Khó nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm

19/07/2020 19:06

Được coi là giải pháp đột phá, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhưng việc đưa hệ thống tưới nước tiết kiệm vào sản xuất vẫn còn không ít khó khăn.

Sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, người dân trồng rau màu đỡ vất vả hơn trước 

Hiệu quả rõ rệt 

Cứ 4 giờ chiều hằng ngày, trạm bơm cấp nước cho hệ thống tưới nước tiết kiệm (TNTK) của xã Phạm Kha (Thanh Miện) lại được vận hành để cấp nước tưới cho các thửa ruộng. Mỗi khi có nước, người dân chỉ cần mở khóa là những chiếc cột nước nhỏ quay tròn tưới nước ra xung quanh.

Vừa bắt sâu cho những cây hành đã lên xanh tốt, bà Nguyễn Thị Gái ở thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha cho biết trước đây người dân phải gánh từng thùng nước lên ruộng để tưới rau. Có hộ ở cách xa nguồn nước, không có người làm nên phải bỏ ruộng hoặc cho người khác. Rồi người dân mua sắm máy bơm, đường ống dẫn nước từ kênh mương vào ruộng để tưới nên cũng đỡ vất vả hơn nhưng vẫn phải múc từng ca nước tưới cho các luống rau. Khi có hệ thống TNTK, việc tưới cho cây trồng rất thuận lợi. "Trước đây để tưới 1 sào ruộng, tôi mất cả tiếng đồng hồ. Bây giờ tôi chỉ cần mở khóa nối giữa đường ống nước trong ruộng với đường ống dẫn nước của HTX là đã tưới được cho rau màu. Nhờ có hệ thống TNTK, chúng tôi nhàn hơn trước rất nhiều, có thời gian dành cho việc khác".

Sau khi lắp máy bơm nước vào hệ thống ống dẫn để tưới cho ruộng rau, ông Trần Văn Mạnh ở thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) có thể về nhà cách đó khoảng 500 m để uống nước. Sau khoảng 40 phút, khi ruộng đã được tưới đẫm nước, ông Mạnh chỉ cần dùng điều khiển tắt máy bơm là xong. "Chưa khi nào tôi thấy làm nông nghiệp lại nhàn như hiện nay. Nhờ có hệ thống TNTK mà công sức chúng tôi bỏ ra giảm rất nhiều. Hơn nữa, tưới kiểu nhỏ giọt nên tiết kiệm được khá nhiều nước so với trước", ông Mạnh nói.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, dùng hệ thống TNTK giảm từ 20-50% công lao động, tiết kiệm 20-40% lượng nước, giảm lượng điện hoặc xăng dầu dùng vận hành máy bơm. TNTK còn giảm lượng phân bón sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người dân từ 5-7 triệu đồng/sào/vụ so với phương pháp tưới tràn truyền thống.

Cần quan tâm hỗ trợ

Mặc dù hiệu quả rất rõ rệt nhưng việc đưa hệ thống TNTK vào sản xuất đại trà rất khó thực hiện do kinh phí lớn, đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ mới vận hành được. Để có nước cấp cho các ruộng cần phải có trạm bơm nước, đường ống dẫn đến đầu các ruộng. Người dân lắp đặt ống nhựa dẫn nước và các đầu van nước, chi phí lắp đặt khoảng 2 triệu đồng/sào. Đó còn chưa tính đến chi phí quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống khi xảy ra sự cố.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biết mặc dù các xã Đức Chính, Cẩm Văn được UBND tỉnh hỗ trợ 80% kinh phí xây dựng 120 ha TNTK nhưng để huy động được 20% nguồn vốn đối ứng còn lại, 2 xã gặp không ít khó khăn. "Phần đối ứng còn lại cũng hơn 2 tỷ đồng mỗi xã. Trong khi các địa phương đã huy động tối đa nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới nên việc tiếp tục huy động kinh phí xây dựng hệ thống TNTK gặp không ít khó khăn", ông Thiện nói. 

Là địa phương có truyền thống trồng rau màu nên những năm qua xã Phạm Kha nhận được sự đầu tư lớn của tỉnh để xây dựng hệ thống TNTK. Đến nay, UBND tỉnh và UBND huyện Thanh Miện đã đầu tư khoảng 18 tỷ đồng cho Phạm Kha lắp đặt hệ thống TNTK. Cụ thể, đầu năm 2018, UBND huyện Thanh Miện hỗ trợ gần 10 tỷ đồng xây dựng 1 trạm bơm nước và đường ống dẫn tới đầu ruộng cho 100ha. Đến tháng 5.2020, UBND tỉnh  quyết định đầu tư 8,08 tỷ đồng xây dựng hệ thống TNTK cho 80 ha còn lại, HTX phải đối ứng hơn 2tỷ đồng. Ông Vũ Đức Quynh, Chủ tịch UBND xã Phạm Kha cho biết: "Mặc dù có sự đầu tư đồng bộ nhưng do có nhiều hộ lấy nước vào cùng một thời điểm nên những hộ ở cuối nguồn không có nước tưới. Tới đây, khi hệ thống này đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ phân giờ để người dân lấy nước".  

Ngoài những khó khăn trên, theo phản ánh của một số địa phương, do chưa có mô hình nào đi vào vận hành hoàn chỉnh nên các địa phương cũng rất băn khoăn về cơ chế quản lý, cách thức vận hành. Còn vấn đề nữa là việc thu tiền đóng góp của người dân như thế nào để bảo đảm được chi phí cho đội ngũ quản lý, tiền điện và sửa chữa khi có hệ thống bị hỏng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có gần 800 ha TNTK, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Miện, Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, TP Chí Linh... Hiện tỉnh chưa ban hành cơ chế, chính sách riêng cho việc xây dựng hệ thống TNTK mà lồng ghép trong chương trình hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, tỉnh nên sớm ban hành cơ chế, chính sách và các điều kiện cụ thể để hỗ trợ các địa phương; có quy định hoặc hướng dẫn về thu tiền đóng góp đối với người dân, bảo đảm vận hành hiệu quả hệ thống TNTK, tránh việc mỗi nơi thu một kiểu. 

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm