Cúc theo đuổi

Trách nhiệm với xã hội

Bận rộn với việc phụ trách dân số ở địa phương, lại cáng đáng nhiều việc quan trọng của HTX, rồi việc gia đình, con cái nhưng nét mặt chị Cúc lúc nào cũng rạng ngời, chưa khi nào hết năng lượng. Thậm chí, chị còn lan tỏa lối sống, suy nghĩ tích cực tới chị em phụ nữ khác trong xã. Năm 2018, chị thành lập HTX Sản xuất nông nghiệp VietGAP VAC với thành viên đều là phụ nữ. Đây là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, nhất là sản xuất sạch cho các thành viên. Nhờ chị Cúc mà nhiều chị em trong xã học cách trồng ổi VietGAP, dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Có những chị em không là thành viên của HTX Nông sản sạch Nam Vũ nhưng có ổi sản xuất theo quy trình VietGAP thì chị vẫn thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg để đưa vào siêu thị. 

Trải qua 3 đợt dịch Covid-19 và giờ là đợt dịch thứ 4, chị Cúc không quên trách nhiệm với xã hội. Khi cả tỉnh phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội khiến tiêu thụ nông sản ngừng trệ, ban ngày tham gia trực chốt, tối đến chị Cúc lại xăm xắn gom rau, củ, quả, hỗ trợ người dân tiêu thụ. Hơn 200 tấn ổi, rau, củ ngoài vùng sản xuất của HTX được chị Cúc kết nối đưa vào hệ thống bếp ăn tập thể. Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, chị chủ động liên hệ với HTX ở các tỉnh, thành phố khác để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong vận chuyển tiêu thụ; xây dựng phương án đưa nông sản đến đúng nơi cần, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, nhất là trong vùng dịch.

Thành công với sản xuất sạch, chị Cúc vẫn chưa thỏa mãn mà vẫn đau đáu mơ ước hoài bão lớn hơn. Với chị sản xuất sạch chỉ mang tính mô hình, nhỏ lẻ còn muốn phát triển bền vững, lâu dài thì phải hướng tới nông nghiệp sinh thái. Ở đó, có sự hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên, người dân không còn vắt kiệt đất đai, lạm dụng vật tư hóa học để thu lợi trước mắt mà sẽ đầu tư cho mai sau, lấy lại môi trường và sức khỏe. Theo đuổi nông nghiệp sinh thái vừa là hướng phát triển kinh tế phù hợp và là trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Bao nhiêu lợi nhuận từ chuỗi liên kết sản xuất sạch chị đều dồn hết cho ý tưởng này. Sau khi tham quan, tìm hiểu du lịch miệt vườn, sinh thái ở nhiều nơi, chị đã lựa chọn 5 ha của 10 hộ trong HTX để phát triển nông nghiệp sinh thái. Chị thả sen dưới ao, hồ, trồng dừa, mít xung quanh vườn, dựng lán nghỉ chân. Dù mới chỉ làm từng bước, chưa hoàn thiện nhưng khu vườn của chị và các thành viên trong HTX đã được nhiều người biết tới. Khi chưa có dịch, từng đoàn khách ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh không quản đường xa về đây khám phá, tìm hiểu. Vẻ mặt thích thú của du khách đã tiếp thêm động lực để chị sớm hoàn thành khu nông nghiệp du lịch sinh thái, cố gắng mở cửa đón khách vào năm 2022.

Với những cố gắng không biết mệt mỏi trong lĩnh vực nông nghiệp, chị Cúc đã được tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế tập thể và xây dựng nông thôn mới. Vừa qua, chị cũng được cử tri tín nhiệm, bầu làm đại biểu HĐND huyện Thanh Hà khóa XX và đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2026. "Làm đại biểu dân cử, vừa là vinh dự nhưng cũng là trọng trách lớn lao với tôi. Bởi giờ đây, tôi không chỉ nghĩ tới lợi ích của bản thân, gia đình, thành viên trong HTX mà phải trăn trở, suy tư nhiều hơn để đóng góp tiếng nói, phần nào gỡ khó cho nông nghiệp, nông dân", chị Cúc tâm niệm.        

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nữ nông dân có hoài bão lớn