Nông dân Gia Lộc làm giàu từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

21/07/2021 06:36

Nhờ tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp nhiều nông dân ở Gia Lộc có đời sống khấm khá.


Xã Phạm Trấn có diện tích nhà màng, nhà lưới nhiều nhất huyện Gia Lộc

Thu lãi lớn

Với diện tích sản xuất trong nhà màng lớn nhất xã Phạm Trấn, mỗi năm gia đình ông Phùng Thanh Út thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Đời sống gia đình khấm khá, ông đã xây được ngôi nhà to đẹp và mua ô tô hạng sang.

Ông Út cho biết trước đây gia đình ông canh tác rau màu truyền thống kết hợp thu mua nông sản nhưng thu nhập thấp. Năm 2017, sau khi học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Cẩm Giàng, ông đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng làm 5.000 m2 nhà màng. 

Lúc đầu sản xuất còn bỡ ngỡ nên gia đình ông thu nhập không đáng kể. Năm 2018, một doanh nghiệp đã hợp tác với ông sản xuất dưa vân lưới. Doanh nghiệp này cung cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm. 

Những năm đầu, gia đình ông thu lãi khoảng 500-700 triệu đồng. Sau đó ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất trong nhà màng, đến nay có hơn 7.500 m2 Mỗi năm gia đình ông bán gần 100 tấn dưa vân lưới và dưa chuột. Vào dịp thời vụ, ông Út phải thuê cả chục lao động địa phương.

Ông Út cho biết sản xuất trong nhà màng thu lãi cao gấp 5-6 lần so với sản xuất truyền thống. "Chúng tôi sản xuất theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp đòi hỏi rất ngặt nghèo. Từ hệ thống tưới nước tự động đến chăm sóc cây, lấy mẫu nước, đất đều rất tỉ mỉ. Cây trồng trong nhà màng gần như không sâu bệnh, lại cho năng suất cao vượt trội", ông Út nói.

Vợ chồng anh Phùng Thanh Công ở xã Phạm Trấn cũng có diện tích sản xuất trong nhà màng khá lớn. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp từ năm 2019, đến nay gia đình anh có khoảng 7.000 nhà màng. Mỗi năm gia đình anh trồng 3 vụ dưa vân lưới và 1 vụ dưa chuột. Thu hoạch đến đâu có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hết đến đó nên anh rất yên tâm sản xuất. Mỗi năm anh thu hoạch khoảng 35-40 tấn dưa, thu lãi từ 600-700 triệu đồng. 

Ngoài gia đình ông Út, anh Công, từ năm 2017 đến nay trên địa bàn xã Phạm Trấn có nhiều hộ đầu tư làm nhà màng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Toàn xã có 14 hộ sản xuất mô hình này, với diện tích từ 1.800 - 7.500 m2, mỗi hộ thu lãi từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Điển hình như gia đình các ông Hoàng Văn Hinh, Nguyễn Văn Quang, Đỗ Văn Trinh... Không chỉ làm giàu cho gia đình, những mô hình nhà màng, nhà lưới này còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.


Nhiều nông dân thu lãi từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp


Hướng đi tất yếu

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lộc lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mang lại giá trị kinh tế cao.

Để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao phát triển, huyện hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà màng, 50.000 đồng/m2 nhà lưới. Các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn tích cực vận động, khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Bà Tăng Thị Hạnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết sản xuất trong nhà màng, nhà lưới khắc phục được những bất lợi do thời tiết, hạn chế sâu bệnh hại, giảm chi phí, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nông sản được tiêu thụ thuận lợi, giá trị sản xuất đạt từ 1-1,5 tỷ đồng/ha/năm. Vì vậy, diện tích sản xuất trong nhà màng, nhà lưới trên địa bàn tăng nhanh qua các năm. Chỉ từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã phát triển thêm hơn 30.000 m2 nhà màng, nhà lưới. Toàn huyện hiện có khoảng 150.000 m2 nhà màng, nhà lưới, tập trung nhiều nhất ở xã Phạm Trấn, tiếp đến ở các xã Toàn Thắng, Nhật Tân, Đoàn Thượng... Những diện tích này chủ yếu trồng dưa vân lưới, dưa chuột...

Theo ông Đỗ Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương phấn đấu đến năm 2025 có 300.000 m2 nhà màng, nhà lưới. Để đạt được mục tiêu này, huyện tiếp tục khuyến khích người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây trồng mới có giá trị cao vào sản xuất. Các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân; củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, liên kết; bố trí ngân sách hỗ trợ người dân và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật vào các khu sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục củng cố vững chắc mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ đã xây dựng và hình thành các liên kết mới để các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển ổn định, bền vững. 

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Gia Lộc làm giàu từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao